top of page

       Cuộc Đời và Đạo Nghiệp 

      Của Pháp Sư Thích Đạo An

     Pháp sư Thích Đạo An 釋道安 (312-385), họ Vệ, người huyện Phù Liễu, Thường Sơn, nay thuộc huyện Ký tỉnh Hà Bắc. Ngài là bậc Cao tăng nổi tiếng thời Nam Bắc Triều nhà Ngụy Tấn (220-589) và là thầy của Tuệ Viễn 慧遠 (334-416), người được đời sau tôn là Sơ tổ tông Tịnh Độ. Đạo An cũng là người mở đường cho việc nghiên cứu tư tưởng Trung Quán Bát-nhã ở Trung Quốc, và có sự cống hiến đặc biệt đối     

với sự phát triển của Phật giáo về các phương diện như đào tạo tăng tài, phiên dịch kinh điển, phương pháp nghiên cứu, thành lập kinh lục, định chế sinh hoạt tăng ni v.v…. Có thể nói, Ngài là một trong những người đi tiên phong, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc nói riêng và Phật giáo Đại Thừa Đông Á sau này nói chung. Sau đây là chi tiết về cuộc đời và Đạo nghiệp của Ngài.

           Tướng mạo đen xấu, nhưng tâm trí thông tuệ

 

     Ngài Đạo An sinh ở Thường Sơn vào năm 312, nhằm Niên hiệu Vĩnh Gia thứ 6, đời Tây Tấn (265-316), trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời. Nhưng vì cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Ngài được người anh họ, họ Khổng nuôi dưỡng. Tướng mạo bề ngoài của Ngài tuy đen xấu nhưng vô cùng thông tuệ, nhất là có trí nhớ siêu phàm. Năm bảy tuổi Ngài bắt đầu đọc sách, chỉ cần đọc qua hai lần liền ghi nhớ.

     Năm mười hai tuổi Ngài phát tâm xuất gia. Ban đầu, Sư phụ thấy Ngài xấu xí nên không coi trọng, sai Ngài đi làm ruộng mà không cho học kinh. Đạo An tinh tấn, nghiêm trì giới hạnh, hoan hỷ làm mọi việc lao tác mà không có một chút thái độ bất mãn. Trải qua ba năm, Ngài mới xin Thầy cho mình được học kinh. Thấy đệ tử hết 

a5398794g7c59735c5f7c&690.jpg

lòng công quả phụng sự, Sư phụ tùy ý đưa Ngài quyển Kinh Biện Ý Trưởng Giả khoảng năm ngàn chữ bảo đọc. Làm việc ngoài đồng, Đạo An tranh thủ trong lúc nghỉ ngơi để đọc, thế mà đọc qua liền ghi nhớ toàn bộ. Chiều về, Ngài trả kinh lại cho Thầy và xin đổi đọc quyển kinh khác.  Sư phụ mới trách, bảo tại sao không chuyên tâm đọc mà lại đòi đổi kinh mới. Ngài trả lời: “Con đã đọc thuộc lòng.” Sư phụ tuy không tin, nhưng vẫn đưa cho Ngài quyển Kinh Thành Cụ Quang Minh gần mười ngàn chữ. Đạo An lại dùng thời gian nghỉ ngơi lúc lao tác ngoài đồng để đọc và ghi nhớ toàn bộ. Chiều về, Đạo An lại đem kinh trả thầy, thưa rằng đã đọc thuộc lòng.  Thầy không tin, bảo Đạo An đọc lại, còn mình tay cầm quyển kinh dò theo. Quả nhiên không sai một chữ. Sư phụ mới giật mình kinh ngạc, nhận ra đệ tử mình chẳng phải bậc tầm thường như tướng mạo bề ngoài, tiếc rằng mình đã làm mai một một nhân tài lớn trong suốt ba năm! Do đó, Sư phụ mới bắt đầu cho Ngài học kinh, sau cho phép Ngài thọ giới cụ túc, trở thành vị Tăng chính thức, rồi cho đi du phương tham học. Từ đó, Đạo An bắt đầu cuộc sống phiêu bạt, đi khắp nơi để tìm cầu thiện tri thức nhằm học hỏi Chánh Pháp.[1]

          Tìm được Minh Sư, tài cao đắc dụng

 

