Cảm Xuân
Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng.
(Cuối Xuân-Thiền sư Thích Thanh Từ dịch)
Đây là bài thơ xuân của Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Ngài Điều Ngự Giác Hoàng. Bài thơ nói lên tâm cảnh của người trước khi ngộ và sau khi ngộ. Trước khi ngộ thì như kẻ “trẻ người non dạ”, chỉ biết hướng ngoại tìm cầu, tìm vui trong cảnh sắc muôn màu muôn vẻ:
Thuở trẻ chưa từ rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Sau khi ngộ thì như nhìn vạn pháp “đúng như nó là” (yathabutham-như thị tri kiến), nên có thể chánh niệm tỉnh giác, bát-nhã hiện tiền, tùy duyên nhưng bất biến. Cho nên bảo:
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng.
Nhờ trí bát-nhã mới khám phá được chúa xuân, tức nhận diện được mùa xuân chân thật, không đến không đi, không sinh không diệt, tức tự tánh như như, bất sinh bất diệt của vạn pháp. Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt.” (Chư pháp tùng bản lai, thường tự diệt tướng). Trong ngôn ngữ nhà thiền, mùa xuân chân thật hay mùa xuân bất diệt này còn gọi là “mùa xuân kiếp ngoại”. Một kiếp là một chu kỳ thành, trụ, hoại, không của thế giới. Mùa xuân này không nằm trong giới hạn thành trụ hoại không hay sinh trụ dị diệt, nên gọi là mùa xuân kiếp ngoại.
Tri ân tuyết lạnh mùa đông
Cho ta biết được hương nồng mai xưa
Dù trong bão tuyết, nắng mưa
Mùa xuân kiếp ngoại vẫn chưa phai màu!
(Xuân Xứ Tuyết-Sakya Minh-Quang)
Nhưng chẳng phải chỉ có “sắc chính là tánh không”, mà thật ra “tánh không chính là sắc”! Cho nên, Phật Pháp không phủ định giá trị tương đối của thế giới sinh diệt; không thấy tự tính bất sinh bất diệt bên ngoài hiện tượng sinh diệt. Điều này như sóng và nước. Ngoài nước không có sóng. Có nước mới có sóng. Vì vậy, Ngài Điều Ngự Giác Hoàng bảo:
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng.
“Thiền bản bồ đoàn” là bổn phận “phản quan tự kỷ” của người tu (phản quan tự kỷ bản phận sự). Người tu lúc nào cũng “bát-nhã trí được hiện tiền, Bồ-đề tâm luôn bất thoái”. Nhưng vì tâm đại bi, Bồ-tát vẫn “hòa quang đồng trần”, tùy duyên làm Phật sự để rộng độ chúng sinh. Đó chính là “ngắm cánh hồng”. Vì vậy, trước khi ngộ và sau khi ngộ thì đời sống của người tu nhìn bên ngoài dường như không khác, cũng đói ăn, khát uống, mệt ngủ v.v….. Tuy nhiên, tâm cảnh bên trong thật khác nhau trời vực! Cho nên, Thiền sư Duy Tín nói: “Lão Tăng ba mươi năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Sau này tham thiền, gặp thiện tri thức, có được chỗ vào, thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Hôm nay được chỗ nghỉ ngơi, thấy núi vẫn là núi, thấy sông cũng là sông.” (Chỉ Nguyệt Lục-Sakya Minh-Quang dịch). Bút giả từng diễn giải ý này qua bài thơ sau:
Núi là núi, sông là sông
Chấp có, lăng xăng niệm tây đông
Đụng núi, sa sông nhiều phen khổ
Gặp Thầy, tỉnh ngộ sắc là không!
+++
Núi chẳng núi, sông chẳng sông
Chiêm nghiệm duyên thành tự tánh không
Nếu chẳng một phen xương lạnh thấu
Sao được hương mai nhẹ cõi lòng?
+++
Núi vẫn núi, sông vẫn sông
Bao năm vất vả mới thong dong
Dạo núi chơi sông đều Tịnh Độ
Khác người danh tự chỉ nói không!
(Núi Sông Tịnh Độ-Sakya Minh-Quang)
Nhân dịp xuân về, đọc lại bài thơ “Cuối Xuân” (Xuân Vãn) của Trần Nhân Tông, Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, người viết ghi lại chút cảm ngộ của mình. Nhân đó cũng có bài “Cảm Xuân” để nói lên chỗ đồng cảm của mình với người xưa.
Pháo đỏ mai vàng... rộn rã thay
Lời ca tiếng nhạc, tiệc đêm ngày
Du xuân, nữ diện đồ sang đẹp
Viếng Tết, nam đua chúc phát tài.
Mãi bận nên quên đầu đã bạc
Ham vui nào biết mình đang say!
Xuân về hoa nở người tranh ngắm
Lặng lẽ giường thiền hỏi mấy ai?
(Cảm Xuân-Sakya Minh-Quang)
Xuân về hoa nở người tranh ngắm
Lặng lẽ giường thiền hỏi mấy ai?
Đây là Đạo phong của người xưa như Sơ Tổ Trúc Lâm, mà cũng là lời cảnh sách cho người tu ngày nay!
Sakya Minh-Quang
Viết tại Tổ Đình Thiện Tường ngày 12 tháng 02, 2024, sáng mùng 03 Tết Xuân Giáp Thìn.