top of page

               KINH CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

                                      Đại Chánh Tạng, Kinh số 689, trang 799-800

                                     Thích Nghĩa Tịnh dịch từ Phạn sang Hán

                                      Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt

TÁN THÁN ĐỨC PHẬT

Pháp Vương vô thượng trong đời
Nhân thiên ba cõi không người sánh ngang

Là Thầy dạy khắp thế gian
Là Cha lành của vô vàn chúng sanh
Quy y trong một niệm lành
Nghiệp vô lượng kiếp hóa thành sạch không
Tán dương Phật đức mênh mông
Dù trăm ngàn kiếp cũng không tận cùng (1 xá). 

                                                                                                        

QUÁN TƯỞNG ĐẢNH LỄ

Chúng sanh, chư Phật vốn đồng
Cả hai rỗng lặng, một dòng tánh không

Chí thành quán tưởng suốt thông
Đạo giao cảm ứng thực không nghĩ bàn
Mười phương Phật, một đạo tràng
Lại qua ảnh hiện như màn đế châu

Nay con quy mạng cúi đầu
Lễ trước chư Phật nhiệm mầu chứng minh (1 xá).                                                                                     

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

1. Kính lạy Phật Cha lành giác ngộ

Đã bao đời cứu khổ quần sanh

Như trăng giữa tháng tròn vành

Sáng soi mỗi bước tu hành con đi.  (1 lạy

2. Kính lạy Pháp thuyền từ phổ độ

Đưa người qua biển khổ mênh mông

Giúp con sống trọn tấm lòng

Thương yêu tỉnh thức giữa vòng tham sân. (1 lạy)

3. Kính lạy Tăng bậc Thầy cao cả

Thay Phật-đà giáo hóa quần sanh

Dạy con biết lối tu hành

Trao đèn Chánh Pháp, phước lành thế gian. (1 lạy)

 

TÁN LƯ HƯƠNG

Lư hương vừa bén chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Tâm thành tưởng Phật thiết tha
Tùy nơi cảm ứng hiện ra mây lành
Vừa sinh một niệm chí thành
Toàn thân Phật hiện phước lành vô biên.

Nam mô Hương vân cái Bồ-tát  (2 lần)
Nam mô Hương vân cái Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. (3 lần)

PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ

Kính lạy đức Từ Phụ,
Bổn Sư Thích-ca Văn
Cùng bao đời Chư Tổ
Từ bi đã dạy răn. 
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì đọc tụng kinh
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nguyện kẻ thấy người nghe
Đều phát Bồ-đề tâm
Đời đời làm bạn lành
Đồng hành Bồ-tát đạo.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần)

 

KỆ KHAI KINH

Vô thượng thậm thâm: Pháp nhiệm mầu                             
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay thấy nghe, thọ trì Pháp
Nguyện ngộ thật nghĩa Phật ý sâu.     
Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ-tát Ma-ha-tát.

               PHẬT NÓI KINH CÔNG ĐỨC TẮM PHẬT

 

   Đây chính là những điều mà tôi được lắng nghe, khi đức Phật đang trú trên đỉnh núi Linh Thứu ở nơi thành Vương Xá, cùng đại chúng Tỳ-kheo nhiều đến số một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lại có chúng Bồ-tát nhiều vô lượng vô biên, và tám bộ trời rồng cùng vân tập pháp hội.

   Lúc bấy giờ có vị Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ đang ngồi trong đại chúng, vì thương tưởng chúng sinh, nên suy nghĩ như vầy: Các đức Phật Như Lai nhờ vào nhân duyên gì mà thân được thanh tịnh, đầy đủ các tướng hảo? Lại suy nghĩ như sau: Nếu các loài chúng sinh được gặp gỡ gần gũi, cúng dường các đức Phật sẽ được phước vô lượng. Song không biết sau khi đức Như Lai nhập diệt, chúng sinh làm thế nào cúng dường và tu tạo tất cả các công đức, khiến căn lành tăng trưởng, mau chứng được Bồ đề?

