top of page
Trang Nhà  <  Bài Viết  

                               NGÔI CHÙA LÝ TƯỞNG


                Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi
                Phá lưới nghi ngờ lớp lớp
                Hàng phục chúng ma
                Nối dòng Tam Bảo...

                         Sám Quy Mạng
   Đức Phật dạy có bốn đạo tràng hay nơi tu học: (1) Nơi có cơm không có Pháp; (2) nơi có Pháp không có cơm; (3) nơi không cơm cũng không Pháp; (4) nơi có Pháp lại có cơm. (1) Có cơm không có pháp là nơi có điều kiện vật chất đầy đủ, như chùa to Phật lớn, tứ sự cúng dường đầy đủ, nhưng không có minh sư chỉ dạy Phật Pháp cho chúng ta học hỏi và thực hành. Đối với chỗ này, Đức Phật dạy người con Phật không nên vì tham điều kiện vật chất mà lưu luyến nơi đó. (2) Có Pháp không có cơm là chỉ nơi có thầy sáng bạn lành chỉ dạy Phật Pháp cho chúng ta tu học, nhưng điều kiện vật chất cơ bản lại thiếu thốn. Đối với chỗ này, đức Phật khuyên người học Đạo vì cầu Pháp mà cố gắng kham nhẫn, chịu khó khổ để tu học. (3) Nơi không cơm cũng không Pháp là nơi không có điều kiện vật chất đầy đủ, cũng không có thiện tri thức chỉ dạy Phật Pháp. Đức Phật dạy, nếu chúng ta đến đó ban sáng, thì nên rời ban sáng; đến đó ban chiều, nên rời ban chiều, và ngay cả đến lúc nửa đêm cũng phải ra đi! (4) Nơi vừa có cơm vừa có Pháp là nơi có đủ điều kiện vật chất cơ bản và lại có bậc minh sư hướng dẫn tu học. Đây là đạo tràng hay ngôi chùa lý tưởng. Dù có gặp khó khăn, hay bị thầy la rầy, đức Phật day chúng ta dẹp bỏ tự ái hay bản ngã, mà cố gắng ở lại tu học. (Tóm ý Kinh Khu Rừng, Trung Bộ Kinh).
 

q1.jpg

     Như vậy, theo đức Phật dạy, Phật Pháp là điều kiện quan trọng và quyết định một nơi nào đó có đáng cho chúng ta nương tựa để tu học hay không. Tuy nhiên, điều kiện vật chất cơ bản cũng là yếu tố hỗ trợ cho việc tu học và hoằng dương Chánh Pháp. Một ngôi chùa lý tưởng phải hội đủ cả hai phương diện cơ sở vật chất, hộ trì cúng dường và thầy sáng bạn lành hướng dẫn chúng ta tu học Phật Pháp; trong đó, điều kiện Phật Pháp là yếu tố quyết định. Vật chất thiếu thốn chúng ta có thể thiểu dục tri túc, cố gắng nhẫn nại để tu học, nhưng thiếu bậc minh sư hay thiện tri thức chỉ dạy đúng Chánh Pháp, đường tu chúng ta chắc chắn sẽ dang dở hay lạc bước vào con đường tà kiến, uổng phí một phen tâm tốt ban đầu. Cho nên Sám Quy Mạng nói:


           Kiến Pháp tràng ư xứ xứ /建法幢於處處
            Pháp nghi võng ư trùng trùng /破疑網於重重
            Hàng phục chúng ma /降伏眾魔
           Thiệu long Tam Bảo /紹隆三寶

    Nghĩa:
            Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi
            Phá lưới nghi ngờ lớp lớp
            Hàng phục chúng ma
            Nối dòng Tam Bảo.


     "Pháp tràng" là ngọn cờ Chánh Pháp. Vậy "kiến pháp tràng ư xứ xứ" tức người tu phải hoằng dương Chánh Pháp khắp nơi, theo tinh thần Sứ Giả Như Lai: "Đâu chúng sinh cần con đến, đâu Phật Pháp gọi con đi, chẳng quản gian lao, không nài gian khổ." Tuy nhiên, có người hiểu lầm "kiến pháp tràng ư xứ xứ" là "Đạo tràng dựng khắp nơi nơi," rồi lấy đó làm lý do xây chùa mọi chỗ. Thực ra, ở tiếng Hán, chữ "tràng" 幢 trong chữ Pháp tràng 法幢 khác với chữ “tràng”場 trong chữ đạo tràng道場, chỉ nơi tu học hay thường được diễn dịch là chùa chiền.
     Cho nên, hoằng Pháp lợi sinh, có nghĩa mở rộng (hoằng) Chánh Pháp đến những người, những nơi chưa biết hoặc ít biết Phật Pháp, cũng như hỗ trợ cho những ai đã biết cùng nhau tinh tấn tu học. Vì vậy, xây dựng chùa chiền chỉ là phương tiện tùy duyên, đáp ứng nhu cầu tu học thực sự của đại chúng, mà không phải là mục đích cứu cánh của người tu. Mục đích cứu cánh của người tu là giác ngộ và giải thoát. Để làm được điều này, người tu phải xây dựng sự nghiệp trí tuệ (duy tuệ thị nghiệp) vững chắc nơi chính mình. Đó mới là ngôi chùa lý tưởng bên trong mọi người, là chỗ trở về và nương tựa chân thực, có thể mang theo nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, Kinh Tám Điều Giác Ngộ nói:


            Bậc Bồ-tát vô cầu biết đủ
           Vui phận nghèo quy cũ tu hành
           Trau dồi tuệ nghiệp lợi sanh
           Vung gươm trí tuệ, dứt mành vô minh.

        Nếu làm được như vậy, người tu có lý tưởng và khả năng hoằng dương Chánh Pháp, nhiếp hóa chúng sinh cùng tu học, dù ở chỗ nào, có chùa hay không, chùa lớn hay nhỏ, đều là NGÔI CHÙA LÝ TƯỞNG. 

        Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

        Sakya Minh-Quang

bottom of page