top of page

 Mùa Xuân, Thi Ca và Thiền Đạo:

        Trộm Được Phù Sinh Nửa Ngày Nhàn[1]

                                            Sakya Minh Quang

     Theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông xoay vần, đắp đổi, khiến người không khỏi liên tưởng đến bốn giai đoạn sinh, già, bệnh chết của đời người. Mùa xuân khí hậu mát mẻ, vạn vật đâm chồi nảy lộc, kết nụ đơm hoa, dụ cho đời người từ khi sinh đến tuổi trưởng thành, giai đoạn mộng mơ và học tập của tuổi thơ, cũng như nỗ lực làm việc để xây dựng sự nghiệp của tuổi trẻ. Còn mùa hạ cây cối xum xuê rậm rạp, nắng nóng mưa nhiều, giống như giai đoạn từ tuổi trung niên đến bắt đầu lão niên của đời người. Giai đoạn này, con người có đủ kinh nghiệm và thành đạt nhất định để lo gia đình và gánh vác trách nhiệm xã hội. Khi thu về cây lá đổi màu, lá vàng đầu thu tuy đem lại cái đẹp sang trọng nhưng lại vô cùng ngắn ngủi, chẳng khác gì vẻ rực sáng trước khi bóng trời chiều lặn tắt: “Bóng chiều đẹp biết bao, chỉ là trời sắp tối!” (Tịch dương vô hạn hảo, chỉ tại cận hoàng hôn). Chẳng mấy chốc lá vàng thành lá úa, để cuối cùng khô rụng lúc cuối thu! Điều này có khác gì tuổi già, trông bề ngoài dường như đã đạt được đỉnh điểm của sự nghiệp, giờ về hưu vui hưởng an nhàn cùng con cháu. Nhưng đây cũng là lúc con người mắt mờ tai lãng, lưng còng gối mỏi, và bị đủ mọi tật bệnh dày vò! Còn mùa đông khí trời giá buốt, băng tuyết bao trùm, cây cối trơ trọi dụ cho giai đoạn cuối của đời người. Con người ai cũng phải đối diện trước cái chết, cô độc với những cơn đau đớn giày vò lúc lâm chung, rồi cuối cùng bỏ lại sau lưng tất cả công danh sự nghiệp, thân thuộc bạn bè…, như cành cây trơ trọi, không một chiếc lá giữa buổi đông tàn!

9df42a8fbbf5fbadb197918c1b98d350.jpg

     Con người nhìn thiên nhiên tuần hoàn thay đổi, quán xét lại kiếp người, sẽ tự hỏi rằng: Xuân, hạ, thu, đông xoay vần, hết đông rồi lại xuân, vậy sao tuổi xuân của đời người một đi không trở lại? Từ đó ý thức về vô thường, về thân phận mong manh của kiếp người phát sinh. Lại nữa, đông hết rồi xuân lại về, còn con người chết rồi có sinh trở lại hay không? Nếu có, sao lại không thấy, không biết? Có lẽ từ đó mới có niềm tin về luân hồi hay tồn tại sau khi chết (after death) ở một thế giới nào đó để chống lại chủ thuyết đoạn kiến, cho rằng chết là hết. Tôn giáo ra đời chính là để trả lời câu hỏi “sinh từ đâu đến, chết đi về đâu” này. Phật giáo, nhìn ở một góc độ nào đó, cũng là một tôn giáo, nhằm giải đáp câu hỏi này với thuyết luân hồi nghiệp báo hay vãng sinh tịnh độ v.v….

     Nhưng nếu chữ giáo trong Phật giáo được hiểu như lời dạy của đức Phật (the Buddha’s teachings) hay sự thực của cuộc đời (dharma) qua tuệ giác của đức Phật (Buddha-dharma), thì Phật giáo là hệ thống huấn luyện bao gồm tín, giải, hành, chứng, giúp hành giả có được cái thấy đúng như sự thực của cuộc đời (yatha-bhutam darshanam hay như thị tri kiến) để có thể sống an lạc hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Cho nên nói: “Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.”[2] Ngôn ngữ của Đại Thừa Phật giáo diễn bày pháp (dharma) này qua các khái niệm triết lý như chân như, thực tướng vô tướng, tự tánh niết-bàn, bất nhị pháp môn v.v…; còn nhà thiền lại dùng hình ảnh của đời thường như mặt mũi xưa nay, nhành mai đêm trước, mùa xuân bất diệt v.v… đều chỉ cùng một thực tại này.