   Suy nghĩ như vậy xong, Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ liền đứng dậy vén y, để lộ vai bên hữu, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi quỳ thẳng chắp tay, thưa với đức Phật rằng:

   Kính bạch đức Thế Tôn, xin Ngài mở lòng từ, cho con được thưa hỏi! 
   Đức Phật từ bi đáp: Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ, ông hãy tự nhiên hỏi, Như Lai sẽ trả lời.

   Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ liền thưa với Phật rằng:

   Kính bạch đức Thế Tôn, các đức Phật, Như Lai, Ứng cúng, Chánh Đẳng Giác, nhờ vào nhân duyên gì mà được thân thanh tịnh, đầy đủ các tướng hảo? Khiến cho các chúng sinh nếu gặp gỡ, gần gũi, cúng dường các Như Lai, được công đức vô lượng? Không biết sau khi Phật đã thể nhập Niết-bàn, chúng sinh nên cúng dường và tu công đức gì để căn lành tăng trưởng, mau chứng được Bồ-đề? 

   Bấy giờ đức Thế Tôn, từ bi trả lời rằng:

   Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ, lành thay, thực lành thay! Ông có thể vì thương chúng sinh đời vị lai mà thưa hỏi như vậy. Ta sẽ giải nói rõ, ông hãy lắng tai nghe và khéo léo tư duy, rồi theo đó tu hành.

   Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ liền bạch với đức Phật:

   Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Con xin nguyện hết lòng lắng nghe lời Phật dạy!

   Đức Phật dạy như sau: Thiện nam tử lắng nghe, ông nên biết Như Lai sở dĩ được thanh tịnh là nhờ tu sáu độ: bố thí và trì giới, nhẫn nhục với tinh tấn, thiền quán cùng trí tuệ. Như Lai cũng từng tu từ, bi, hỉ, và xả; tu các pháp giải thoát và giải thoát tri kiến; tu lực, vô sở úy và tất cả Phật Pháp; tu nhất thiết chủng trí được đầy đủ thanh tịnh.

   Nếu đối với Như Lai có công hạnh như vậy, tâm thanh tịnh cúng dường, như dùng hương hoa tốt, chuỗi ngọc báu anh lạc, phang lọng và đệm lót để trang nghiêm trước Phật; hay dùng nước thơm tắm lên trên thân tôn tượng, hay xông đốt trầm hương, vận tâm quán pháp giới; lại dùng các món ăn, trống nhạc và đàn sáo để ca ngợi công đức đặc biệt của Như Lai, rồi phát tâm thù thắng, nguyện hồi hướng về biển nhất thiết trí vô thượng, sẽ được nhiều công đức số vô lượng vô biên, luôn tiến không thoái chuyển, cho đến đạo Bồ-đề. Vì sao được như vậy? Vì phước đức trí tuệ của các đức Như Lai vô lượng không ai bằng. Này các thiện nam tử, chư Phật có ba thân: pháp thân, thọ dụng thân và hóa thân là ba. Sau khi ta Niết-bàn, nếu có ai cúng dường ba thân của Như Lai, nên cúng dường xá-lợi. Xá-lợi có hai loại, một xá-lợi linh cốt, hai xá-lợi pháp tụng.

    Rồi đức Phật lại nói, bài pháp tụng như sau: 
               Các pháp từ duyên sinh

       Cũng từ duyên mà diệt

       Pháp duyên khởi như vậy

       Đức Phật đã tuyên thuyết.

   Các hàng tu xuất gia và cư sĩ tại gia đều nên tạo tượng Phật. Nếu không có khả năng dù chỉ tạc tượng nhỏ như hạt gạo lúa mạch, tháp nhỏ như trái táo, cột nhỏ như cây kim, lọng che như vỏ trấu, xá-lợi như hạt cải, rồi viết bài pháp tụng đặt vào bên trong đó để tôn trọng cúng dường, tùy sức mình chí thành tha thiết lễ cúng dường như đối trước tự thân của Như Lai không khác. Này các thiện nam tử, nếu có chúng sinh nào, biết cúng dường như vậy, được mười lăm công đức rất thù thắng trang nghiêm.

