Truyền Đèn Nối Lửa
-Giảng Dạy Quy Sơn Cảnh Sách tại Luật Học Viện Huệ Nghiêm
Năm ngày xuyên suốt truyền trao
Lời Thầy như sấm đánh vào tâm con
Bao năm trong chốn Thiền môn
Hôm nay nhìn lại như còn ban sơ!
Giật mình, con tỉnh giấc mơ
Đại Viên Cảnh Sách núi Quy hiện tiền
Lời Chư Phật, ý Thánh Hiền
Cam lồ Pháp vị, hương Thiền Thầy trao
Xuất gia lý tưởng phải cao
Thiền duyệt, Pháp hỷ, tựa vào chân Kinh
Bồ-đề nương Định phát sinh
Oai nghi đĩnh đạc, Giới Kinh hành trì.
Chúng con thành kính khắc ghi
Pháp âm vi diệu, từ bi trao truyền
Noi gương các bậc Thánh Hiền
Nguyện theo hạnh Phật, đáp đền thâm ân.
Trên đây là cảm tác của một Tăng sinh dành tặng bút giả sau mười buổi học Quy Sơn Cảnh Sách trong năm ngày tại Luật Học Viện Huệ Nghiêm (20-24 tháng 04, 2022). Ngoài ra, nhiều vị Tăng sinh khác còn xin tham vấn riêng, đảnh lễ tỏ lòng tri ân sâu sắc sau khóa học. Đã lâu lắm rồi bút giả mới tìm lại được những giây phút hạnh phúc thiêng liêng bên các Tăng Ni sinh, những học trò của mình sau hơn hai mươi năm xa lìa bục giảng ở Phật Học Viện trong nước. Điều này khiến bút giả vô cùng hạnh phúc, lấy đó làm niềm khích lệ lớn lao trong sự nghiệp “truyền Đạo, thụ nghiệp, giải hoặc” của mình. Thật ra, người giảng mới là người nên tri ân nhiều nhất!
Trước hết, bút giả xin tri ân Hòa Thượng Luật Sư Thích Minh Thông, người sáng lập và chủ giảng Luật Học Viện Huệ Nghiêm hiện nay. Nếu không nhờ đức hạnh, trí tuệ và nghị lực của Ngài xây dựng một Luật Học Viện và GIới Đàn (đàn truyền giới) đầu tiên trong nước, có lẽ Phật giáo Việt Nam sẽ không có một nơi nào giảng dạy giới luật có hệ thống và chuyên sâu, nhất là phần tác trì, tức các pháp yết-ma, cử tội, sám hối… trong Tăng Đoàn. Hơn nữa, Hòa Thượng không chỉ chú trọng khẩu giáo mà quan trọng hơn là thật hành thân giáo. Hòa Thượng Luật Sư cùng tu tập và hành trì chung với Tăng chúng. Tăng Ni sinh bắt buộc phải nội trú. Tăng sinh nội trú trong Luật Học Viện Huệ Nghiêm, Ni sinh nội trú ở Chùa Mai Sơn gần đó. Tất cả đều nghiêm trì giới luật, không giữ tiền bạc, không ăn chiều, không dùng điện thoại di động…. Thiết nghĩ, trong đời mạt Pháp, đây là điều hiếm có khó được! Phải chăng Hòa Thượng Luật Sư là bậc Bồ-tát thị hiện, ra đời để trùng hưng giới luật học, giữ lại giềng mối kỹ cương Phật giáo Việt Nam?
Kế nữa bút giả xin tri ân Tăng Ni sinh đã phát tâm theo học Luật Học Viện. Đây là lớp học không có bằng cấp, mà chỉ mong “bằng Phật”! “Nguyện thường tu hạnh Đại Thừa/ Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con!” Trong thời đại vật chất mê lòng, bằng cấp hoa mắt này, còn có những vị Tăng Ni phát tâm theo đuổi môn Luật học Phật giáo khô khan, nhất là đòi hỏi phải có hành trì tương ưng, thật là hiếm quý! Quý Thầy và quý Sư Cô trong lớp còn trẻ, sơ phát tâm còn mạnh, được nuôi dưỡng và đào tạo trong môi trường như vậy nhất định sẽ trở thành rường cột cho Phật giáo ở tương lai. Tăng Ni sinh tri ân Hòa Thượng Luật Sư, tri ân các bậc Thầy Giáo Thọ, trong đó có bút giả, nhưng bút giả cũng tri ân chư Tăng Ni Sinh. Nếu không có những vị phát tâm học luật, khép mình trong khuôn khổ Luật Học Viện, bút giả cũng không có cơ hội để thật hiện Bồ-đề tâm, Bồ-tát nguyện của mình trong lý tưởng truyền đèn nối lửa cho thế hệ sau. Tăng Ni sinh cũng là nguồn động lực cho bút giả tiếp tục biên soạn Giáo Trình Giảng Dạy Kinh Luật cho giới xuất gia và có người để mình "truyền Đạo, thụ nghiệp, giải hoặc."
