top of page

Lời Chúc Tết Đầu Xuân:

Năm Mới Phát Thánh Tài

Tết đến mai vàng rực rỡ thay

Lời ca tiếng hát rộn đêm ngày

Du xuân nữ diện đồ sang đẹp

Tiệc tết nam đua chúc phát tài!

….

(Sakya Minh-Quang-Đọc Thơ Xuân Trần Nhân Tông Hữu Cảm)

    Tết đến, người Hoa chúc nhau: “Cung hỉ phát tài”, người Việt thì chúc: “năm mới phát tài”.

    Có thể thấy, phát tài là giấc mơ của hầu hết người trong thế gian. Cho nên vào dịp Tết hằng năm, người ta vẫn thường chúc cho nhau phát tài phát lộc. Lại nữa, dân gian có vía thần tài vào ngày mùng 10 tháng giêng. Không biết tục cúng vía thần tài ở Trung Quốc xuất hiện chính xác vào lúc nào và đã truyền vào Việt Nam ra sao, nhưng hiện nay theo đà kinh tế phát triển, phát sinh tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa”, cộng thêm sự quảng cáo và thương mại hóa “tập tục” của giới kinh doanh, vía thần tài đầu năm càng trở nên rộn ràng với bao hoạt động buôn bán, cúng kiến.

    Nhiều người Phật tử cũng chạy theo tín ngưỡng dân gian như mua sắm vàng, cúng cá lóc nướng, thịt heo quay… cho thần tài cầu mong năm mới phát tài phát lộc. Đây không phải là con đường phát tài đúng đắn theo Phật Pháp!

    Người Phật tử tại gia cần làm kinh tế để lo cho bản thân, gia đình, đóng góp vào sự phồn vinh chung của xã hội và hộ trì Tam Bảo. Cho nên, uớc mơ làm giàu hay phát tài phát lộc của người Phật tử tại gia không có gì là sai cả. Nhưng với trí tuệ Phật Pháp, người con Phật phải biết cách phát tài đúng đắn để đem lại sự giàu có bền vững và hạnh phúc lâu dài, mà không phải là cầu cúng thần tài, xin ban phúc hay trừ họa như tín ngưỡng dân gian. Cho nên, đầu xuân bút giả xin giới thiệu đến quý Phật tử xa gần một con đường phát tài, làm giàu một cách đúng đắn theo lời Phật dạy, để thầy trò, huynh đệ chúng ta cùng nhau “kinh doanh” trong năm mới!

    Trước hết, bút giả xin kể lại một câu chuyện được ghi lại trong kinh. Thuở Phật còn tại thế có một Phật tử tại gia tên là Tu-đà-la. Ông là người giàu có lại có lòng tin sâu Tam Bảo. Ông phát nguyện hằng năm vào ngày mùng tám tháng chạp sẽ thỉnh Phật và chư Tăng về nhà cúng dường. Ông đã thực hiện lời nguyện của mình cho đến lúc cuối đời. Trước khi lâm chung, ông đã dặn dò con trai mình là Tỷ-đà-la tiếp tục làm theo lời phát nguyện của mình không để dứt mất.

 

    Người con trai đã hứa và làm theo di nguyện của cha mình là thỉnh đức Phật và chư Tăng về nhà để cúng dường mỗi năm vào ngày mùng tám tháng chạp. Nhưng sau nhiều năm, gia cảnh của Tỳ-đà-la lần lần trở nên sa sút. Một hôm sắp đến ngày mùng tám tháng giêng mà trong nhà không có gì để cúng dường, Tỷ-đà-la rất lo buồn. Nhưng vì lời hứa với cha và lòng tin kính Tam Bảo, nên dù nghèo ông đã cùng với vợ đi vay một số vàng về để chuẩn bị lễ cúng dường trai Tăng cho đức Phật và chúng Tăng. Đúng ngày mùng tám tháng chạp, đức Phật cùng các đệ tử đến dự lễ cúng dường và thuyết Pháp cho gia đình Tỷ-đà-la.