     Năm 335, nhằm Niên hiệu Hàm Khang thứ nhất, đời Tấn Thành Đế (321-342), Thạch Hổ (295-349) dời Đô về đất Nghiệp. Ngài Phật-đồ-trừng 佛圖澄 (Buddhacinga 232-348) cũng dời đến trú ở đây. Đạo An đến Nghiệp Đô vào ở chùa Trung Tự, thờ Ngài Phật-đồ-trừng làm thầy. Phật-đồ-trừng vô cùng quý trọng tài hoa của Đạo An, luôn khen ngợi và cùng Ngài suốt ngày đàm đạo. Nhưng trong chúng mọi người thấy Đạo An tướng mạo không đẹp, nên có ý coi thường. Ngài Phật-đồ-trừng bảo: “Người này có tài năng và nhận thức sâu xa, không phải bọn ông có thể so được!” Do đó mỗi lần giảng kinh, Phật-đồ-trừng đều yêu cầu Đạo An thuật lại một lần cho mọi người nghe. Đại chúng ban đầu vì không phục, nạn vấn đủ điều. Nhưng Đạo An ngôn từ lưu loát, lý luận chặt chẽ, ý tưởng sâu sắc, luôn giải đáp thỏa đáng những nghi ngờ. Từ đó, mọi người mới bắt đầu tin phục. Cho nên, đương thời mới có câu khen rằng: “Đạo nhân tướng đen xấu, kinh động người bốn phương” (Tất đạo nhân, kinh tứ lân).[2]

     Ngài Phật-đồ-trừng từng nói với Đạo An và các đệ tử: “Trong Kinh Phật day: ‘Muốn kiến lập Chánh Pháp nên gần gũi quốc vương để được hộ trì.’ Ta dùng đạo thuật thần thông khiến cho Thạch Lặc và Thạch Hổ cúi đầu tin phục, người Hồ quy y, và bách tính được lợi ích, nhờ đó Phật Pháp được hưng thịnh nhất thời. Nhưng thần thông pháp thuật này chỉ vì khiến những kẻ không thông hiểu đạo lý thâm sâu, có thể khởi lòng tin Phật, mà có tâm từ bi giới sát, nên mới phương tiện vận dụng. Nhưng nếu muốn người thâm nhập Phật Pháp, thâm cứu thật tướng, thì không thể dùng pháp thuật thần thông, mà cần phải nghiên cứu nghĩa lý Phật Pháp.”[3]

     Những lời dạy này đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách hoằng Pháp một đời của Pháp sư Đạo An. Ngài không dùng thần thông để mê hoặc tai mắt người thường mà chú trọng việc giới hạnh tu trì. Ngài không chuộng huyền đàm viễn vông, mà coi trọng việc nghiên cứu sâu xa nghĩa lý kinh Phật, từ đó hình thành nên đạo phong riêng mình, có sức thu hút lớn và mở ra một phong khí tu hành đương thời. Cao Tăng Truyện ghi: “Lúc đó, học giả phần lớn chấp thủ theo chỗ thấy nghe của mình [mà không chịu nghiên cứu kinh điển]. Đạo An mới than rằng: Bậc tông tượng tuy đã xa rồi, nhưng ý chỉ thâm sâu vẫn có thể tìm. Nên cứu xét tận cùng, tìm đến sâu xa, khiến lý vô sinh được tuyên dương nơi đời mạt, giúp bọn lưu lạc có gốc để trở về.”[4]

     Sau đó, Đạo An lại đến Lãnh Dịch (nay thuộc huyện Tấn ở Sơn Tây). Không lâu, lại đến núi Phi Long, núi Thái Hành, núi Hằng ở Hà Bắc, xây dựng chùa tháp nơi đây. Rất đông người nhờ đức giáo hóa của Ngài đã phát tâm xuất gia học đạo. Lúc này, Ngài Đạo An đã rất nổi tiếng.

           Đời tu phiêu bạt vẫn một lòng giáo dục Tăng tài

 

     Năm Ngài Đạo An bốn mươi lăm tuổi (357) Ngài trở lại Nghiệp Đô, trụ trì chùa Thọ Đô, đệ tử xuất gia có đến vài trăm. Lúc đó Thạch Hổ đã mất, Nhiễm Mẫn làm loạn, Đạo An mới dời về phía Tây núi Khiên Khẩu. Không lâu sau lại dẫn chúng đệ tử đến Vương Ốc, núi Nữ Lâm (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Trong vòng mười lăm năm sau khi Ngài Phật-đồ-trừng viên tịch (348), Đạo An và các đệ tử đều hoạt động hoằng Pháp ở một dãy Hà Bắc, Sơn Tây, vừa thiền tu vừa giảng dạy. Sau đó, vì tránh loạn Ngài qua sông đến Lục Hỗn (nay là huyện Tung tỉnh Hà Nam). Cuộc sống kham khổ của Thầy trò Đạo An được mô tả: “Sống trong núi, ăn dưới cây, chuyên tu học” (山栖,木食,修学). Cho dù phải phiêu bạt khắp nơi và chịu nhiều vất vả, nhưng Đạo An vẫn trong động cầu tịnh, trong lúc bôn ba vẫn tập họp đồ chúng để giảng dạy. Lúc đó đệ tử theo Ngài đã có hơn năm trăm người như Trúc Pháp Thái (竺法汰320-387) và Tuệ Viễn (慧遠334-416).

