Thánh Đức và Pháp Môn của Bồ-tát Địa Tạng
-Người giảng: Đạo Sư Ấn Thuận, giảng tại giảng Đường Tuệ Nhật vào tiết trung nguyên (rằm tháng 07) năm 1963
-Người dịch: Sa-môn Sakya Minh-Quang, dịch tại Tu Viện Thiện Tường mùa
an cư năm 2020
Phần 4
6. Cứu Độ cho những người sắp đọa và đã đọa
Pháp môn Bồ-tát Địa Tạng đặt trọng tâm đặc biệt vào việc làm cách nào khiến người không đọa vào đường ác. Không tạo ác nghiệp nặng, không đọa vào địa ngục đương nhiên là tốt nhất. Nhưng đối với những ai đã tạo ác nghiệp nặng của địa ngục, lúc mạng chung phải sa đọa, thì làm cách nào mới có thể cứu độ họ vào lúc lâm chung khẩn yếu? Nếu người đã đọa địa ngục rồi lại làm cách nào để cứu độ họ? Người lâm bệnh nặng sắp chết hoặc người đã chết, lúc đó ác nghiệp đã tạo thành rồi, thiện nghiệp lại không kịp làm, như vậy làm cách nào để cứu độ? Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bản Nguyện đặc biệt chú trọng nói về Pháp môn này.
Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện muốn cứu chúng sinh khổ nạn nơi đường ác. Trong chúng sinh nơi ba đường ác, chúng sinh ở địa ngục là khổ nhất. Bồ-tát Địa Tạng từ bi thương xót đặc biệt với chúng sinh khổ nạn, cho nên đặt trọng tâm cứu độ chúng sinh nơi địa ngục. Bồ-tát Địa Tạng trong Pháp hội của đức Phật Thích-ca đã nhận lời dặn dò giao phó của đức Phật để cứu độ chúng sinh trong thời mạt pháp! Sau khi đức Phật diệt độ, trong đời mạt pháp chúng sinh căn tánh trì độn, phiền não sâu dày, tu hành và ngộ chứng rất ít, phần nhiều phải đọa lạc. Bồ-tát Địa Tạng đã phát nguyện cứu độ chúng sinh đọa lạc trong vô biên kiếp, cho nên ở trước đức Phật nhận trách nhiệm này, nguyện ở trong đời ác ngũ trược cứu độ chúng sinh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn và hy hữu!
Ở đây có một vấn đề: Bồ-tát mong mỗi một chúng sinh đều hướng thượng hướng thiện, không phải đọa lạc. Chúng sinh cũng mong cha mẹ và lục thân quyến thuộc của mình có thể hướng thiện, không đọa ác đạo. Từ luật nhân quả làm nghiệp gì sẽ được quả đó mà nói, đương nhiên làm thiện có thiện, làm ác có ác, tự làm tự chịu. Nhưng nhìn từ phương diện khác, chúng ta có thể trơ mắt nhìn người sắp đọa lạc sẽ đọa lạc không? Có thể ngồi yên để cho người thân cùng huyết thống với mình phải đọa vào địa ngục không? Tự mình thành bậc thánh, bậc hiền mà để cho cha mẹ, tổ tông chịu khổ nơi địa ngục, trong lòng hỏi có yên không? Phật Pháp không phải chỉ vì lợi lạc cho riêng mình mà bỏ quên ân đức của cha mẹ và lục thân quyến thuộc. Cho nên, đối với người chưa đọa vào ác đạo phải dùng phương tiện để cứu độ họ; còn người đã đọa lạc cũng phải dùng phương tiện để cứu độ họ. Điều này giống như có người thân phạm pháp bị bắt giam trong ngục cũng phải nghĩ biện pháp cứu họ ra. Chúng ta không thể nói họ phạm pháp chịu tội như thế là đáng đời! Đối với người có mối quan hệ với mình càng phải tìm cách cứu họ ra. Đây chính là sự thể hiện của nhân tính, tồn tại trong tâm của mỗi người.
