Thành Ngữ “Truyền Đăng Tục Diệm”
1. Giới thiệu
Thành ngữ “truyền đăng tục diệm” 傳燈續焰 là thành ngữ phổ biến trong nhà thiền. Ngữ nghĩa của thành ngữ này là “trao đèn tiếp lửa” hay "truyền đèn nối lửa”. Mở đầu bài tụng “Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”, bút giả viết:
Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
Xả thân “trao đèn tiếp lửa”
Đến con thế hệ hôm nay.
“Trao đèn tiếp lửa” chính là dịch từ thành ngữ “truyền đăng tục diệm”.
Lại nữa, trong phần kết thúc bài tụng “Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”, bút giả cũng viết:
Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
“Truyền đèn nối lửa” tương lai
Xả thân một lòng hành Đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.
“Truyền đèn nối lửa” cũng chính dịch từ thành ngữ “truyền đăng tục diệm”.
2. Pháp nghĩa của “truyền đăng tục diệm”
2a. Truyền đăng là “truyền Pháp”, tức truyền thừa Chánh Pháp qua các thế hệ
Chúng ta đã biết qua phần ngữ nghĩa của thành ngữ “truyền đăng tục diệm”, nhưng phần Pháp nghĩa của thành ngữ này rất sâu xa, nhất là từ “truyền đăng” cần được giải thích cặn kẻ. Đây là vì “truyền đăng” là thuật ngữ có xuất xứ từ kinh điển, được dùng chủ yếu trong truyền thống Thiền Tông, mang nội hàm Pháp nghĩa thâm sâu, trong khi “tục diệm” có xuất xứ từ sách Trang Tử, chỉ tiếp thêm ý nghĩa của hai chữ “truyền đăng”.
Sao gọi là truyền đăng? Truyền đăng chính là truyền Pháp. Thầy truyền Pháp cho trò; trò lại truyền cho thế hệ tiếp theo khiến Chánh Pháp cữu trụ nên gọi là truyền đăng. Pháp có thể phá trừ vô minh như đèn có thể phá trừ bóng tối, nên dùng đèn để dụ cho Pháp. “Phẩm Thiện Hiện” trong Kinh Đại Bát-nhã nói: “Như Lai vì người khác tuyên nói Pháp yếu đều không trái với pháp tánh. Các đệ tử Phật y nơi Pháp này tinh cần tu học, chứng được thật tánh của các pháp. Do đó, các đệ tử Phật [đã chứng được pháp tánh] này có nói ra đều không trái với pháp tánh. Cho nên, lời Phật dạy như ngọn đèn truyền cho nhau để soi sáng.”
Lại nữa, Luận Đại Trí Độ cũng nói: “Sở dĩ phó chúc là vì không để cho Pháp (bát-nhã) bị diệt. Ông nên giáo hóa đệ tử. Đệ tử lại giáo hóa người khác. Lần lượt giáo hóa lẫn nhau như vậy. Ví như một ngọn đèn lại thắp cho ngọn đèn khác thì ánh sáng càng thêm. Đừng làm người cuối cùng đứt mất dòng giống (đoạn chủng). Người đời có con, nếu không có người nối dõi thì gọi là đứt mất dòng giống. Đây là việc hổ nhục nhất. Đức Phật lấy điều này làm ví dụ nên bảo A-nan: ‘Ông đừng nơi thân mình để cho bát-nhã đoạn tuyệt!’”
Như vậy, theo Kinh Đại Bát-nhã, đức Phật chứng ngộ pháp tánh (dharmatā), tức thật tánh của các pháp, là lý thể không tịch, bất sinh bất diệt. Từ chỗ chứng ngộ đó, đức Phật nói ra Pháp yếu nhằm hướng dẫn đệ tử đồng chứng ngộ pháp tánh này. Các đệ tử sau khi chứng ngộ pháp tánh lại nói pháp yếu hướng dẫn đệ tử của mình đồng chứng ngộ pháp tánh. Như vậy, đời đời tiếp nhau, ngọn đèn Chánh Pháp được truyền thừa còn mãi ở đời. Còn theo Đại Trí Độ Luận, “truyền đăng” là truyền thừa Chánh Pháp qua từng thế hệ, cũng như cha truyền con nối, khiến dòng Thánh không dứt. Đây là ý nghĩa “truyền đăng” hay trao truyền ngọn đèn Chánh Pháp.