    Được cúng dường cho đức Phật và chúng Tăng như hằng năm hai vợ chồng cảm thấy vô cùng hoan hỷ. Cho nên, dù nợ nần nhưng họ không có một chút hối tiếc. Đêm đó, hai vợ chồng kiểm tra chỗ cất châu báu trong nhà bỗng nhiên phát hiện rất nhiều vàng bạc châu báu đầy ắp nơi đó. Hai vợ chồng sợ hãi, không biết đây là tang vật trộm cắp của ai, sợ bị vua quan bắt vì tội tàng trữ của gian. Cho nên, sáng sớm hôm sau hai vợ chồng liền đến Tinh xá thưa lại sự việc với đức Phật. Nghe trình bày xong, đức Phật dạy:

-Ông hãy an tâm sử dụng, không nên nghi sợ. Ông không trái lời cha dạy, dù chết cũng không thay đổi lời phát nguyện. Ông có tín tâm (1), trì giới (2), tàm (3), quý (4), đa văn (5), bố thí (6) và trí tuệ (7). Nhờ có bảy món tài bảo này làm nền tảng phước đức nên mới chiêu cảm ra tài bảo như thế. Đây không phải là tại họa đâu. Người trí biết tu hành thì không luận là nam hay nữ sinh ra chỗ nào phước cũng tự nhiên sẵn đủ.

Kế đó, đức Phật nói bài kệ Pháp cú:

Niềm tin (1) và giới hạnh (2)

Hổ mình (3) thẹn với người (4)

Đa văn (5), thí (6) trí tuệ (7)

Đây là bảy món báu.

Nhờ tin nên giữ giới

Thường tịnh quán các pháp

Trí tuệ luôn trau dồi

Lời Phật dạy chẳng quên.

Sống có những báu này

Không luận nam hay nữ

Trọn đời không đói nghèo

Người hiền biết lẽ chân.

(Kinh Pháp Cú Thí Dụ, tr. 75-77-Sakya Minh-Quang dịch).

    Qua câu chuyện và những lời Phật dạy ở trên, chúng ta thấy người Phật tử có bảy món tài bảo: (1) có lòng tin sâu chắc nơi Tam Bảo, (2) sống giới hạnh đạo đức, (3) biết thẹn với mình khi phạm lỗi lầm (tàm), (4) biết hổ nhục với người khi làm điều sai trái (quý), (5) biết nghe và học hỏi Chánh Pháp, (6) biết bố thí cúng dường, (7) có trí tuệ quán chiếu lại mình. Ai thực hành theo bảy pháp này sẽ có phước đức lớn, thành công lớn, hiện đời được hưởng phú quý vinh hoa, đời sau sinh ra chỗ nào cũng an vui hạnh phúc.

    Bảy món báu này đức Phật gọi là Thất thánh tài, tức bảy món tài bảo của Bậc Thánh mà người con Phật, tức Thánh đệ tử phải tu tập để có được và tăng trưởng. Như vậy, người con Phật chẳng những giàu có về mặt tài lộc thế gian mà còn sung mãn về tài sản xuất thế gian, đó là sự nghiệp trí tuệ giác ngộ và giải thoát an lạc.

    Nói về tài lộc thế gian, phú quý bền vững và hạnh phúc chân thật phải đặt trên nền tảng phước đức của mình qua tài năng, trí tuệ, siêng năng và tâm thiện. Người có phước là nhờ biết tu phước. Tu phước là tin sâu Tam Bảo, bố thí người nghèo khổ, cúng dường người xuất gia chân tu hoằng Pháp. Nhờ có phước báu này, chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống, như gặp quý nhân giúp đỡ, hay “phúc chí tâm linh” biết quyết định đúng đắn và kịp thời khi có cơ hội tốt trong việc kinh doanh hay đầu tư v.v…. Người thế gian gọi đó là “may mắn”, còn người biết Đạo hiểu lý nhân quả nên gọi đó là phước báu! Đây là quả lành có được từ nhân lành đã gieo trước đó.

 

    Còn người có đức là người biết tu tuệ. Tu tuệ là tin sâu Tam Bảo, giữ gìn năm giới mà mình lãnh thọ, sống đạo đức biết hổ biết thẹn, siêng năng nghe Pháp, tư duy nghĩa lý, và biết quán xét lại mình để tu sửa theo trí tuệ Phật Pháp. Người như vậy có đời sống tâm linh phong phú, ít não ít phiền, được an lạc hạnh phúc dù trong bất cứ hoàn cảnh khổ vui như thế nào.

    Người vừa có phước vừa có đức là người phước tuệ song tu, đủ thất Thánh tài, sung mãn phước đức nên cuộc sống hạnh phúc an vui. Hơn nữa, sự hạnh phúc an vui từ việc tu tập điều thiện này không phải chỉ có được trong một đời mà còn nhiều đời về sau nữa. Đức Phật dạy:

Người biết làm điều thiện

Nay vui, đời sau vui

Cả hai đời đều vui

Nhớ hạnh mình thanh tịnh.