Hoàn cảnh tu học và hoằng Pháp ở Hoa Kỳ khác trong nước. Tăng Ni phần lớn mỗi người một chùa, thậm chí có chùa không có người xuất gia trụ trì! Vì hoàn cảnh, An Cư ở Hoa Kỳ nói riêng và Hải Ngoại nói chung chỉ có mười ngày hay ít hơn, không phải ba tháng như luật chế. Bút giả làm giáo thọ cho khóa an cư hằng năm chỉ giảng từ một đến hai buổi, chủ yếu là giới thiệu công trình nghiên cứu, kinh sách biên soạn và phiên dịch của mình để khích lệ đại chúng cùng tu học. Bút giả từng mở “Lớp Trưởng Dưỡng Đạo Tâm” trong khóa An Cư của Tăng Đoàn Hải Ngoại, nhưng vì thời gian hạn chế cũng chỉ ôn lại giới luật, oai nghi cho người chuẩn bị thọ giới hay tân học Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni. Xét ra, việc dạy và học luật nếu có cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” với tinh thần “giấy rách giữ lấy lề” mà thôi!
Bút giả còn nhớ sau hai buổi bút giả giới thiệu “Từ Thọ Thiền Sư Huấn Đồng Hành” hay “Cảnh Sách cho Người Tập Sự Xuất Gia của Thiền Sư Từ Thọ” ở khóa An Cư Phật Học Viện Quốc Tế California năm 2018, một vị Trưởng lão đứng lên cho cảm nghĩ: “Thầy dịch, biên soạn và giảng giải “Huấn Đồng Hành” rất hay, nhưng ở Hải Ngoại đâu có bao nhiêu người tập sự xuất gia để học?” Lại nữa, trong dịp gặp một vị Hòa Thượng ở Châu Âu từng dịch kinh sách Phật giáo trước đây, bút giả hỏi: “Hòa Thượng gần đây có dịch hay viết gì không?” Hòa Thượng đáp: “Tôi nghỉ rồi! Giờ mình dịch hay viết cũng không có mấy ai chịu đọc!” Nghe xong, cảm thấy thật xót xa, bùi ngùi!
Tuy nhiên bút giả lại có suy nghĩ riêng. Kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam vẫn còn nghèo nàn so với Phật giáo các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng…. Nhiều tác phẩm có giá trị xưa nay vẫn còn nằm trong các ngôn ngữ khác như Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Tây Tạng…. Chỉ cần việc nghiên cứu, sáng tác, biên soạn, phiên dịch… của mình có chất lượng chẳng những sẽ làm giàu cho nền văn học Phật giáo Việt Nam hiện nay, mà còn có lợi ích lớn cho nhiều thế hệ về sau nữa! Hơn một ngàn năm trước ở Trung Quốc, Tổ Quy Sơn viết ra Văn Cảnh Sách chắc Ngài cũng không biết hơn một ngàn năm sau ở Việt Nam, chúng ta lại nghiên cứu, phiên dịch, giảng giải tác phẩm của Ngài và nương vào đó hành trì có được lợi ích lớn! Cho nên, chỉ cần mình nỗ lực cống hiến, đeo đuổi lý tưởng đến tận cùng, còn nhân duyên Phật Pháp là bất khả tư nghì, không thể dùng con mắt của phàm phu để đánh giá!