 

           Nặng lòng hoằng Pháp, khuyên trò rời thầy hành Đạo

 

     Đạo An là người nặng lòng hoằng Pháp báo ân. Khi thấy những đệ tử mình đã có những thành tựu nhất định, Ngài khuyên mọi người nên tùy theo khả năng và nguyện lực của mình đi các nơi hoằng Pháp. Một hôm, Đạo An tập họp đồ chúng, bảo rằng: “Chúng ta gần đây gặp thời loạn lạc, may mắn ẩn tu trong núi rừng, sống yên tĩnh xa rời thế tục, đối với việc tu riêng mình tự nhiên rất tốt. Nhưng muốn khuông phò Đại Pháp, khiến Phật Pháp lưu truyền nơi đời, Pháp luân thường chuyển, đâu thể riêng tu trong sơn môn như thế này? Tôi cảm thấy mọi người nên tùy theo nguyện lực của mình mà đi hoằng Pháp các phương, như vậy mới có thể báo đáp ân Phật.” Mọi người nghe xong, ai cũng tán thành và bắt đầu chia nhau đi các phương hoằng Pháp.[5]  

     Điều này làm chúng ta nhớ lại, khi đức Phật mới thành Đạo, chuyển Pháp luân lần thứ nhất, độ năm huynh đệ Kiều-trần-như thành năm vị A-la-hán đầu tiên, Ngài cũng khuyên các đệ tử mỗi người hãy đi về một hướng để có thể giảng dạy Chánh Pháp cho nhiều người hơn. 

           An Cư Độ Chúng Đất Phương Nam

   

     Đạo An đến Lục Hỗn không lâu, họ Mộ Dung đánh chiếm Hà Nam, Đạo An dẫn đồ chúng xuôi về phương Nam đến Tân Dã. Sau đó, vào năm 365, nhằm Niên hiệu Tân Ninh thứ 3, đời Đông Tấn Ai Đế, Ngài đến Lạc Dương mới có thể tuyên dương Phật Pháp trở lại. Từ đó, học sĩ trong bốn phương tranh nhau đến cầu học với Ngài. Về sau, Hoàn Hoát (桓豁 320-377) là Chinh Tây Tướng Quân trấn thủ ở Giang Lăng mời Đạo An về trụ ở Giang Lăng, nhưng Chu Tự (朱序 ?-393) là trấn thủ phía tây vùng Tương Dương lại mời Ngài đến trụ ở Tương Dương. Đạo An trước đến ở chùa Bạch Mã ở Tương Dương. Vì chùa nhỏ chật không đủ chỗ ở cho Tăng chúng, nên dưới sự cúng dường hộ trì của các nhà quyền quý, Ngài mới cho xây chùa Đàn Khê có hơn bốn trăm gian Tăng xá. Đồng thời, Ngài còn cho xây một tòa tháp Phật cao năm tầng. Kể từ đó, Đạo An kết thúc cuộc đời trường kỳ lưu lạc.

     Pháp sư Đạo An đến Tương Dương truyền Pháp mười lăm năm, mỗi năm đều giảng Kinh Phóng Quang Bát-nhã. Vua Tiền Tần là Phù Kiên đánh chiếm Tương Dương (379), ép mang Đạo An đến Trường An. Lúc đó, Đạo An lần thứ hai phân tán đồ chúng vì hoàn cảnh thời cuộc, mà cũng vì nhu cầu hoằng Pháp các nơi. Đệ tử của Đạo An là Tuệ Viễn cũng nhân dịp này đến định cư nơi Lư Sơn, dựng lập Đạo tràng, giáo hóa đồ chúng, chuyên tu Tịnh Độ, vang danh một thời.