Điều mà chúng ta cần chú ý là: Đức Phật dạy: “Những đệ tử [đã chứng được pháp tánh] này, có nói ra đều không trái với pháp tánh. Cho nên, lời Phật dạy như ngọn đèn truyền cho nhau để soi sáng.” Nói khác đi, “truyền đăng” là thuật ngữ chỉ sự chứng ngộ chân thực của thầy và trò, mà không phải là từ ngữ thông thường dành cho những người chưa được khai ngộ.
Vì vậy, người xưa dùng từ “truyền đăng” vô cùng cẩn trọng, không chút dễ dãi. Trong truyền thống Thiền Tông Đông Độ, chư Tổ đã mượn từ “truyền đăng” trong Kinh Bát-nhã và Luận Đại Trí Độ để chỉ việc khai ngộ, ấn chứng và truyền thừa giữa thầy và trò. Đây là những vị thực tu, thực ngộ, được chư tôn đức uy tín đời sau khảo sát và công nhận qua hành trạng và cơ phong vấn đáp của những vị này lúc sinh thời, rồi mới ghi chép lại trong các bộ Đăng Lục. Đăng Lục là những sử liệu ghi lại cuộc đời và hạnh nghiệp của những vị truyền đăng và được truyền đăng. “Truyền đăng” hoàn toàn không phải là từ mà thầy và trò tự xưng với nhau!
Trong văn học sử Thiền Tông, có nhiều bộ Đăng Lục, như Truyền Đăng Lục của Thích Đạo Nguyên, Quảng Đăng Lục của Lý Tôn Húc, Tục Đăng Lục của Thích Duy Bạch, Liên Đăng Hội Yếu của Thích Đạo Minh và Phổ Đăng Lục của Thích Chánh Thọ. Về sau, Thích Đạo Tế đời Nam Tống tập hợp năm bộ sách này, biên tập gọn lại thành sách Ngũ Đăng Hội Nguyên. Nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất trong giới Phật giáo vẫn là Truyền Đăng Lục của Thích Đạo Nguyên.
Để giải thích lý do có những bộ Đăng Lục, lời tự trong sách Thiền Tông Chánh Mạch nói: “Sau đó truyền năm đời đến Tào Khê (Lục Tổ), rồi phân thành các chi phái khác nhau, ngày càng hưng thạnh, lan khắp thiên hạ. Nếu không có văn tự để ghi chép lại sự tích và nhân duyên truyền thừa, thì làm sao biết được sự khai thị chân tánh diệu minh của người xưa qua “ý sâu kín như ném kim”, “cơ nhanh nhẹn dường điện xẹt”? Đây là lý do mà Thầy Đạo Nguyên ở đất Ngô viết ra sách Truyền Đăng Lục.”
2b. Truyền đăng là “hoằng Pháp”, tức truyền rộng Chánh Pháp
Lại nữa, ý nghĩa “truyền đăng” cũng được thấy trong Kinh Duy-ma-cật. Theo Kinh Duy-ma-cật, các thiên nữ sau khi được cư sĩ Duy-ma-cật khai thị đã phát Bồ-đề tâm, hâm mộ Pháp lạc, từ bỏ dục lạc, nhưng bị ép phải trở về cung ma Ba Tuần nơi cõi trời dục giới thứ sáu. Khi các thiên nữ băn khoăn không biết phải tu học như thế nào trong cảnh dục như vậy, Cư sĩ Duy-ma-cật đã khai thị:
-Này các cô, có một pháp môn gọi là “vô tận đăng” (ngọn đèn vô tận) mà các cô nên học. Vô tận đăng có nghĩa, ví như một ngọn đèn thắp cho trăm ngọn đèn, ngàn ngọn đèn… để soi sáng bóng đêm, khiến ánh sáng không dứt. Cũng vậy, này các cô! Một vị Bồ-tát khai ngộ, dẫn dắt cho trăm ngàn chúng sinh, giúp họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nơi Đạo tâm của mình cũng không mất. Tùy theo chỗ thuyết Pháp mà tự mình tăng trưởng tất cả thiện pháp. Đây gọi là vô tận đăng. Các cô tuy ở tại cung ma dùng ngọn đèn vô tận này để khiến vô số thiên tử, thiên nữ phát tâm Bồ-đề, vì báo ân Phật mà cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh.