 Một, có tâm hổ thẹn.

 Hai, lòng tin trong sạch.

 Ba, tâm được ngay thẳng.

 Bốn, gần gũi bạn lành.

 Năm, nhập trí vô lậu.

 Sáu, thường gặp chư Phật.

 Bảy, hộ trì Chánh Pháp.

 Tám, y giáo tu hành.

 Chín, tùy theo ý muốn, được sinh về Tịnh độ.

 Mười, nếu sinh làm người, thuộc dòng tộc tôn quý, được kính trọng, phục vụ, người thấy tâm hoan hỉ.

 Mười một, sinh làm người tự nhiên biết niệm Phật.

 Mười hai, các ma quân không thể làm tổn não.

 Mười ba, thời mạt pháp, vẫn có thể hộ trì được Chánh Pháp thanh tịnh.

 Mười bốn, được gia hộ của chư Phật mười phương.

 Mười lăm, mau thành tựu được năm phần pháp thân.

   

    Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:

       Sau khi ta Niết-bàn

       Ai là người có thể

       Cúng dường xá-lợi ta

       Hoặc xây tháp phụng thờ

       Cho đến tạo tượng Phật

       Ở nơi chỗ tượng tháp 

       Thoa hương mạn-đà-la

       Dùng các loại hương hoa

       Rải lên trên tháp, tượng

       Dùng nước thơm trong sạch

       Tắm gội lên thân tượng

       Lại đem các món ngon

       Dâng cúng cho tôn tượng

       Khen công đức Như Lai

       Vô lượng chẳng nghĩ bàn

       Trí phương tiện thần thông

       Mau đến nơi bờ kia

       Thành tựu thân kim cương

       Ba mươi hai tướng tốt

       Tám mươi vẻ trang nghiêm

       Tế độ các chúng sinh.

    Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ sau khi nghe kệ xong, liền bạch đức Phật rằng:

    Kính bạch đức Thế Tôn, ở nơi đời vị lai, chúng sinh làm thế nào để tắm tượng đúng pháp?

    Đức Phật liền dạy rằng:

    Các ông nên khởi tâm chánh niệm đức Như Lai, đừng chấp có và không; hãy sinh lòng khát ngưỡng, không có tâm nhàm mõi đối với các đạo phẩm, khéo tu tập trí tuệ, và ba môn giải thoát, thường cầu thoát sinh tử, khởi tâm thương chúng sinh, nguyện mau được thành tựu ba thân như đức Phật.

    Này các thiện nam tử, ta đã vì các ông nói ra bốn Thánh đế, mười hai pháp nhân duyên và sáu Ba-la-mật. Nay ta vì các ông, hàng quốc vương đại thần, phi tần ở hậu cung, trời rồng tám bộ chúng, loài người và loài khác mà nói pháp tắm tượng. Đây là pháp cúng dường hơn tất cả cúng dường. Công đức này lớn hơn dùng bảy món châu báu nhiều như cát sông Hằng đem ra để bố thí.

    Nếu lúc tắm tôn tượng, nên dùng gỗ ngưu đầu, chiên đàn hay bạch đàn, tử đàn hoặc trầm thủy, huân lục, uất kim hương, long diên hương, linh lăng, hay hoắc hương v.v…, mài trên đá thành bột, rồi chế làm nước thơm đựng trong thau nước sạch. Sau đó lập đàn tràng nơi vùng đất thanh tịnh, hoặc vuông hay là tròn, lớn nhỏ tùy theo thời. Trên đàn đặt thau nước, an trí tượng Phật lên. Kế đó dùng nước thơm rưới lên thân tôn tượng, tắm gội cho thơm sạch. Sau đó dùng nước trong tắm lại một lần nữa. Nước dùng để tắm tượng cần phải lọc thật sạch, không được làm hại đến các loại côn trùng nhỏ.  

