Giới Thiệu Kinh Di Giáo
Sakya Minh-Quang
(Kinh Di Giáo được TT Sakya Minh-Quang phiên dịch và giới thiệu trong soạn phẩm Phật Tổ Cảnh Sách mới xuất bản của Thầy. Ban Biên Tập xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả báo Điều Ngự)
Kinh Di Giáo (Di Giáo Kinh) là nói tắt của Kinh Phật Di Giáo (Phật Di Giáo Kinh), nghĩa là Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật. Kinh này còn có tên khác đầy đủ hơn là Kinh Phật Nói Tóm Lược Những Điều Răn Dạy Lúc Sắp Nhập Niết-bàn (Phật Thùy Niết-bàn Lược Thuyết Giáo Giới Kinh 佛垂般涅槃略說教誡經). Kinh Phật Di Giáo được Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva 344-413) phiên dịch từ Phạn ngữ ra Hán văn.
Nội dung kinh này nhấn mạnh đến Giải thoát đạo, Đức Phật không những chỉ dạy (giáo) tóm tắt những điều trọng yếu trong đời sống tu hành của người xuất gia, mà còn răn nhắc (giới) đệ tử mình phải ghi nhớ và thực hành những giới luật đã thọ, gìn giữ nếp sống đơn giản của người tu, xa lìa nếp sống vật chất của thế tục, không được tìm cầu danh lợi bằng chính trị, kinh doanh, mê tín, dị đoan, nhất là việc buôn thần bán thánh, “tỏ lạ thường dối người,” v.v…. Ngài còn dạy đệ tử Phật phải thu nhiếp sáu căn, xa lìa tham lam, sân hận, ngã mạn, tật đố, siêng tu chánh niệm, thiền định và trí tuệ để có thể giác ngộ, giải thoát. Cuối cùng, đức Phật nhấn mạnh Tứ Diệu Đế: khổ, tập, diệt, đạo là chân lý bất di bất dịch. Tôn giả A-nậu-lâu-đà đã thay các hàng Thánh chúng khẳng định: “Kính bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng, mặt trời có thể lạnh, nhưng bốn Thánh đế này do đức Phật nói ra không sao sai khác được.”
Có lẽ, sẽ có người thắc mắc hỏi: Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa Đông Á, lấy tư tưởng Bồ-tát đạo làm nền tảng để tu hành và hoằng Pháp. Vậy, tư tưởng chính yếu của Kinh Phật Di Giáo là Giải thoát đạo như trên đã nói thì làm sao phù hợp? Thực ra, Bồ-tát đạo là sự kết hợp giữa Giải thoát đạo và Phước đức đạo trên nguyên tắc “đem tinh thần xuất thế để làm việc nhập thế.”
Nói cách khác, Bồ-tát đạo phải đặt trên nền tảng Giải thoát đạo mới có ý nghĩa và thiết thực. Ví dụ, từ nền tảng Tứ Thánh đế của Giải thoát đạo mới có Tứ Hoằng Thệ Nguyện của Bồ-tát đạo. Cụ thể, vì thấy khổ đế, nên Bồ-tát mới khởi tâm từ bi cứu độ chúng sinh. Đây là cơ sở của hoằng nguyện thứ nhất: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.” Vì thấy tập đế, tham ái phiền não là nguyên nhân khiến chúng sinh đau khổ, nên Bồ-tát mới phát hoằng nguyện thứ hai: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.” Vì muốn chỉ cho vô lượng chúng sinh thấy được đạo đế, con đường đưa đến giải thoát giác ngộ, nên Bồ-tát phát hoằng nguyện thứ ba: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.” Vì muốn cứu giúp tất cả chúng sinh chấm dứt đau khổ, được vui Niết-bàn, nên Bồ-tát phát hoằng nguyện thứ tư: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”[i]
Cho nên, dù tư tưởng chủ yếu của Kinh Di Giáo là Giải thoát đạo, nhưng vẫn được các bậc Cao Tăng Đại thừa từ Ấn Độ như Thế Thân, Cưu-ma-la-thập…, cho đến các Tổ ở Trung Quốc như Ngẫu Ích, Liên Trì v.v… đều hết lòng hoằng dương. Thực tế, Phật giáo Đại Thừa Đông Á chưa từng bỏ giới luật của Giải thoát đạo (Ba-la-đề-mộc-xoa), lấy Tứ Phần Luật làm căn cứ, người xuất gia phải thọ giới Tỳ-kheo để đứng vào hàng ngũ Tăng Bảo.