           Tốn Vạn Quân Chỉ Được Một Người Rưỡi

     Sau khi Đạo An đến Trường An (379), vua Tần là Phù Kiên 苻堅 (338-385) nói: “Ta dùng mười vạn quân đánh chiếm Tương Dương, kết quả chỉ có được một người rưỡi. Ngài Đạo An là một người, còn Tập Tạc Sĩ là nửa người!” Do đó có thể thấy, Phù Kiên kính trọng Đạo An như thế nào.

     Chúng ta cũng cần biết thêm vài điều về mối quan hệ giữa Tập Tạc Sĩ và Thích Đạo An. Tập Tạc Sĩ là một Danh sĩ đương thời, tinh thâm Nho học, rất giỏi văn chương, thi phú. Khi đến thăm Ngài Đạo An, ông tự giới thiệu mình:

     - Tứ hải Tập Tạc Sĩ (Bốn biển Tập Tạc Sĩ).

Câu này có thể hiểu: Tôi là Tập Tạc Sĩ lừng danh bốn biển! Trong khẩu khí có phần ngạo mạn.

Nghe vậy, Ngài Đạo An liền đáp:

     - Di Thiên Thích Đạo An (Trùm Trời Thích Đạo An).

Câu này có ý: Còn tôi là Thích Đạo An, có Phật Pháp bao phủ cả trời!

     Tập Tạc Sĩ tín phục trước sự nhanh trí và sâu sắc của Ngài. Đứng về mặt văn chương, “trùm trời” đối với “bốn biển” là quá chuẩn. Đứng về mặt ẩn ý, “bốn biển” tuy lớn nhưng vẫn nằm trong “vòm trời” trí tuệ Phật Pháp của Thích Đạo An! Sau đó, càng gần gũi, càng bàn luận, Tập Tạc Sĩ càng kính trọng đạo hạnh và tri thức quán thông kim cổ của Đạo An. Tập Tạc Sĩ từng nói: “Đến đây gặp Thích Đạo An hơn xa những Đạo sĩ phi thường. Thầy trò mấy trăm người đều tinh tấn giảng kinh không biết mệt. Đạo An tuy không có thuật biến hóa có thể làm mê mờ tai mắt của thường nhân (thần thông), cũng không có uy lớn thế mạnh (thế lực chính trị) để chỉnh lý sự sai biệt của những người nhỏ, nhưng Thầy trò của Ngài đều trang nghiêm, tôn kính lẫn nhau một cách tự nhiên.”[6]

     Vua Tần Phù Kiên ngoài việc hỏi Phật Pháp, còn thỉnh ý Ngài về việc chính sự. Đạo An với lý niệm “Phật Pháp muốn hưng thạnh, cần phải nhờ vào sự trợ giúp của quốc vương,” nên bất đắc dĩ phải gần gũi, qua lại với vua Tiền Tần. Đạo An hoằng Pháp nơi Chùa Ngũ Trùng, Tăng chúng theo học lên đến số vài ngàn người.

 Tư tưởng Phật học

     Về tư tưởng Phật học, Đạo An y cứ vào việc đọc và so sánh những bản dịch khác nhau của Đại Phẩm và Tiểu Phẩm Bát-nhã để chỉnh lý và sắp xếp lại hệ thống lý luận của Kinh Bát-nhã. Tăng Duệ (僧叡  ?-?), một trong “Quan Trung Tứ Thánh”, học trò xuất sắc của Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajīva 344-413), gọi đó là “Tông Tánh Không”, còn Đàm Tế ( 曇濟 ?-?) đời Lưu Tống trong quyển Lục Gia Thất Tông Luận gọi đó là “Tông Bổn Vô”. Từ “bổn vô” có gốc từ tiếng Phạn Tathatā, dịch là “như”. Đạo An trong Bài Tự Kinh Đạo Hành bảo: “Chấp nơi đạo, nắm cái có, thì có thấp cao khác nhau. Đây là phạm trù hữu vi, không phải là nương chân như, dạo pháp tánh, âm thầm không tên. Nương chân như, dạo pháp tánh, âm thầm không tên, đây là chỗ huyền ảo của Trí Độ (Bát-nhã Ba-la-mật)” (執道御有,卑高有差,此有為之域耳,非據真如、游法性,冥然無名也。據真如,游法性,冥然無名者,智度之奧室也).