    Lại dùng hai ngón tay nhúng vào nước tắm tượng, rồi chấm lên đầu mình, gọi là nước kiết tường. Nước đã tắm Phật xong, đổ nơi đất sạch sẽ, không cho ai đạp lên. Dùng vải tốt mịn màng lau khô sạch tượng Phật, rồi đốt các thứ hương cúng dường tôn tượng Phật, an trí về chổ cũ.

    Này các thiện nam tử, nhờ tắm Phật như vậy, có thể giúp cho ông và đại chúng trời người, hiện đời được hưởng phước, không bệnh tật, trường thọ, thành tựu những nguyện cầu; những bạn bè quyến thuộc được an ổn, hạnh phúc, không sa vào tám nạn, ra khỏi gốc khổ đau, không thọ thân người nữ, mau thành tựu Chánh Giác. Sau khi đã an trí tôn tượng lại chỗ cũ, hãy đốt các thứ hương, đối trước tượng chí thành chắp tay để tán thán:

     Con nay tắm gội đức Như Lai

     Trí sạch trang nghiêm, phước hiển bày

     Nguyện các chúng sinh đời năm trược

     Chứng pháp thân Phật, sạch trần ai.

               ***  

     Hương giới, định, tuệ, hương giải thoát

     Giải thoát tri kiến ngát mười phương

     Nguyện khói hương này cũng như vậy

     Làm các Phật sự số không lường!

              ***

     Nguyện ba đường ác hết khổ đau

     Dứt trừ nhiệt não, được thanh lương

     Đều phát Bồ-đề tâm vô thượng

     Sông ái lên bờ, Đạo chứng nên.

   Đức Phật nói Kinh xong, có vô lượng vô biên Bồ-tát trong chúng hội, được tam-muội vô cấu. Lại có các thiên nhân số nhiều đến vô lượng được trí Bất Thoái Chuyển. Còn các hàng Thanh văn đều khởi tâm Đại thừa nguyện chứng được quả Phật. Có tám vạn bốn ngàn chúng sinh phát khởi được tâm Bồđề vô thượng. Lúc bấy giờ Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ bạch Phật: Kính bạch đức Thế Tôn, nhờ ơn bậc Đại sư thương chỉ dạy chúng con cách tắm gội tôn tượng. Con nay khuyên quốc vương, đại thần và những ai có lòng tin ưa thích làm các việc công đức, vào buổi trưa mỗi ngày nên tắm gội tôn tượng của đức Phật Thế Tôn, sẽ được lợi ích lớn, thường nên kính vâng lời, rồi hoan hỉ phụng hành.

    Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. 

Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Tâm Yếu

Bồ-tát Quán Tự Tại
Khi thực hành Bát-nhã
Ba-la-mật thâm sâu
Quán chiếu thấy năm uẩn
Đương thể đều là không
Vượt qua vòng khổ ách.
Xá-lợi-phất lắng nghe
Sắc chẳng khác tánh không
Tánh không chẳng khác sắc
Sắc chính là tánh không
Tánh không chính là sắc
Thọ, tưởng, hành và thức
Bản chất cũng như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất
Các pháp thật tướng không
Không sinh cũng không diệt
Không sạch cũng không nhơ
Không thêm cũng không bớt;
Không có năm thủ uẩn:
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
Không có sáu căn: mắt
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;

Không có sáu trần: sắc
Thanh, hương, vị, xúc, pháp;
Cũng không có sáu thức:
Nhãn thức đến ý thức;
Mười tám giới đều không.
Không có mười hai duyên:
Vô minh đến già chết;
Không có hết vô minh
Cho đến hết già chết
Lưu chuyển và hoàn diệt
Cả hai chiều đều không.
Không có bốn thánh đế:
Khổ, tập, diệt và đạo.
Không có trí có đắc
Vì không có sở đắc.
Bồ-tát y Bát-nhã
Ba-la-mật-đa này 
Tâm không còn chướng ngại
Do không có chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Lìa mộng tưởng đảo điên
Đến Niết-bàn cứu cánh.
Chư Phật trong ba đời
Đều y nơi Bát-nhã
Đắc Vô Thượng Bồ-đề.
Thế nên biết Bát-nhã
Là chân ngôn đại thần
Là chân ngôn đại minh
Là chân ngôn vô thượng
Không chân ngôn nào bằng
Có vi diệu công năng
Diệt trừ tất cả khổ
Chân thực không dối hư
Liền nói ra chú rằng:
Ga tê, ga tê, ba ra ga tê, ba ra sam ga tê, bô đi xóa ha (3 lần).

(Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha)                         

     ĐẢNH LỄ TRI ÂN ĐỨC PHẬT BỔN SƯ

1. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

Từ vô lượng kiếp xưa
Luôn hành Bồ-tát đạo
Xả thân mình gieo giống từ bi
Công đức ấy không sao ví được.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

2. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Cõi Ta-bà thị hiện
           Nơi dòng Thích thọ sanh
           Thánh Ma-da mộng ứng điềm lành
           Nơi vương thất chan hòa phước lạc.

Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

3. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:     
           Nơi vườn Lâm-tỳ-ni
           Thị hiện tướng đản sanh
           Hoa sen nâng bảy bước du hành
           Chỉ Phật tánh, xưng tôn ba cõi.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

4. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Dạo nơi bốn cửa thành
           Thấy lẽ khổ chúng sanh
           Vì thương đời một dạ tu hành
           Bỏ tất cả xuất gia tầm đạo.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

5. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Sáu năm tu núi Tuyết
           Trải bao cảnh gió sương
           Tìm chân lý soi sáng đêm trường
           Trong tâm Ngài lai láng tình thương.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

6. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:
           Tìm ra đường trung đạo
           Lìa vui khổ hai đường
           Dùng định tuệ hàng phục ma vương
           Sao mai mọc thành ngôi Vô Thượng.

      Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

7. Chủ lễ xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

           Suốt bốn mươi lăm năm
           Không nề bao gian khổ
           Đem Chánh Pháp từ bi tế độ
           Trời người đều ngưỡng mộ tu hành.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

8. Chủ Lễ Xướng: Nhất tâm đảnh lễ:

           Rừng Sa-la song thọ
           Độ chúng đã mãn duyên
           Thị hiện nhập vô dư Niết-bàn
           Lưu xá-lợi rộng độ nhân thiên.

     Đại chúng hòa: Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (1 lễ).

SÁM KHÁNH ĐẢN

                 (Đại chúng đồng quỳ tụng)

Đệ tử hôm nay

Gặp ngày khánh đản

Một dạ vui mừng

Cúi đầu đảnh lễ

Thập Phương Tam Thế

Điều Ngự Như Lai

Cùng Thánh, Hiền, Tăng

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh

Bởi thiếu nhơn lành Thảy đều sa đọa

Tham thân chấp ngã

Quên hẵn đường về

Tình ái si mê

Tù trong lục đạo

Trăm dây phiền não

Nghiệp báo không cùng

Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhân

Dũ lòng lân mẫn

Không nỡ sinh linh thiếu phước

Nặng kiếp luân hồi

Đêm dài tăm tối

Đuốc tuệ rạng soi

Nguyện cứu muôn loài

Pháp dùng phương tiện

Ta bà thị hiện

Thích chủng thọ sinh

Thánh Ma-da mộng ứng điềm lành

Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo

Ba mươi hai tướng tốt

Vừa mười chín tuổi xuân

Lòng từ ái cực thuần

Chí xuất trần rất mạnh

Ngai vàng quyết tránh

Tìm lối xuất gia

Sáu năm khổ hạnh rừng già

Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa

Chứng thành đạo quả

Hàng phục ma binh

Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ Chúng con nguyện:

Dứt bỏ dục tình ngoan cố

Học đòi đức tánh quang minh Cúi xin Phật Tổ giám thành

Từ bi gia hộ

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh      

Chóng thành đạo quả.

Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần).

(Nghi thức tạm dừng, xướng ngôn viên thỉnh Pháp sư đăng tòa thuyết Pháp. Sau thời Pháp,

đại chúng tiến hành nghi thức tắm Phật.)