     Nhưng muốn chứng nghiệm thực tại này, như trên đã nói, hành giả phải trải qua quá trình huấn luyện thân tâm theo Phật Pháp. Bắt đầu quá trình huấn luyện này là khiến hành giả phát khởi tín tâm. Cho nên, đối với người học Phật, tỉnh giác về vô thường giúp hành giả khởi tâm xuất ly, cất bước trên đường giải thoát. Ý thức tuổi trẻ qua mau, như xuân đã cuối mùa, giúp người trẻ tuổi không hẹn lần hẹn lữa, vì cái chết không hẹn trẻ hay già! Sau đây, xin mượn bài thơ nổi tiếng Đề Nơi Vách Chùa Hạc Lâm (Đề Hạc Lâm Tự Bích) của Lý Thiệp để nói đến quá trình ý thức tuổi xuân vô thường của Đời để hướng về mùa xuân bất diệt nơi Đạo, để cuối cùng từ một khách thơ: “trộm được phù sinh nửa ngày nhàn” trở thành một đạo nhân “nhàn”:

      Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

      絕學無為閒道人
      Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

      不除妄想不求真
      Vô minh thực tánh, tức Phật tánh

      無明實性即佛性
      Huyễn hóa không thân, tức pháp thân!

       幻化空身即法身

Dịch:

       Tuyệt học vô vi: nhàn đạo nhân!

       Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng tìm chân

       Tánh thật vô minh là Phật tánh

       Huyễn hóa thân không tức pháp thân![3]

       Lý Thiệp (李涉)một thi nhân đời Đường, sống ở đầu thế kỷ thứ chín Tây lịch, có bài thơ đề trên vách tường ở chùa Hạc Lâm, huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Bài thơ này nói lên tâm cảnh của người chợt nhận biết vô thường, quay về nơi Đạo:

        Chung nhật hôn hôn túy mộng gian

        終日昏昏醉夢間,
        Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san

        忽聞春盡強登山;
        Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại

        因過竹院逢僧話,
        Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn

        偷得浮生半日閒。

Dịch:

        Sống say chết mộng mãi mê man

        Chợt nghe xuân hết, gắng đăng san

        Cùng tăng trò chuyện bên sân trúc 

        Trộm được phù sinh nửa ngày nhàn!

 

     Lý Thiệp làm bài thơ này trong lúc làm quan bị đày về miền nam, huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Cho nên, bài thơ này chẳng những tả thực buổi lên núi thưởng xuân, mà quan trọng hơn, nó còn là tự tình, nói lên cảm ngộ vô thường, sự chuyển biến nhân sinh quan của Lý Thiệp hướng về Phật giáo. Thực ra, những nhà Nho như quan lại, văn nhân, thi sĩ lúc về già hay khi hoạn nạn bị lưu đày phần lớn đều hướng về Phật giáo như chỗ dựa của tâm linh, từ đó có dòng thơ đạo hay thơ thiền ra đời dưới ngòi bút tài hoa của giới trí thức Phật tử tại gia. Đây đã trở thành trào lưu văn hóa và văn học có nét rất riêng của Phật giáo Đại Thừa Đông Á, nhất là vào thời Đường Tống.  Ví dụ, đời Đường có Vương Duy, Liễu Tông Nguyên, Bạch Cư Dị…, đời Tống có Hoàng Đình Kiên, Tô Đông Pha v.v…. Sau đây, chúng ta thử khám phá ngụ ý của bài thơ để có thể chia sẻ phần nào tâm cảnh của tác giả.