     Trong bài Tựa Lược Giải Hợp Kinh Phóng Quang và Quang Tán Bát-nhã, Ngài nói: “Bát-nhã Ba-la-mật là gốc đạo vô thượng chánh chân. Chánh là bình đẳng, là nhập bất nhị. Đạo bình đẳng có ba nghĩa: (1) pháp thân, (2) như và (3) chân tế. Cho nên Kinh Bát-nhã lấy như làm mở đầu, lấy pháp thân làm tông thú. Như là như vậy, bản mạt bình đẳng như vậy, không thể khiến nó không như vậy. Phật dù có ra đời hay tịch diệt, nó vẫn thường tồn như vậy, tự do không dựa vào đâu, nên gọi là như. Pháp thân là một, là thường tịnh, có không đều thanh tịnh, chưa từng có tên. Cho nên, [Bát-nhã] ở nơi giới thì không có giới, không có phạm giới, ở nơi định thì không có định, không có loạn; ở nơi trí thì không có trí, không có ngu. Quên hết như vậy, dứt sạch hai ba, sáng sạch không nhiễm nên gọi là tịnh, là đạo thường. Chân tế là không có dính mắc (vô sở trước), rỗng rang không động, trong lặng huyền tề, không làm mà không có gì không làm (vô vi dã vô bất vi dã). Muôn pháp hữu vi nhưng pháp này sâu lặng, nên nói vô sở hữu là chỗ chân thật của pháp.”

     Có thể nói Ngài là người thâm ngộ ý chỉ Kinh Bát-nhã. Kiến giải này được kế thừa bởi cao đồ của Đạo An là Ngài Tuệ Viễn. Tuệ Viễn lại hấp thu lý luận hệ Trung Quán “chẳng phải có, chẳng phải không” của Cưu-ma-la-thập. Tuệ Viễn trong Bài Tự Chép Đại Trí Luận tiến thêm một bước, lấy lý luận pháp tánh làm chủ.

 Những cống hiến kiệt xuất

     Đạo An có địa vị vô cùng trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Hán Truyền vì những sự cống hiến kiệt xuất của mình.

 

    1. Ghi Lại Thư Mục Kinh Phật

   

     Từ đời Hán, Ngụy đến đời Tấn, kinh điển phiên dịch đã nhiều, nhưng người phiên dịch phần lớn không ghi tên. Người sau truy tìm thực khó biện biệt đâu là chân ngụy, cũng như niên đại phiên dịch. Đạo An là người đầu tiên giải quyết vấn đề này. Ngài biên quyển Tông Lý Chúng Kinh Mục Lục 綜理眾經目錄, còn được gọi là Đạo An Lục hay An Lục, xác định niên đại, chú rõ dịch giả, biện biệt chân ngụy, đánh giá ưu liệt, trở thành tiêu chuẩn để những bộ kinh lục đời sau noi theo.

2. Phương pháp nghiên cứu hợp bản

     Ngài là người xét lại và bỏ dùng phương pháp cách nghĩa 格義 để lý giải và phiên dịch từ ngữ Phật Pháp. Ngài đề xướng dùng phương pháp hợp bản 合本, nhằm trả lại bản ý nghĩa lý của Phật giáo. Cách nghĩa là mượn từ ngữ và tư tưởng có sẵn của Trung Quốc như huyền học của Đạo gia để dịch và hiểu kinh điển Bát-nhã. Ví dụ, dùng khái niệm bản vô hay tự nhiên để biểu đạt tánh không của Phật giáo. Còn phương pháp hợp bản là so sánh đối chiếu những bản dịch khác nhau của kinh Phật, nhằm tìm hiểu ý nghĩa mà từ ngữ Phật Pháp diễn đạt trong dòng tư tưởng và văn hóa Phật giáo (within the Buddhist context). Nói khác đi, đây là một cách “dùng kinh giải kinh” (dĩ kinh giải kinh), hay trong ngôn ngữ hiện đại là “dùng Phật Pháp nghiên cứu Phật Pháp. Một đời Đạo An lấy nghiên cứu Kinh Bát-nhã làm trung tâm. Ngài có được thành quả lớn đương thời là nhờ vào phương pháp nghiên cứu cải tiến này. Cũng nhờ dùng phương pháp nghiên cứu hợp bản, Đạo An đặc biệt xem trọng việc sưu tập những dịch bản bất đồng. Cũng nhờ đây, Ngài có cơ sở để soạn quyển Tông Lý Chúng Kinh Mục Lục và tổ chức dịch trường sau khi vào Tràng An.

3.  Quan niệm và lý luận về dịch kinh

     Đạo An rất coi trọng việc phiên dịch kinh điển, từng tổ chức dịch trường, viết lời tự, bình luận hay dỡ, biên tập mục lục. Bàn về việc khó khăn của dịch thuật, Ngài có chủ thuyết “ngũ thất bản, tam bất dị” nổi tiếng. Ngài yêu cầu người dịch phải cẩn thận chu đáo, suy xét tới lui để có thể thấu đáo chỗ sâu kín của kinh điển.