Người Trung Quốc đối với tổ tông có tư tưởng hiếu đạo “thận chung truy viễn”, hay coi trọng tang lễ của cha mẹ và cúng tế truy tiến tổ tiên xa. Mỗi năm vào dịp lễ tết hay giỗ quảy, họ thành kính lạy cúng cha mẹ tổ tiên, tỏ bày rằng con cái không quên tổ đức. Dân tộc Trung Quốc với lòng thương xót kẻ khổ, suy ra đến người đã mất, cho nên ăn cơm, mặc áo đều tưởng nhớ đến mẹ cha. Cho nên họ dùng cơm canh để cúng tế, dùng quần áo, đồ đạc để đốt cho người mất. Về sau lần lần họ dùng đồ giấy để thay thế. Đây chính là cách tư duy hiếu thảo. Dụng ý của người làm tuy tốt, nhưng cách làm hoàn toàn không lý tưởng! Tôn giáo ở phương Tây vốn không có nghĩ đến việc này, hầu như người chết liền kết thúc. Nếu làm ác cũng không có biện pháp nào thay đổi.
Phật Pháp không giống Nho gia, chỉ giới hạn ở cúng tế bày tỏ cảm thương, “thận chung truy viễn”. Phật Pháp cứu tế người đã mất bị đọa lạc và giúp người còn sống làm cách nào để không bị đọa lạc. Tôn giáo là thích hợp với sự yêu cầu của nhân tính. Cho nên, trong sự phát triển của thần giáo phương Tây, Thiên Chúa Giáo cũng có tư tưởng hỏa ngục, vì người chết mà làm lễ Missa, dùng nghi thức tôn giáo để tiêu trừ tội ác của người mất. Điều này xuất phát từ bản tính của con người rồi phát triển mà hình thành. Nhưng đối với biện pháp cứu độ, chỉ Phật Pháp mới có thể trả lời một cách viên mãn.
a. Bản nguyện của Địa Tạng là mãi mãi cứu độ chúng sinh
1. Bi nguyện sâu nặng của Bồ-tát: Chúng sinh chưa độ hết thệ chẳng thành Phật
Bồ-tát Địa Tạng từ khi phát tâm Bồ-đề đã phát nguyện như thế này: “Tôi từ nay cho đến tận cùng đời vị lai trong vô số kiếp không thể tính đếm, vì chúng sinh tội khổ trong sáu đường mà lập ra nhiều phương tiện giúp cho họ tất cả đều được giải thoát, rồi sau tôi mới thành Phật đạo.” (Kinh Địa Tạng Bản Nguyện, quyển thượng). Phát tâm tu hành phải có nhân duyên mới có thể khởi. Nhân duyên phát Bồ-đề tâm, học Bồ-tát đạo của mỗi vị Bồ-tát khác nhau. Bồ-tát Địa Tạng thấy chúng sinh trong sáu đường thọ khổ, thấy cha mẹ thọ khổ, liền phát đại nguyện độ tận tất cả chúng sinh, khiến đều được xa lìa khổ não. Đại nguyện này không phải chỉ cứu độ chúng sinh trong vài ngày, vài tháng, vài năm, đời nay hay đời sau…, mà là cứu độ chúng sinh đến tận cùng đời vị lai, chủ yếu giúp tất cả chúng sinh trong ba đường ác không còn chịu sự đau khổ.
Nhưng chúng sinh căn tính khác nhau, trình độ trí tuệ khác nhau, tâm cảnh cũng khác nhau, nếu dùng một phương pháp giống nhau để cứu độ, sẽ không thể khiến tất cả đều được lợi ích! Cho nên, Bồ-tát Địa Tạng phải dùng nhiều loại phương tiện khiến tất cả chúng sinh đều thành Phật, rồi sau đó mình mới thành Phật. Vì vậy, Bồ-tát phát nguyện: “Chúng sinh chưa hết, thề chưa thành Phật.” Chúng sinh vô tận, địa ngục cũng khó mà độ tận, vậy cũng có nghĩa Bồ-tát Địa Tạng không thành Phật! Đây chính là Bồ-tát đại bi không thành Phật đạo. Như vậy, trong việc phát tâm tu hành của Bồ-tát đặc biệt coi trọng đại bi, không vì lợi ích riêng mình mà gấp cầu thành Phật. Cho nên mới nguyện đại chúng đều thành Phật tôi mới thành Chánh Giác.
Bồ-tát Địa Tạng từ vô lượng kiếp đến nay đã phát đại nguyện như vậy. Bồ-tát Địa Tạng phát đại nguyện rộng thiết lập phương tiện, thà tự mình không thành Phật đạo mà chuyên tâm nơi độ chúng sinh, khiến tất cả đều giải thoát. Bồ-tát Địa Tạng bi nguyện sâu nặng, tinh thần vĩ đại như vậy thực đáng cho chúng ta sùng kính!