    “Sống say chết mộng mãi mê man” là chỉ tình trạng mãi mê danh lợi, chạy theo dục vọng, cho đến lúc chết vẫn không biết thức tỉnh vô thường, nhận chân ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Kinh Pháp cú đức Phật nói:

     Người nhặt các loại hoa,

     Ý đắm say, tham nhiễm,

     Bị thần chết mang đi,

      Như lụt trôi làng ngủ[4].

     Với một người tu giỏi, như con ngựa hay thấy bóng roi liền chạy, không đợi xuân sắp hết mới biết lên núi thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên lúc xuân về: non xanh, nước biếc, chim hát, suối ca…, lại còn có sơn môn Phật tự nơi sinh hoạt của tăng thân, những người bước ra ngoài vòng danh lợi của thế gian. Đây thực sự là thế giới an lành của tịnh độ nhân gian! Còn những con ngựa bình thường, phải đợi roi chạm đến da thịt biết đau, thậm chí đau thấu xương mới chịu chạy! Đây là chỉ lúc công danh thất bại, nếm mùi cay đắng của tình đời, hay tuổi xuân đã hết, già bệnh vây quanh mới biết thức tỉnh hướng về nẻo đạo.[5] Đó chính là ý câu: “Chợt nghe xuân hết gắng đăng san!”

     Nhưng biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ, chỉ cần tỉnh thức không bao giờ trễ! Đức Phật dạy có bốn thứ lớp tu hành: (1) Thân cận thiện tri thức, (2) lắng nghe giáo pháp (văn), (3) như lý tư duy (tư) và (4) y pháp tu hành (tu).[6]Trong đó, gần gũi thiện tri thức hay Tăng bảo là bước đầu vô cùng quan trọng. Người xưa bảo:

     

      Trò chuyện cùng anh một buổi

      Còn hơn đọc sách mười năm!

       (Dữ quân nhất tịch thoại, thắng độc thập niên thư)

   

     Một buổi lên núi ngắm cảnh thưởng xuân, lại được viếng chùa, trò chuyện cùng cao tăng, đối với người bấy lâu nay “sống say chết mộng” như đề hồ quán đảnh, buông xuống gánh nặng của phiền não công danh, “trộm được nửa ngày nhàn” của kiếp phù sinh đa đoan, phức tạp! Đó là thâm ý câu:

          Cùng tăng trò chuyện bên sân trúc

          Trộm được phù sinh nửa ngày nhàn!

     Có người bảo: “Thị tại môn tiền náo市+門= 閙, nguyệt lai môn hạ nhàn 月+門=閒!” Tức “chợ trước cửa ồn náo, trăng đến cửa là nhàn.” Đây là cách chiết tự của người xưa, ý nói nhàn nhã ngắm ánh trăng soi trước cửa là nhàn! Đây dường như chỉ thân nhàn trước rồi tâm nhàn sau. Người xưa sau khi treo ấn từ quan, trở về quê vui thú điền viên mới có thời giờ nhàn nhã để ngắm trăng thưởng cảnh và chiêm nghiệm lẽ sống của cuộc đời! Như Phạm Thiên Thư nói:

       Rằng xưa có gã từ quan

       Lên non tìm động hoa vàng ngủ say 

       Thôi thì thôi để mặc mây trôi 

       Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

       Thôi thì thôi chỉ là phù vân

       Thôi thì thôi nhé... có ngần ấy thôi.

          (Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)

 

    Khi còn quan chức vì đấu tranh trong chốn quan trường, nhiều khi phải uốn gối khom lưng để giữ bổng lộc cho vợ con gia đình, hay phải bịt tai nhắm mắt, giả mù sa mưa trước sự bất công để tồn tại, hoặc nắng bề nào che bề nấy, đánh đổi khí tiết của mình vì chút lợi lộc công danh. Cho nên Đào Tiềm, một danh sĩ đời Đông Tấn, vài lần ra làm quan, rồi cuối cùng từ quan sống đời đạm bạc, trong bài Từ “Quy Khứ Lai Hề” (Về Đi Thôi Chừ) bảo:

    Về đi thôi chừ!

    Về đi thôi

    Ruộng vườn sắp hoang vu chừ,

    sao chưa về?