     Ngũ thất bản là năm điều đánh mất nguyên bản khi phiên dịch:

      1. Cú pháp Phạn văn phần nhiều ngược với câu tiếng Hán, khi dịch thành Hán Văn, dễ đánh mất nghĩa gốc.

      2. Phạn văn coi trọng sự chất phác, Hán văn thích trau chuốt, nhưng nếu thiếu văn vẻ thì khó thu hút lòng             người. Vì sự trau chuốt của Hán văn, có thể đánh mất nghĩa gốc của Phạn văn. 

      3. Phạn văn trong kinh Phật thường có lời tán tụng trùng lặp, hay lời dặn dò lặp đi lặp lại. Hán văn lược bớt,             có thể làm tổn nghĩa gốc.

      4. Phạn văn kinh Phật thường trước dùng văn xuôi thuật sự, lại dùng kệ tụng để khát quát. Dịch văn lược bỏ           trùng tụng, cũng làm tổn nghĩa gốc.

      5. Phạn văn kinh Phật sau khi thuật xong một việc, trước khi nói đến việc khác, liền lặp lại văn trước một lần            nữa. Nhưng khi dịch ra Hán văn, lại bỏ hết chỗ trùng lặp, dễ mất đi nghĩa gốc (7).

  

   Còn “Tam bất dị” là ba việc không dễ khi phiên dịch:

       1. Kinh điển là do đức Phật nói ra trong một thời kỳ nhất định. Xưa và nay phong tục khác nhau, muốn bỏ              cái đẹp của thời xưa để thích hợp với đời nay, vừa yêu cầu phải chân thật, vừa muốn ai ai cũng hiểu, là              điều không dễ.

       2. Đối với trí tuệ vô thượng chánh đẳng của đức Thế Tôn người phàm ngu khó mà tin nhận. Muốn truyền lại            lời dạy vi tế từ hơn ngàn năm trước sao cho phù hợp với phong tục của một trăm đời vua sau, là điều                không dễ.

       3. Tôn giả A-nan tuyên kinh cách Phật không lâu. Tôn giả Đại Ca-diếp liền khiến năm trăm vị A-la-hán thần            thông thẩm xét, ghi nhận. Các bậc A-la-hán đối với kinh điển còn cẩn trọng như thế đó, trong khi mình là            kẻ sinh tử mà lại coi việc dịch kinh là bình thường như thế này.  Ngày nay, lấy ý cạn của kẻ phàm để đánh            giá cảnh giới thoát tục của A-la-hán cả ngàn năm trước là điều không dễ.

     Sau khi đắn đo suy nghĩ, Đạo An thiên hướng về trực dịch, chủ trương văn dịch nên cầu chân thật, không nên lược bỏ hay trau chuốt. Quan điểm này đối với việc phiên dịch kinh Phật đời sau sinh ra tác dụng tích cực.

      4. Chia kinh điển làm ba phần

     Đạo An chia kinh điển ra làm ba phần: Phần tự, phần chánh tông, và phần lưu thông để giải thích văn kinh. Điều này giống hiện nay chúng ta chia một bài văn ra ba phần: mở bài, thân bài và kết luận. Nhưng đương thời có nhiều người phản đối, cho là Ngài tự đặt ra, cố ý làm mới lập dị. Sau đó, khi sách Phật Địa Kinh Luận được truyền đến Trung Quốc và dịch ra chữ Hán, trong đó có thuyết phân tích kinh làm ba phần, mới chứng thực cho trí tuệ đi trước thời đại của Đạo An, khế hợp chỗ sâu xa của Phật Pháp. Mô thức chia kinh làm ba phần này sau đó đã trở thành quy phạm cho việc phân tích kinh Phật. Gần đây, Hòa Thượng Thích Tinh Vân, Tông chủ Phật Quang Sơn ở Đài Loan, cũng có lời bình: “Pháp sư Đạo An đời Đông Tấn luôn chia mỗi bộ kinh Phật làm ba phần: phần tự, phần chánh tông, và phần lưu thông. Phần tự như đầu, phần chánh tông như thân, còn phần lưu thông như chân. Pháp sư Đạo An phân tích và phán định như vậy, mọi người đều khen: ‘Di Thiên cao phán, kim cổ đồng tuân’ (Đạo An phán cao minh, xưa nay đồng kính tin.)”[7]