Như vậy, “truyền đăng” ngoài ý nghĩa “truyền Pháp” giữa thầy và trò từ đời này sang đời khác, khiến Chánh Pháp không dứt mất, còn có nghĩa “hoằng Pháp”, khiến Chánh Pháp được phổ biến rộng rãi, làm lợi ích chúng sinh để báo ân đức Phật. Đây là theo tinh thần Bồ-tát đạo. Cho nên, truyền đăng còn gọi là “truyền vô tận đăng”. Vì vậy, Kinh Duy-ma-cật nói: “Một vị Bồ-tát khai ngộ, dẫn dắt cho trăm ngàn chúng sinh, giúp họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nơi Đạo tâm của mình cũng không mất. Tùy theo chỗ thuyết Pháp mà tự mình tăng trưởng tất cả thiện pháp. Đây gọi là vô tận đăng.”
3. Ý nghĩa “tục diệm”
Ý nghĩa và xuất xứ của ‘truyền đăng” đã giảng ở trên, vậy “tục diệm” có ý nghĩa gì? Tục diệm là tiếp tục ngọn lửa (diệm), không để cho dứt mất. Đây là chỉ cho ngọn lửa của chiếc đèn truyền đăng. Lại nữa, “tục diệm” cũng lấy ý từ thành ngữ “tân hỏa tương truyền” 薪火相傳, củi và lửa truyền tiếp cho nhau; hay “tân tận hỏa truyền” 薪盡火傳, có nghĩa củi hết nhưng lửa vẫn truyền đi. Đây là chỉ tinh thần giáo dục, thế hệ trước truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ sau. Ví dụ, Thầy Tổ mất đi như củi đã cháy trành tro, nhưng ngọn lửa trí tuệ, lý tưởng phụng sự... của Thầy Tổ đã truyền cho thế hệ kế tiếp. Thế hệ hôm nay như ngọn lửa đang cháy của củi mới được mồi tiếp từ ngọn lửa của Thầy Tổ. Thành ngữ này có xuất xứ từ sách Trang Tử, tương tự như “truyền đăng” trong Phật giáo. Về sau, chư Tổ ghép hai ý lại với nhau thành "truyền đăng tục diệm".
4. Kết luận
Thành ngữ “truyền đăng tục diệm” mang ý nghĩa truyền thừa và mở rộng Chánh Pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác, khiến Chánh Pháp của đức Phật như ngọn đèn được thắp sáng vô tận. Đặc biệt, trong truyền thống thiền môn, “truyền đăng” được sử dụng rất thận trọng, chỉ cho sự chứng ngộ, ấn chứng, và truyền thừa giữa thầy trò của những thế hệ đi trước. Thầy và trò bình thường không tự dùng từ “truyền đăng” để chứng nhận cho nhau. Hiện nay có nhiều người chưa hiếu hết ý nghĩa của “truyền đăng”, nên xin mượn sự giải thích ngữ nghĩa và Pháp nghĩa của thành ngữ “truyền đăng tục diệm” để chia sẻ cùng đại chúng.
Sa-môn Sakya Minh-Quang
Viết ngày 07 tháng 10, 2021 tại Tu Viện Thiện Tường