(Kinh Pháp Cú câu 16)

    Còn người không tu tạo nền tảng phước đức, chỉ lo hướng ngoại cầu thần khẩn Phật ban cho là không thực tế và không đúng lý nhân quả. Đây là không gieo nhân mà muốn gặt quả. Lại nữa, có người vì giấc mơ làm giàu đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, như buôn gian bán lận, làm ăn phi pháp, tham nhũng, bóc lột của dân v.v…. Tóm lại, đây là làm giàu trên sức khỏe, công sức, xương máu của người khác, từ cướp đêm cho đến cướp ngày! Những người này dù giàu sang nhất thời nhưng không có hạnh phúc thực sự. Tài sản của họ không lâu bền. Họ trước sau gì cũng không tránh khỏi quả báo hiện tiền hay trả quả nơi đường ác ở đời sau. Kính Pháp Cú nói:

Người làm các việc ác

Nay sầu, đời sau sầu

Cả hai đời đều sầu

Nhớ hạnh nhơ mình làm.

(Kinh Pháp Cú câu 15)

    Người xưa nói: “Phước Lộc Thọ”. Phước là nhân, lộc và thọ là quả. Đã có nhân thì lo gì không có quả? Có phước thì lộc và thọ tự nhiên sẽ theo sau. Cho nên trước nói phước, sau mới nói đến lộc và thọ! Tiếc rằng, hiện nay người ta chỉ lo cầu “lộc” và “thọ” mà ít ai biết gieo trồng nhân “phước đức” trước để hưởng quả lộc và thọ về sau! Ông bà ngày xưa đã khổ tâm nhắc nhở chúng ta qua hàm ý “phước lộc thọ” như vậy. Nhưng bây giờ mình chỉ nghe người ta chúc nhau phát tài phát lộc, sống lâu trăm tuổi, mà ít thấy ai khuyên nhau tu phước, tu đức, và tết cũng không thấy ai chúc nhau tăng phước thêm đức!

    Là người Phật tử, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra lại kho báu thất thánh tài: tín, giới, tàm, quý, đa văn, bố thí và trí tuệ của mình có nhiều hay ít? Món nào thiếu hụt thì phải bổ sung, còn món nào đã có thì phải cố gắng làm tăng trưởng. Ví dụ, chúng ta phải tự hỏi: Là Phật tử mình có đủ lòng tin và tôn kính Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng hay chưa? Năm giới mà mình lãnh thọ đã hành trì như thế nào? Khi làm điều lỗi lầm như sát sinh, trộm cắp v.v… mình có biết hổ thẹn, ăn năn sám hối hay không? Mỗi ngày hay mỗi tuần mình có dành thời giờ để tụng đọc kinh sách, lắng nghe và học hỏi Pháp thoại? Mình có biết bố thí, cúng dường hộ trì Tam Bảo không? Mình có biết như lý tác ý, dùng trí tuệ để quán chiếu lại mình hay không?

    Có biết nhìn lại mình mới thấy được mình. Có thấy được những ưu khuyết nơi mình mới có thể tu sửa lấy mình. Có tu sửa nơi mình mới xây dựng được nền tảng phước đức vững chắc. Trên nền phước đức của thất Thánh tài này, tài lộc sẽ tăng trưởng, sức khỏe hay mọi điều may mắn tốt đẹp sẽ đến. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có được an lạc hạnh phúc lâu dài và chân thật. Cho nên đức Phật dạy:

Sống có những báu này

Không luận nam hay nữ

Trọn đời không đói nghèo

Người hiền biết lẽ chân.

    Đầu năm, Phật tử chúng ta tụng Kinh Dược Sư cầu nguyện cho mình, gia đình và mọi người được bình an khỏe mạnh, phúc lộc dồi dào, trường thọ sống lâu, không có tai nạn, dịch bệnh v.v…. Muốn được vậy, chúng ta phải tin sâu nhân quả, để nỗ lực tu tập thất Thánh tài, nhằm xây dựng nền tảng phước đức vững chắc, nhờ đó sẽ có được tài lộc, sức khỏe và thọ mạng như mong ước. Bài kệ Tán Dược Sư nói:

Không còn dịch bệnh tai ương

Nhờ nền phước đức thọ trường an vui!

(Kệ Tán Dược Sư-Sakya Minh-Quang dịch)

    Đây là đạo “kinh doanh” của người con Phật! Con đường phát tài đúng đắn mà đức Phật đã dạy! Cho nên, nhân dịp đầu xuân, thay vì chúc đại chúng phát tài, bút giả ôn lại lời Phật dạy, gởi đến đến quý Phật tử xa gần bài viết này như món quà Pháp đầu xuân, và kính chúc đại chúng: “Năm mới phát Thánh tài!”

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

Sa-môn Sakya Minh-Quang

Viết tại Tu Viện Thiện Tường ngày 22 tháng 02, 2021 nhằm 11 tháng giêng, năm Tân Sửu

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page