     5. Khai sáng Tịnh Độ Di-lặc ở Trung Quốc

     Đạo An tu tập Pháp môn Tịnh Độ Đâu Suất, từng lập thệ trước tượng Di-lặc, nguyện sinh về nội viện cung trời Đâu Suất là Tịnh Độ của Bồ-tát Di-lặc, sau này sẽ cùng tham dự ba hội Long Hoa cùng đức Phật Di-lặc, hộ trì Phật Pháp, rộng độ chúng sinh. Tương truyền, khi sinh tiền Đạo An từng hỏi một vị dị tăng về chỗ sinh của mình. Vị tăng này liền dùng tay vẹt phía trời Tây bắc, mây liền tản ra, hiện rõ cảnh trang nghiêm thù thắng của trời Đâu Suất. Đêm đó, mấy mươi người trong chúng đều cùng trông thấy. Xét lúc Ngài ra đi một cách tiêu sái tự do, chắc chắn rằng Ngài đã thành tựu nguyện xưa.

 

      6. Chế định quy cũ sinh hoạt cho cho Tăng Ni

      Với sinh hoạt Tăng đoàn, đồ chúng đông đảo, nhiều khi đến cả ngàn người, người lãnh đạo phải có quy chế để quản lý và điều hành, nhằm đảm bảo mọi người giới luật nghiêm minh, oai nghi đầy đủ, giúp Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp. Cho nên, Đạo An chế định sách Tăng Ni Quy Phạm 僧尼規範, Phật Pháp Hiến Chương 佛法憲章 để làm quy tắc sinh hoạt và hoạt động cho Tăng đoàn. Sau đó, những quy tắc Tăng đoàn này lưu truyền và phổ biến đến các chùa, trở thành tiêu chuẩn chung cho Tăng Ni noi theo. Chín Bài Răn Để Lại Cho Đệ Tử Xuất Gia (Đạo An Pháp Sư Di Giới Cửu Chương) cũng cho thấy Ngài là người có yêu cầu rất cao đối với đệ tử xuất gia. Đối với Ngài, người xuất gia phải có lý tưởng giải thoát giác ngộ, hoài bão hoằng Pháp lợi sinh, và chân thật tu giới định tuệ.

 

      7. Xác lập họ Thích

     Sa-môn thời Ngụy Tấn của Phật giáo Trung Quốc đều lấy theo họ Thầy nên mỗi người thường có họ khác nhau. Đạo An cho rằng đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị Thầy gốc (bổn sư) cũng là Cha lành (từ phụ) của tất cả người xuất gia. Cho nên, Ngài chủ trương người xuất gia dùng họ Thích. Ngài cũng là người đầu tiên đổi từ Trúc Đạo An thành Thích Đạo An. Ban đầu, cũng có không ít người phản đối, cho là “tiêu tân lập dị” (bày mới lập dị). Nhưng sau khi Kinh Tăng Nhất A-hàm được Đàm-ma Nan-đề dịch ra Hán văn năm 384, quả nhiên có câu: “Tứ hà nhập hải, vô phục hà danh. Tứ tánh xuất gia, đồng xưng Thích tử” (Bốn sông về biển, bỏ mất tên riêng; bốn họ xuất gia, đồng con họ Thích,” nên mọi người mới lần lần chấp nhận vì hợp với kinh điển.[8] Từ đó, người xuất gia ở Trung Quốc và sau này các nước Đại Thừa Đông Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên…, chịu ảnh hưởng của kinh điển Hán truyền, cũng lấy họ Thích làm định chế, đến nay đã hơn một ngàn sáu trăm năm.  

     Thực ra, Kinh Tăng Nhất A-hàm đối với Sa-môn Phật giáo gọi chung là “họ Thích” là vấn đề còn cần phải thảo luận. Thuở Phật còn tại thế, các đệ tử sau khi xuất gia đều vẫn giữ nguyên tục danh của mình như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp v.v…. Đương thời chư Tăng từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng không có ai họ Thích cả. Ví dụ, Bồ-đề-đạt-ma, Phật-đồ-trừng, Cưu-ma-la-thập v.v…. Các Ngài có vị dùng họ Trúc để biểu thị từ Thiên Trúc Ấn Độ đến, có vị dùng Phật, Pháp, hay Tăng làm họ. Hai vị được ghi nhận là người xuất gia đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc là Chu Sĩ Hành và Nghiêm Phật Điều cũng không mang họ Thích. Thực ra, chữ “tứ tánh” trong Kinh Tăng Nhất A-hàm nên hiểu là “bốn tập cấp xã hội” cha truyền con nối, mà không phải là “bốn họ.” Bởi lẽ, Ấn Độ không chỉ có bốn họ, còn “tứ tánh” là chỉ bốn tập cấp xã hội kế thừa: Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Thủ-đà-la.

