Thừa Kế Chánh Pháp
1.Kính lạy đức Từ Phụ
Bổn sư Thích-ca Văn [1]
Nay con ôn lời Phật
Quán chiếu để tự răn.
2. “Sinh từ tin hiểu Phật
Lớn lên nhờ Pháp hành
Thừa kế Pháp Phật chứng
Mới con Phật xứng danh.” [2]
3. Từ Phụ từng thiết tha:
“Ai là con của Ta
Hãy thừa kế Chánh Pháp
Đừng tài vật xa hoa.” [3]
4. Tham danh, tham lợi dưỡng
Thích cung kính, cúng dường
Là thừa kế tài vật
Cùng tử, thực đáng thương! [4]
5. Tinh tấn văn, tư, tu
Giới, định, tuệ công phu
Là thừa kế Chánh Pháp
Bậc Pháp khí, trượng phu! [5]
6. Phật lại dặn lời này:
"Chánh Pháp của Như Lai
Nhờ người hành trì Pháp
Mới tồn tại lâu dài.
7. Không phải nơi vật chất
Chùa to, kiến trúc sang
Mà ở nơi tâm hạnh
Giải thoát những buộc ràng." [6]
8. Chùa chiền là phương tiện
Hoằng Pháp lợi nhân thiên
Không tu, không hoằng hóa
Chùa lớn càng oan khiên!
9. Con nay được làm người
Xuất gia theo Như Lai
Chỉ e mình thất niệm
Theo dòng đời không hay.
10. Kinh Phật: gương soi mình
Lời Tổ: roi chuyên tinh
Ngày đêm tự cảnh sách
Thệ chứng pháp vô sinh!
11. Nguyện thừa kế Pháp Phật
Trao truyền lại tương lai
Đền đáp ơn Phật Tổ
Cho con được hôm nay.
12. Nguyện cầu Tăng nghiêm tịnh
Hoằng hoá khắp mọi miền
Chánh Pháp được cữu trụ
Lợi ích cõi nhân thiên!
Nam-mô Từ Phụ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Sakya Minh-Quang
Viết ngày 7 tháng 10, 2021
tại Tu Viện Thiện Tường
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Chú thích:
[1] Thích-ca Văn là cách dịch lược khác của Thích-ca Mâu-ni.
[2] Lấy ý từ Kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa nói: “Từ miệng Phật sinh ra, từ Pháp Phật hóa sinh, được phần Pháp của Phật, là con Phật chân thật.” (Tùng Phật khẩu sinh, tùng Pháp hóa sinh, đắc Phật Pháp phần, thị chân Phật tử.”
[3] Lấy ý từ "Phẩm Tín Giải" Kinh Pháp Hoa. Cùng tử: đứa con nghèo cùng về mặt tín tâm và tuệ giác. Gia tài sự nghiệp người con Phật là tuệ giác (duy tuệ thị nghiệp). Bước đầu kế thừa gia tài sự nghiệp đó là tín tâm (tin rằng: Phật, Bồ-tát là trượng phu ta đây cũng vậy. Không tự khinh mình mà lui sụt.)
[4] Pháp khí: đồ đựng Pháp, chỉ cho người có khả năng kế thừa và truyền thừa Chánh Pháp. Trượng phu là người có chí lớn, có khí tiết. Ở đây chỉ Bồ-tát, tức người phát tâm bồ-đề và nguyện Bồ-tát. Trượng phu còn được gọi là "Đại nhân" hay "Ma-ha-tát" (Mahasattva).
[5] Lấy ý từ Kinh Thừa Kế Chánh Pháp (P. Dhammadāyāda Sutta), trong Trung Bộ Kinh. Trong kinh này, đức Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, các ông nên thừa kế Chánh Pháp nơi ta mà không nên thỏa mãn với việc thừa kế tài vật!" Tham khảo bản dịch Anh ngữ của Mahāsi Sayādaw: “Monk! You should inherit the Dhamma from me. You should not remain content with the inheritances of material goods.”
[6] Lấy ý từ Luận Đại Tỳ-bà-sa. Luận này nói: " “Khế kinh nói: ‘Chánh Pháp của ta không y nơi tường, vách, trụ cột v.v… mà tồn tại. Chánh Pháp chỉ y nơi hữu tình thực hành Chánh Pháp mà tương tục tồn tại.” "Tường vách, trụ cột v.v..." ở đây chỉ chùa chiền, cơ sở vật chất bên ngoài.