Ngoài ra, có người cho rằng, phần giới luật của Kinh Di Giáo có nhiều điều không còn phù hợp với nếp sống thực tế ở xã hội nông nghiệp thời xưa hay xã hội văn minh hiện nay, như không được cày cấy, phải sống bằng hạnh khất thực v.v…. Về vấn đề này, Ngài Ấn Thuận và Thánh Nghiêm có giải thích, sau khi thành Đạo sáu năm, đức Phật không ngừng sửa đổi giới luật cho thích ứng với xã hội, phong tục, và tập quán đương thời, nhưng tinh thần ly dục, ly ái nhiễm, thanh tịnh và giải thoát của giới luật vẫn không thay đổi. Đức Phật đã nhập diệt, chúng ta không được sửa đổi giới luật, nhưng phải hiểu luật và hành luật trên tinh thần y nghĩa bất y ngữ, nắm rõ hoàn cảnh chế giới, mà không phải chấp khư khư trên văn tự.
Ví dụ, từ xưa nếp sống khất thực đã không còn thích hợp ở Trung Quốc. Đời Đường Mã Tổ lập tòng lâm, Bách Trượng chế thanh quy, lấy nếp sống nông thiền, tự cung tự cấp làm căn bản sinh hoạt. Nhưng tinh thần của khất thực: “Trên xin giáo Pháp của đức Phật để nuôi giới thân, dưới xin cơm của đàn-na nhằm duy trì sinh mạng” vẫn còn nguyên vẹn. Người xuất gia ở chùa dù nhận thức ăn cúng dường, nhưng thiểu dục tri túc “phòng tâm khỏi lỗi tham sân là cội gốc” và với mục đích “vì thành tựu đạo nghiệp mới thọ dụng cơm này” (ngũ quán lúc thọ trai), thì có khác gì đi khất thực?
Ngay cả việc cầu an, cầu siêu là hình thức sinh hoạt và duy trì kinh tế của đa số tự viện hiện nay, nếu Tăng Ni làm với tinh thần khất thực như trên, thì đều phù hợp với Chánh Pháp. Thuở xưa, đức Phật và chư Tăng hằng ngày ôm bình bát vào thành hay làng xóm khất thực, ngoài nhu cầu sự sống, còn vì muốn tạo cơ hội để chúng sinh rộng kết duyên lành với Tam Bảo. Cũng vậy, những vị chân tu đến với chúng sinh để cầu an, cầu siêu đều xuất phát từ tâm từ bi, muốn kết duyên lành để giáo hóa chúng sinh. Chúng sinh hữu duyên nhờ đó khởi lòng kính tin và tri ân, nên phát tâm cúng dường và hộ trì Tam Bảo. Như vậy nào có lỗi gì? Vấn đề ở đây là động cơ như thế nào (why), cách làm ra sao (how), mà không phải là điều gì (what). Đây cũng là chỗ khác nhau giữa thầy tu theo Phật Pháp và thầy cúng theo tín ngưỡng dân gian.
Lại nữa, nếu Tăng Ni tụng kinh tiếng Việt để gia chủ có thể đọc theo và hiểu được lời Phật dạy, bớt hình thức tán tụng hay nghi lễ rườm rà, dành thời gian để thuyết Pháp và hướng dẫn gia đình trong lúc tang gia bối rối, thì ý nghĩa và lợi ích của việc tụng kinh trong tang lễ lại càng to lớn hơn nữa. Đây chính là tinh thần Bồ-tát đạo:
Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi
Phá lưới nghi ngờ lớp lớp.
(Sám Quy Mạng-Sakya Minh-Quang dịch)
Thuở xưa, chư Tăng ôm bình bát vào thành khất thực, nhân đó gần gũi để giáo hóa chúng sinh. Hiện nay chư Tăng Ni mang lời kinh tiếng kệ, cũng như Đạo phong và Đạo hạnh của mình, đến với gia đình Phật tử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của xã hội, và cũng để giáo hóa chúng sinh. Việc làm tuy khác, nhưng chỉ cần động cơ và mục đích cao thượng giống nhau, thì vẫn phù hợp tinh thần Kinh Phật Di Giáo: “Như ong lấy mật hoa, chỉ lấy đi vị ngọt mà không hại sắc hương. Tỳ-kheo cũng như vậy, nhận của người cúng dường để dứt cơn đói khát, nên không được cầu nhiều, phá hư Đạo tâm người.”