    Mình đã để tâm cho hình hài sai bảo

    Sao còn riêng buồn bã, đau thương?[7]

 

“Mình đã để tâm cho hình hài sai bảo”, tức và vì nhu cầu cơm ăn áo mặc của cái thân này đã khiến cho tâm phải lo nghĩ bất an, tham sân dấy khởi! Cho nên, thiểu dục tri túc là bước đầu trở về với Đạo.

     Thực ra, chốn quan trường vất vả vì lao tâm khổ trí việc giúp nước an dân, lại bất an vì tranh đấu phe phái, còn điền viên lại vất vả vì cày sâu cuốc bẫm, lo lắng sâu rầy, mưa nắng thất thường. Vậy cuộc sống điền viên thân đâu có nhàn? Cho nên, “nhàn” ở đây là tâm nhàn mà không phải thân nhàn, tức tâm đã nhẹ nhàng vì buông xuống lợi danh, phiền não, thì dù ở đâu, làm việc gì đều vì lợi ích chúng sinh mà không phải vì mình!

      Lại nữa, “nhàn” có nhiều mức độ cạn sâu khác nhau. Đối với người Phật tử tại gia như Lý Thiệp, nếu có dịp về chùa, gần gũi thiện tri thức để nghe Pháp, tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật…, là “trộm được phù sinh nửa ngày nhàn.” Tâm cảnh này cũng giống thi sĩ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) Việt Nam lúc viếng cảnh chùa Hương:

    Giữa dòng đáy nước lồng gương,

    Mượn chèo ngư phủ đưa đường Đào Nguyên.

    Lạ cho vừa bén màu thiền,

    Mà trăm não với ngàn phiền sạch không!

 

     Còn nếu được sống trong cảnh thiền môn thanh tịnh, thọ trì Bát quan trai giới là giới xuất gia tập sự cho người cư sĩ một ngày một đêm, đó chính là: “Trộm được phù sinh một ngày nhàn!”

     Những ai có thể phát Bồ-đề tâm, trở thành Bồ-tát tại gia, thân tại gia mà tâm xuất gia để phục vụ chúng sinh, cúng dường chư Phật, như Điều Thứ Bảy của Kinh Tám Điều Giác Ngộ nói:

        Thân tuy ở tục qua ngày

        Tâm không đắm nhiễm trần ai thói đời!

         …
        Lập nguyện lớn cầu vô thượng đạo

        Hạnh kiên trì hoài bảo lợi sanh

        Dù bao chướng ngại tu hành

        Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!

 

thì mức độ “nhàn” của vị này còn sâu hơn nữa, đó gọi là: “Sống giữa phù sinh một kiếp nhàn!”

     Họ cũng giống như những ai có thể cắt ái từ thân, trọn đời xuất gia học Phật như đức Phật đã làm thuở xưa, đã bước lên con đường thênh thang, hướng đến cái “nhàn” của giải thoát, giác ngộ.

Tương truyền, Hoàng Đế Thuận Trị nhà Thanh lên ngôi lúc sáu tuổi, làm vua mười tám năm, hai mươi bốn tuổi nhường ngôi để đi xuất gia. Đang tuổi thanh xuân, sống trong tột đỉnh quyền uy và danh vọng, vua đã thấu đáo vô thường, buông bỏ tất cả để sống đời xuất gia, nhằm buông xuống những tình chấp, phiền não trong tâm. Trước khi ra đi, Thuận Trị đã nói lên chí nguyện của mình:

        Cơm chùa như núi, chẳng phải lo

        Xuất gia một bát vẫn đủ no

        Vàng ròng, ngọc trắng không phải quý

        Đắp được cà-sa phước mới to!

          ***

       Trẫm là ngôi báu của giang san

       Lo nước, lo dân chuyện bộn bàn

       Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

       Chẳng bằng thầy tu một buổi nhàn!

          ……

       Mười tám năm qua chẳng tự do

       Giang san ngồi mãi chỉ thêm lo

       Hôm nay bỏ hết về với núi

       Mặc đời lợi lớn với danh to!