Đức Phật Thích-ca cũng từng tán thán công đức của Bồ-tát Địa Tạng: “Nghe tên gọi của Bồ-tát này hoặc khen ngợi, chiêm lễ, xưng danh, hay cúng dường… cho đến vẽ hình, khắc tượng, đắp sơn hình tượng, người này sẽ được một trăm lần sinh qua lại ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên, vĩnh viễn không đọa vào đường ác.” (Kinh Địa Tạng Bản Nguyện quyển thượng). Lại nói: “Siêu việt tội lỗi trong ba mươi kiếp, sinh thiên không đọa vào đường ác, không thọ thân nữ, nếu thọ thân nữ sẽ được thân tướng đoan nghiêm, ở vào ngôi vị tôn quý, được quỷ thần hộ vệ.” (Kinh Địa Tạng Bản Nguyện quyển hạ).
Vì công đức của Bồ-tát Địa Tạng không thể nghĩ bàn, nên tán thán Ngài cũng sẽ có công đức không thể nghĩ bàn như vậy! Đức Phật từng nói: “Trăm kiếp xưng danh tán thán các vị Đại Bồ-tát như Văn-thù-sư-lợi v.v… không bằng trong khoảng một bữa ăn cung kính xưng niệm Bồ-tát Địa Tạng!” Đây là vì Bồ-tát Địa Tạng bi nguyện đặc biệt sâu nặng. Qua danh hiệu để xét ý nghĩa, chúng ta biết được công đức của Bồ-tát Địa Tạng. Nghe tên của Bồ-tát Địa Tạng, biết những sự tích trong đời quá khứ của Bồ-tát, dùng mọi cách để tán dương Ngài. Trước đây, ở Ấn Độ thường dùng kệ tụng để tán thán công đức của chư Phật và Bồ-tát. Hiện nay hoặc dùng văn chương, thi kệ, ca vịnh v.v… để tán thán. Lúc thấy tượng Bồ-tát nên cung kính chiêm ngưỡng, lễ bái; hoặc dùng hương hoa cúng dường, hoặc dùng sơn mực họa vẽ tôn tượng Bồ-tát; hoặc dùng gỗ, đá… điêu khắc; hoặc dùng đồng, sắt, vàng, bạc… để đúc; hoặc dùng đất để đắp…, không luận là cách nào, chỉ cần đối trước tôn tượng Bồ-tát cung kính lễ bái, thì công đức sẽ rất lớn, có thể được thiện quả một trăm đời đều được sinh ở trong cõi trời người.
Trong kinh rất nhiều chỗ nói đến công đức của việc cung kính cúng dường, xưng danh, đắp tượng, lễ bái:
1. Có thể diệt trừ trọng tội trong ba mươi kiếp
2. Trong đời sau đều sinh về cõi trời
3. Không thọ thân người nữ:
Người nữ vốn không có gì là không tốt, chỉ là sinh lý khác nhau. Tuy nói nam nữ bình đẳng, nhưng về mặt thể chất thực ra không bằng được nam tử đại trượng phu. Nếu có thể xưng danh của Bồ-tát Địa Tạng thì sẽ không thọ thân nữ. Nếu có ai cho rằng thân nữ cũng tốt, muốn thọ thân nữ, thì đời sau nhất định sẽ được thân nữ đoan nghiêm, ở vào địa vị tôn quý, hiền thục thuần lương, trở thành một người vợ hiền mẹ tốt. Hoặc như phu nhân Ma-da làm mẹ của Phật.
4. Sinh nơi cõi người có quỷ thận hộ vệ:
Quỷ thần tà ác ở thế gian rất nhiều, có một số sẽ não loạn người, nhưng đối với người có đức thì quỷ thần thiện lương sẽ bảo hộ, giúp được bình an.