Vì vậy, trong truyền thống thiền môn, Kinh Di Giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục Tăng già và cảnh sách người xuất gia. Không ít các bậc tông tượng trong thiền môn coi trọng và ra sức hoằng dượng Kinh Di Giáo. Đời Bắc Tống, Kinh Di Giáo, Kinh Tứ Thập Nhị Chương và Quy Sơn Cảnh Sách được in chung, với tên gọi là Phật Tổ Tam Kinh. Kinh Di Giáo và Kinh Tứ Thập Nhị Chương là Kinh Phật, còn Quy Sơn Cảnh Sách là Kinh Tổ. Bộ kinh điển này được dùng làm sách giáo khoa mà người mới bước vào Thiền Môn phải tu học.[ii]
Đời Đường, Vua Thái Tông thậm chí còn ra sắc chỉ cho biên chép Kinh Phật Di Giáo, giao cho quan ngũ phẩm trở lên và quan thứ sử ở các châu mỗi người một bản, để “nếu thấy hành nghiệp của Tăng Ni nào không giống với văn kinh, nên khuyên gắng một cách công khai hay riêng tư, khiến phải tuân hành.”[iii] Động cơ và cách làm của Đường Thái Tông còn cần phải xét lại, nhưng xưa nay đời sống phạm hạnh của Tăng Ni là mạng mạch của Phật giáo, yếu tố chinh phục lòng người, và giành sự ủng hộ của những người quyền thế là điều không thể tranh cãi.
Ngoài phần nội dung tư tưởng, Kinh Phật Di Giáo còn đem lại người đọc tụng cảm xúc sâu sắc, củng cố Đạo tâm, và sách tấn người xuất gia dũng tiến trên đường giải thoát. Sau khi giáo giới cho các đệ từ xong, đức Phật đã nói lời sau cùng:
-Này Tỳ-kheo các ông, cho nên phải biết rằng, thế gian vốn vô thường, có họp phải có tan, đừng ôm lòng buồn khổ. Thế gian vốn như vậy, phải siêng tu tinh tấn, sớm cầu đạo giải thoát. Hãy dùng trí tuệ sáng trừ bóng tối si mê!
-Cuộc đời rất mong manh, không có gì chắc thực. Hôm nay ta tịch diệt như trừ được bệnh dữ. Thân này nên xả bỏ, vật gây bao tội ác, giả danh gọi là thân, chìm đắm mãi trong biển sinh già bệnh và chết. Xả bỏ được thân này như giết được giặc thù, người trí sao lại không sinh khởi lòng hoan hỷ?
-Này Tỳ-kheo các ông, phải nên luôn nhất tâm, siêng cầu đạo giải thoát. Tất cả pháp thế gian hoặc động hay bất động, đều là tướng vô thường, không có gì an ổn. Các ông hãy dừng lại, không được nói gì thêm. Giờ khắc đã đến rồi, Như Lai sắp diệt độ. Đây là lời răn dạy cuối cùng ta để lại.
Có gì tha thiết và xúc động hơn trước những lời ân cần nhắc nhở cuối cùng này của đức Thế Tôn? Bảo sao mà các bậc chưa chứng A-la-hán dù cố kèm nén, nhưng cũng phải rơi lệ tiếc thương!
Khi tụng Kinh Phật Di Giáo, chúng ta hãy quán tưởng mình đang ở trong rừng Sa-la Song thọ, trong giờ phút đức Thế Tôn sắp nhập niết-bàn. Chúng ta đang ở bên đức Thế Tôn, một người Cha, một bậc Thầy lớn, suốt mấy mươi năm bôn ba khắp nơi giáo hóa chúng sinh. Hôm nay Ngài nằm đây, sắp từ giã trần gian vì tuổi cao sức yếu, thế mà còn gượng dậy để dạy cho con mình, cho học trò những lời tâm huyết nhất. Như vậy, từng câu từng chữ của lời kinh có thể thấm đến tận chỗ sâu nhất trong tâm hồn, đánh thức lại sơ tâm xuất gia đã quên lãng, thắp sáng lên lý tưởng giải thoát đã lu mờ, và nung nóng nhiệt huyết của người mang chí xuất trần thượng sĩ!
Đối với bút giả, Kinh Phật Di Giáo không những tóm tắt nghĩa lý chính yếu của giải thoát đạo, làm nền tảng cho Bồ-tát đạo, mà còn bài cảnh sách cuối cùng mà đức Phật dành cho hàng đệ tử xuất gia. Không nỡ để một bộ Thánh điển quý giá và thiết thực như thế này mai một hay quên lãng, bút giả đề xướng tụng Kinh Di Giáo và đọc cảnh sách xuất gia trong thời công phu sáng thay cho tụng chú Thủ Lăng Nghiêm, một nghi thức ảnh hưởng của Mật giáo, chỉ được đưa vào khóa tụng từ cuối đời Nguyên, đầu đời Thanh ở Trung Quốc. Sau này, đọc Phật Di Giáo Kinh Giảng Ký, mới biết Thiền sư Thánh Nghiêm cũng yêu cầu các Sa-di và Sa-di ni tụng Kinh Phật Di Giáo trong những ngày sám hối Bố-tát. Để đưa Kinh Phật Di Giáo thành khóa tụng hằng ngày trong Thiền môn là một việc làm không dễ vì đi ngược lại tập quán đã lâu ở các chùa Việt Nam. Nhưng theo bút giả, ít ra vào những ngày sám hối Bố-tát, chúng xuất gia nên đọc tụng lại Kinh Phật Di Giáo, nhất là vào mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Ni. Đây là việc làm có thể khả thi trước mắt.