Như vậy, Thuận Trị đã không chỉ:

        Cùng tăng trò chuyện bên sân trúc

        Trộm được phù sinh nửa ngày nhàn

như Lý Thiệp, mà còn trở thành tăng, đi tìm cái “nhàn” của cứu cánh giải thoát, tận dụng tuổi xuân vô thường để chiêm nghiệm mùa xuân uyên nguyên bất diệt, suối nguồn tươi trẻ của vô lượng thọ, vô lượng an lạc!

      Tóm lại, “trộm được phù sinh nửa ngày nhàn” (thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn) đã trở thành danh cú trong văn học phương Đông, và triết lý “nhàn” đã trở thành tâm điểm nhân sinh quan của Nho, Lão, Thích, dù góc độ nhìn nhận có sâu cạn khác nhau. Theo Phật giáo, muốn “nhàn” trước hết phải biết buông. Buông từ danh lợi bên ngoài, cho đến thân tâm, tình chấp bên trong. Buông từ nhẹ đến nặng, từ thô đến tế thì trình độ “nhàn” càng lúc càng sâu, sâu đến mức thân tâm thoát lạc, như thùng sơn thủng đáy, thì sẽ là cảnh giới đại địa phong quang, thỏng tay vào chợ của đạo nhân “nhàn”! Thực ra, khi tâm đã “nhàn” rồi, tức đã buông xuống danh lợi, tình chấp, thì dù sống chung đụng với nhân gian, thân bận mà lòng không bận, vẫn tự tại giữa dòng đời! Đây chính là cốt tủy của Bồ-tát đạo: “Đem tinh thần xuất thế để làm việc nhập thế,” “phục vụ chúng sinh tức là cúng dường chư Phật.”

     Nói khác đi, có một phen chết đi sống lại (tuyệt hậu tái tô) mới có thể nhận ra sinh mệnh uyên nguyên, chưa từng sinh diệt. Đó chính là mùa xuân bất diệt với cành mai đêm trước (tạc dạ chi mai) luôn hiện tiền, mà hương thơm tinh tế của nó mang tin xuân miên viễn cho khách thơ đang đi tìm cõi vĩnh hằng trong vô thường, miền tịnh độ an vui giữa ta-bà đau khổ. Nhưng khách thơ “nếu chẳng một phen xương lạnh thấu/ Hoa mai đâu dễ thưởng mùi hương!” (Thiền Sư Hoàng Bích)

      Cuối cùng, quả thực không có “Thích-ca trời sinh, Di-lặc tự nhiên”!

         Trân trọng.

         Sakya Minh-Quang kính ghi,

         Tu Viện Thiện Tường, Champaign, IL, ngày 18/01/2018

 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Những phần dịch thơ văn trong bài viết này đều của bút giả, trừ trường hợp có ghi chú khác.

[2] Kinh Tăng Chi Bộ, chương V, kinh 47. Thích Minh Châu dịch.

[3] Huyền Giác, Chứng Đạo Ca《永嘉證道歌》 Đại Chánh Tạng, q. 48, kinh 2014, tr. 395, c9-10.

[4] Kinh Pháp Cú, kệ số 47.

[5] Về bốn loại ngựa dụ cho bốn hạng người tu hành thấy trong Kinh Tạp A-hàm, xin tham khảo sách Vô Thường và Giải Thoát Đạo, tr. 105-106 của bút giả.

[6] Đây còn gọi là bốn chi Dự Lưu, vì tu tập bốn chi phần này sẽ chứng quả Tu-đà-hoàn, tức thánh quả ban đầu, dự vào dòng thánh (dự lưu). 《阿毘達磨法蘊足論》「謂親近善士, 聽聞正法, 如理作意, 法隨法行。」Đại Chánh Tạng, q. 26, kinh 1537, tr. 458, b28-26)

[7] 《歸去來兮辭》: 「歸去來兮,田園將蕪,胡不歸!既自以心為形役,奚惆悵而獨悲?」

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg

Copy right @ Thien Tuong Temple, 5037 W. 83 rd St. Burbank, IL 60459

        Facebook: Thien Tuong Temple; Tu Viện Thiện Tường; Email: tuvienthientuong@gmail.com;         

bottom of page