2. Cứu tế cho người lúc lâm chung
I. Cứu tế lúc lâm chung cho người bình thời không tạo thiện nghiệp
Ở trên nói người lúc sinh tiền đối Bồ-tát Địa Tạng tôn kính, đảnh lễ, tán thán sẽ được công đức vô lượng. Bây giờ sẽ nói đến việc cứu độ khi lâm chung. Người ta sau khi chết không nhất định phải đọa lạc. Có người được tái sinh làm người, có người nhờ công đức lớn có thể sinh thiên. Người niệm Phật chuyên tinh sẽ vãng sinh thế giới Cực Lạc. Những người như vậy căn bản không cần cứu tế. Nhưng trong đời người mấy mươi năm, đương nhiên chúng ta cũng phạm không ít những điều sai lầm. Nhất là vào thời kỳ mạt pháp, đấu tranh kiên cố, tâm sân hận nặng, tham dục rất lớn, ai cũng không tránh khỏi tạo tội. Cho nên, ai cũng có khả năng đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Vậy phải dùng cách nào để cứu độ đây? Nếu khi còn sống thì tương đối dễ dàng, nhưng sau khi mất thì khó khăn hơn nhiều. Người học Phật hiện nay thường coi trọng việc cứu độ sau khi mất, kỳ thực, việc cứu độ tốt nhất là khi còn sống. Phương pháp cứu độ, có hai cách: một là thí xả làm phước, hai là tu tạo công đức trước Tam Bảo như tụng kinh và xưng danh hiệu Phật.
1. Thí xả làm phước
Trong Kinh thường nói: Người bệnh trong lúc đau khổ nhất, nguy hiểm nhất, rất có thể bị đọa lạc, tốt nhất nên đem những vật của người đó ra bố thí, nhất là thí xả những thứ mà người đó yêu thích nhất. Như có người yêu thích sưu tập đồ cổ, thư pháp, tranh vẽ, tem thư bưu điện v.v…, mỗi người có yêu thích khác nhau của mình. Nếu dùng đồ vật họ yêu thích ra bố thích thì có thể phá trừ lòng tham chấp. Những đồ vật yêu thích nhất còn có thể đem ra bố thí, thì đâu có thứ nào mà không thể thí xả? Bố thí vật mình yêu thích nhất thì công đức cũng lớn nhất. Chúng sinh vì tiền bạc mà tạo tội nhiều nhất. Nếu có thể dùng tiền bạc bố thí, đồng thời giải thích cho người bệnh nặng biết mình đem đồ vật mà họ yêu thích nhất ra bố thí để vì họ tạo phúc, nhất định sẽ được quả báo công đức lớn. Một mặt khiến họ phát khởi tâm buông xả, giảm nhẹ sự ái chấp, một mặt tăng trưởng phước đức. Không luyến chấp tài vật của mình, tăng trưởng phước đức nơi cõi trời người, thì đương nhiên sẽ không đọa lạc. Đây là phương pháp cứu tế căn bản mà đức Phật dạy người bệnh lúc lâm chung.
2. Tụng kinh, lễ sám, tu tạo công đức trước Tam Bảo
Ngoài ra còn một phương pháp. Đó là đối trước Tam Bảo thiết lễ cúng dường, tụng kinh, lễ sám, xưng danh hiệu Phật để tu tạo công đức. Nhờ vào sức Tam Bảo gia hộ sẽ khiến người lúc mạng chung được lợi ích lớn. Kinh Địa Tạng Bản Nguyện quyển hạ nói: “Lúc lâm chung cha mẹ quyến thuộc nên tạo phước để giúp cho con đường phía trước của người sắp mất, hoặc treo tràng phang bảo cái và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật và các thánh tượng, cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ-tát và Bích-chi Phật… thì những nghiệp tội như vậy thảy đều tiêu trừ.”
II. Tùy nghiệp thọ báo có ba loại: tùy trọng, tùy tập và tùy niệm
Nếu cảnh giới tâm thức của người lâm chung không tốt, ai nghiệp tội càng nặng thì càng dễ sa đọa. Nếu thân thuộc như cha mẹ, anh em, chị em… của người lâm chung vì họ mà tạo phước, tu các công đức, thắp đèn, làm tràng phang, tụng kinh hay niệm danh hiệu của Phật và Bồ-tát, đều có thể giúp người mất xa lìa con đường nguy hiểm, hướng đến đường trước bình an. Đơn giản hơn, như kinh đã nói: “Nếu ai lúc lâm chung được nghe qua tai danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng một lần, thì chúng sinh đó vĩnh viễn không trải qua đau khổ nơi ba đường ác.” (Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bản Nguyện quyển hạ). Như vậy, nếu người lúc lâm chung nghe được tên Bồ-tát Địa Tạng, chỉ một tiếng Thánh hiệu đến được nơi tai, biết có Bồ-tát Địa Tạng, thì người này liền mãi mãi không trải qua đau khổ nơi ba đướng ác. Nếu lại có thể vì họ mà bố thí, tụng kinh, phóng sanh, tu phước thì càng không bị đọa lạc.