Vì mục đích này, bút giả dịch Kinh Phật Di Giáo theo nhịp câu năm chữ, chú trọng âm điệu hài hòa, dễ đọc dễ tụng. Kinh này được bút giả sử dụng ở Tu Viện Thiện Tường trong thời công phu sáng mỗi ngày và khóa tu xuất gia báo ân hằng năm. Một năm thử nghiệm đã trải qua, bút giả nhận được không ít sự tán đồng của người đọc tụng. Cho nên, hôm nay bút giả mạnh dạn xuất bản, cúng dường đại chúng, để đền đáp công ơn Phật Tổ trong muôn một. Phần nghi thức tụng Kinh Phật Di Giáo được in và xuất bản chung với phần Cảnh Sách Xuất Gia, gồm Cảnh Sách Người Tập Sự Xuất Gia của Thiền Sư Từ Thọ và Cảnh Sách Đệ Tử Xuất Gia của Pháp Sư Đạo An, gọi chung là Phật Tổ Cảnh Sách.
Sự biên soạn và phiên dịch của bút giả chắc chắn không sao tránh được những chỗ sơ suất. Ngưỡng mong chư Tôn đức, chư Thiện tri thức từ bi chỉ dạy. Nếu trong việc phiên dịch có sai lời Phật ý Tổ, đó là do bút giả học nghiệp chưa tinh, ngộ tánh nông cạn, xin thành tâm sám hối và nguyện một mình chịu trách nhiệm. Còn nếu có chút công đức phước lành nào, đó là nhờ ân đức giáo dưỡng của Thầy Tổ, công ơn hộ trì của đàn-na tín thí suốt bao năm qua. Bút giả xin thành tâm hồi hướng công đức về tất cả chúng sinh, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nguyện kẻ thấy người nghe, đều phát Bồ-đề tâm, đồng trọn thành Phật đạo.
Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.
Viết tại Tu Viện Thiện Tường, Champaign, Illinois
Mùa Phật Đản, Phật lịch 2562
Ngày 11 tháng 05, năm 2018
Sa-môn Sakya Minh-Quang cẩn bút.
-------------------------------------------------------------------------------
[i] Để rõ hơn ý nghĩa và mối quan hệ giữa Phước đức đạo, Giải thoát đạo và Bồ-tát đạo, xin đại chúng tham đọc thêm sách Vô Thường và Giải Thoát Đạo của bút giả.
[ii] Về các bản chú giải Kinh Phật Di Giáo, chúng ta được biết khi Cưu-ma-thập phiên dịch Phật Di Giáo Kinh, Ngài cũng phiên dịch bản luận giải kinh này, tên là Di Giáo Kinh Luận, được ghi nhận là của Ngài Thế Thân, cũng có học giả cho là của Ngài Mã Minh. Đời Bắc Tống có Phật Tổ Tam Kinh Chú do Thủ Toại viết và Di Giáo Kinh Luận Trụ Pháp Ký do Nguyên Chiếu viết lưu hành. Nhưng có lẽ đời Minh là có nhiều bản chú giải nhất. Ví dụ, Phật Di Giáo Kinh Chỉ Nam do Ngài Đạo Phái soạn, Phật Di Giáo Kinh Bổ Chú do Liễu Đồng bổ chú bản chú giải của Thủ Toại, Phật Di Giáo Kinh Luận Sớ Tiết Yếu, do Ngài Tịnh Nguyên tiết yếu, Ngài Châu Hoằng (Liên Trì) bổ chú. Đại sư Ngẫu Ích cũng căn cứ vào Di Giáo Kinh Luận của Thế Thân viết Di Giáo Kinh Giải. Thời cận đại, Thái Hư Đại Sư cũng có Phật Di Giáo Kinh Giảng Yếu. Hòa thượng Thánh Nghiêm hiện nay cũng có Phật Di Giáo Kinh Giảng Ký. Đây là những tài liệu quan trọng để hiểu rõ hơn về Kinh Phật Di Giáo. Xem Thích Thánh Nghiêm, “Liên Quan Đến Chú Giải Kinh Di Giáo”, trong Phật Di Giáo Kinh Giảng Ký, tr. 2.
[iii] Lý Thế Dân, Sắc Chỉ Thi Hành Kinh Phật Di Giáo.佛遺教經施行敕「其官宦五品已上,及諸州刺史,各付一卷。若見僧尼行業,與經文不同,宜公私勸勉,必使遵行。」Toàn Đường Văn, q. 9.