Lại nữa, dù chịu ảnh hưởng xu thế thật dụng của thời đại, văn minh vật chất của xã hội, nhưng nhiều Tăng Ni và Phật tử vẫn có lý tưởng xuất thế, tha thiết tu học, và tâm huyết truyền trì gia tài Chánh Pháp của Như Lai. Hiện nay mình là người thừa hưởng gia tài tuệ giác của tiền nhân thì phải có trách nhiệm, bổn phận để lại gì cho thế hệ tương lai. Hơn nữa, thế giới từ lâu đã trở thành một ngôi làng địa cầu (a global village) nhờ phương tiện giao thông hiện đại và truyền thông đại chúng tiên tiến, Tăng Ni và Phật tử trong nước hay ngoài nước đều có cơ hội tiếp xúc với nhau, có thể đọc những tác phẩm Phật giáo xưa nay dù gần hay xa. Cho nên, dù có ít vị phát tâm xuất gia ở Hải Ngoại, trong nước vẫn còn nhiều vị hảo tâm xuất gia rất cần những tài liệu Giáo Khoa Phật Học có chất lượng và cập nhật để tu học.
Vấn đề ở đây là chất lượng bài nghiên cứu, bài viết, bản dịch mình như thế nào? Có cống hiến gì không? Hay chỉ viết cho có nhiều đầu sách nhằm mua danh cầu lợi? Nói rõ hơn, điều quan trọng không phải mình viết hay dịch bao nhiêu quyển sách mà sách mình viết hay dịch như thế nào! Tiếng Anh bảo: It does not matter how many books you have written; However, it does matter how you write a book! Những suy nghĩ này là động cơ giúp bút giả tinh tấn và cẩn trọng trong việc biên soạn và phiên dịch của mình.
Lần này bút giả về nước để ấn tống một số kinh sách mình biên soạn và phiên dịch như Thọ Trì Sám Hối Sáu Căn Thi Kệ, Sám Quy Mạng Chú Giảng, Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư Kệ Tụng và Giảng Giải, Thọ Trì Quy Sơn Cảnh Sách… để cúng dường cho Chư Tăng Ni sinh trong nước. Duyên lành thay, bút giả được Hòa Thượng Luật Sư Thích Minh Thông mời giảng dạy Quy Sơn Cảnh Sách ở Luật Học Huệ Nghiêm. Bút giả quen biết với Hòa Thượng hơn hai mươi năm trước. Ngày xưa Hòa Thượng và bút giả cùng giảng dạy trong các khóa an cư kiết hạ ở Sài Gòn. Hòa Thượng chuyên giảng về môn Luật còn bút giả giảng về môn Kinh. Nay về thăm lại Ngài, dù tuổi cao sức yếu song Hòa Thượng vẫn hùng tâm tráng chí, quyết tâm xây dựng Luật Học Viện, giới đàn truyền giới như Luật như Pháp, nuôi dưỡng và đào tạo Tăng Ni tài đức, tinh thông giới luật.
Kính ngưỡng trước hạnh đức và việc làm của Hòa Thượng, bút giả xin góp một bàn tay cùng Ngài trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo đòi hỏi nhiều tâm huyết, nhẫn nại và âm thầm hy sinh. Hơn nữa, đây cũng là bổn phận và trách nhiệm của bút giả đối với thế hệ sau để đền đáp công ơn giáo dưỡng của Thầy mình và các bậc Tổ Sư trong muôn một. Như kệ tụng "Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư" nói:
Kính lạy bao đời Chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
Xả thân trao đèn tiếp lửa
Đến con thế hệ hôm nay.
…
Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Xả thân một lòng hành Đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài!
Nhân hoàn tất khóa giảng Quy Sơn Cảnh Sách gồm mười buổi trong năm ngày ròng rã, bút giả xin ghi lại đây chút cảm nghĩ và lòng tri ân của mình đối với công đức Lịch đại Tổ Sư, tâm huyết Hòa Thượng Luật Sư và sự tinh tấn của Tăng Ni sinh lớp Luật Học Huệ Nghiêm. Kính cầu nguyện Hòa Thượng Luật Sư sức khỏe, trường thọ để làm cội đại thụ lâu dài che mát cho hàng hậu học. Kính mong lớp Tăng Ni trẻ luôn ghi nhớ ơn đức của tiền nhân và Hòa Thượng hiện tiền, để kiên cố tâm Bồ-đề, vững chãi nguyện Bồ-tát:
Lập chí trượng phu quyết liệt
Mở dạ thượng sĩ xuất trần
Noi gương bậc thượng mà làm
Đừng theo thói thường hư tệ!
(Quy Sơn Cảnh Sách, Sakya Minh-Quang dịch)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Sakya Minh-Quang ghi trên chuyến bay từ Tokyo, Nhật Bản về lại Chicago, Hoa Kỳ, ngày 28 tháng 04, năm 2022.