Trong một đời người chúng ta đã tạo rất nhiều loại nghiệp, vậy lúc mạng chung thì nghiệp nào sẽ quyết định chúng ta thọ báo? Có ba loại tái sinh thọ báo bất đồng, đó là “tùy trọng”, “tùy tập” và “tùy niệm”.
1. Tùy trọng
Một là “tùy trọng”, tức tùy theo nghiệp nào nặng nhất mà tái sinh thọ báo. Như tạo năm tội vô gián là nghiệp ác nặng nhất, vừa chết liền đọa vào địa ngục. Lại như người tu thiền định cao nhất, sức định sâu mạnh, sau khi chết liền sinh thiên. Tạo nghiệp tuy nhiều nhưng phải tùy theo nghiệp nào mạnh nhất sẽ đưa đến chỗ tái sinh tương ứng. Cho nên nói: “Như người thiếu nợ, kẻ chủ nợ nào mạnh sẽ đòi được trước.”
2. Tùy tập
Hai là “tùy tập”, tức tùy theo thói quen hằng ngày, nghiệp tuy không nặng lắm, nhưng vì thường làm nên lâu dần thành thói quen. Có một số người cả đời không làm điều gì quá ác, cũng không làm điều thiện gì lớn, thì phải xem người đó lâu ngày huân tập nghiệp nào nhiều nhất sẽ tùy theo nghiệp đó mà thọ báo.
3. Tùy niệm
Ba là “tùy niệm”, tức giây phút cuối cùng mạng chung, tâm niệm nhớ nghĩ chỗ nào thì sẽ tái sinh về chỗ đó. Nếu có nghiệp đã gây tạo quá nặng, đương nhiên không chuyển được. Nếu không có nghiệp nặng, lúc lâm chung dạy cho người đó buông xả chấp trước, thấy rõ đời vô thường, vô ngã để khởi lòng thí xả, dùng những vật ngoài thân của người sắp mất mà bố thí để tạo công đức cho họ. Tuy sinh mệnh đã đến lúc sắp kết thúc, chỉ cần người sắp mất còn biết mình bố thí tạo phước, trong tâm không có tham trước, tâm cảnh cởi mở sáng suốt, liền tùy theo ý niệm mà thọ sinh. Hoặc lúc sắp mạng chung, vì người đó trợ niệm, dẫn dắt tâm thức họ, khiến người bệnh nghe được danh hiệu Phật, trong lòng liền niệm Phật theo đó, thì cho dù người đó vốn có nguy cơ đọa lạc, khi họ biết có người vì họ niệm Phật sẽ sinh khởi thiện niệm, hướng đến quang minh. Nghe được danh hiệu Phật trong tâm của người sắp mất sẽ có cảm giác an toàn, liền có thể khiến người đó từ đường ác quay trở lại.
Cho nên, lúc bình thời nếu có thể niệm Phật đương nhiên là càng tốt, trợ niệm lúc lâm chung cũng là một việc quan trọng. Điều đáng sợ nhất là, đến cửa ải cuối cùng mà phiền não ác nghiệp hiện tiền. Ác niệm vừa dấy khởi thì tu hành một đời đều biến thành uổng phí! Cho nên, lúc mạng chung nếu gia quyến lớn tiến khóc lóc sẽ khiến người sắp mất tâm tình động loạn, đau khổ, khiến họ đọa lạc. Đây là yêu thương mà ngược lại làm hại người mất! Cho nên, lức khẩn yếu nhất phải khiến tâm của người mạng chung bình tĩnh, thanh tịnh, khởi lòng hoan hỷ. Đặc biệt là đối với người nặng lòng tham lam bỏn xẻn sẽ đọa vào đường ngạ quỷ, nếu gia quyến vì họ mà bố thí tu phước, thì người mất sẽ sinh tâm buông xả, liền có thể cứu tế.
Người tạo đã ác nghiệp nặng không những không dễ thay đổi, ngay cả người làm đại thiện nghiệp sinh thiên, như tu vô tưởng định, thì chắc chắn sẽ sinh vô tưởng thiên. Nếu muốn khiến người đó không sinh thiên cũng không dễ làm được. Tuy có ba loại, nhưng phương pháp cứu tế chính là dùng thiện niệm để chuyển ác niệm, nắm chắc phương pháp tốt “tùy niệm”. Phật Pháp có phương tiện, có thể kéo chúng sinh trở lại từ bờ mé địa ngục, nhưng tốt nhất vẫn là đừng có tạo ác nghiệp nặng!
~~~~(còn tiếp)~~~~