NGHI THỨC TẮM PHẬT

    (Đại chúng sắp hàng, hàng một hay hàng đôi tùy theo số lượng nhiều ít, rồi lần lượt tiến về tượng sơ sinh tắm Phật. Chắp tay xá tôn tượng, rồi múc nước thơm (hương thủy) rưới lên thân Phật một lần. Xong lại dùng hai ngón tay, ngón giữa và ngón trỏ của bàn tay mặt, nhúng vào nước đã tắm Phật xong (kiết tường thủy) rồi chấm trên đỉnh đầu của mình, chắp tay xá Phật rồi lui ra. Trong khi người khác tắm Phật, đại chúng đồng tụng bài kệ tắm Phật (phần dịch nghĩa) nhiều lần cho đến người tắm Phật cuối cùng mới ngưng.)

BÀI KỆ TẮM PHẬT

Con nay tắm gội đức Như Lai

Trí sạch trang nghiêm, phước hiển bày

Nguyện các chúng sinh đời năm trược

Chứng pháp thân Phật, sạch trần ai.

                       ***

Phật chẳng từng sanh ở Ca-tỳ

Chưa từng nhập diệt nước Câu-thi

Pháp thân sao thấy còn sinh diệt?

Bụi vướng vào tròng, phải lấy đi!

         ***

Tháng tư mùng tám, sáng đẹp tươi

Thái tử Đạt-đa mới ra đời

Rồng đến đón mừng phun nước tắm

Sen nở nâng theo mỗi bước Người!

(Tụng bài kệ này lập đi lập lại nhiều lần cho đến người tắm Phật cuối cùng, thì chấm dứt bằng niệm danh hiệu Bổn Sư ba lần.)

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần).

 

 

Âm Hán:

Ngã kim quán mộc chư Như Lai

Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ

Ngũ trược chúng sinh lịnh ly cấu

Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân.

       ***

Tỳ La thành lý bất tằng sinh

Ta La thọ gian bất tằng diệt

Bất sinh bất diệt lão Cù Đàm

Nhãn trung khan kiến trùng thiêm tiết.

       ***

Kim triêu chánh thị tứ nguyệt bát

Tịnh Phạn vương cung sinh Tất Đạt

Phún thủy cửu long thiên ngoại lai

Bổng túc liên hoa tùng địa phát.

Chữ Hán:

我今灌沐諸如來 

淨智莊嚴功德聚 

五濁衆生令離垢

同證如來淨法身 

      ***

毘羅城裏不曾生 

娑羅樹間不曾滅 

不生不滅老瞿曇 

眼中看見重添屑

     *** 

今朝正是四月八 

淨飯王宮生悉達 

噴水九龍天外來 

捧足蓮花從地發。 

HỒI HƯỚNG

Trì kinh tắm Phật phước vô biên

Hồi hướng chúng sinh khắp mọi miền

Nguyện ai còn đắm trong biển khổ

Sớm về nước Phật được an nhiên. 

Nguyện tiêu ba chướng hết phiền não

Nguyện được Bát-nhã trí rộng cao

Nguyện thực hành theo Bồ-tát đạo

Đời đời tinh tiến chẳng lãng xao.

Nguyện sinh về cõi Tây phương

Đài sen chín phẩm dựa nương thức thần

Hoa nở thấy Phật pháp thân

Chứng ngôi bất thoái, cõi trần độ sinh.

Nguyện đem công đức vô ngần

Trải trang ra khắp xa gần chúng sinh

Nguyện con và chúng hữu tình

Đồng lên bờ giác thanh bình an vui.

TỰ QUY Y

Con tự quy y Phật
Nguyện tất cả chúng sanh
Tin hiểu Đạo Vô Thượng
Đồng phát Bồ-đề tâm (1 lễ).

Con tự quy y Pháp
Nguyện tất cả chúng sanh
Thâm nhập nghĩa kinh tạng
Trí tuệ sâu như biển (1 lễ).

Con tự quy y Tăng
Nguyện tất cả chúng sanh
Hòa hợp cùng đại chúng
Sống vô ngại, an lành (1 lễ).

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

bottom of page