     Cho nên, người xuất gia đổi họ thành họ Thích có lẽ là sáng kiến riêng của Ngài Đạo An, mà không phải là cách làm của thời Phật tại thế hay ở Ấn Độ sau này. Nhưng đây là sáng kiến rất hay, nhằm hòa hợp chư Tăng thành một khối thống nhất trong đại gia đình Phật Pháp, lấy Phật làm Cha, lấy Pháp làm Mẹ. Đây là khế cơ, phù hợp văn hóa xã hội Đông Á.

     Về mặt Pháp nghĩa, quan hệ giữa đức Phật và đệ tử thường được xem là quan hệ giữa Cha và Con. Ví dụ, trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ thứ ba nói về Cha cứu con trong nhà lửa, phẩm Tín Giải thứ tư nói về cùng tử gặp lại người Cha giàu có thuở xưa, và phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ mười sáu nói về người Cha là thầy thuốc phải giả chết cho con uống thuốc v.v....

  Những tác phẩm của Đạo An

     

1. Trước tác

     Đạo An nghiên cứu tinh thâm Bát-nhã, trước tác nhiều tác phẩm liên quan như: Phóng Quang Chiết Trung Giải, Phóng Quang Bát-nhã Tích Nghi Chuẩn, Quang Tán Sao Giải, Thật Tướng Nghĩa, Tánh Không Luận v.v…. Ngoài ra, Ngài còn chú thích kinh điển gồm hai mươi hai quyển, tham dự phiên dịch Kinh A-hàm và Phật Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ v.v…. Tuy nghiên cứu chính là Kinh Bát-nhã, nhưng Ngài cũng tinh thông A-hàm, A-tỳ-đạt-ma. [9] Ngài Đạo An có nhiều tác phẩm giá trị, nhưng tiếc rằng hiện nay phần lớn đã mất. Ví dụ, sách Thật Tướng Luận, được Lục Trừng đời Lưu Tống ghi lại trong sách Pháp Luận Pháp Tánh Tập của mình. Nhưng hiện nay sách này chỉ còn phần mục lục, thấy ghi ở quyển 12 sách Xuất Tam Tạng Ký Tập của Tăng Hựu. Ngoài ra, một bộ sách giá trị khác của Ngài là Tông Lý Chúng Kinh Mục Lục còn được ghi rõ tình hình cơ bản để tham khảo trong sách Xuất Tam Tạng Ký Tập của Tăng Hựu. Học giả Nhật Thường Bàn Đại Định từng khôi phục mục lục của sách Tông Lý Chúng Kinh Mục Lục. Ngoài những trước tác trên, Đạo An còn viết rất nhiều bài tựa cho có bản kinh dịch đương thời.

2. ​Bài Tựa của các bản kinh

     Đạo An viết nhiều bài tựa (tự) hay lời nói đầu cho các bản kinh đương thời như “Chú Thích Kinh An-ban Thủ Ý Tự”, “Ấm Trì Nhập Kinh Tự”, “Nhân Bản Dục Sinh Kinh Tự”, “Liễu Bản Sinh Tử Kinh Tự”, “Thập Nhị Môn Kinh Tự”, “Đại Thập Nhị Môn Kinh Tự”, “Đạo Hành Kinh Tự”, “Lược Giải Hợp Phóng Quang, Quang Tán Tự”, “Tăng Nhất A-hàm Kinh Tự”, “Đạo Địa Kinh Tự”, “Thập Pháp Cú Nghĩa Kinh Tự”, “A-tỳ-đàm Kinh Tự”, “Thập Tứ Quyển Tỳ-bà-sa Tự”, “Tiệm Bị Kinh Thập Trụ Hồ Danh Tịnh Thư Tự”. Những bài tựa này, Tăng Hựu trong sách Xuất Tam Tạng Ký Tập ghi là “không rõ tác giả”, nhưng học giả cận đại Thang Dụng Đồng cho rằng là do Đạo An soạn. Những tác phẩm trên đều còn, được lưu giữ trong Xuất Tam Tạng Ký của Tăng Hựu.

 

      3. Thư Từ Qua Lại

      Gồm có những thư từ mà Đạo An hồi đáp bạn đồng học là Trúc Pháp Thái liên quan đến những câu hỏi như thế nào là ba thừa, sáu thông, và thần là gì v.v…. Hiện nay đều đã mất.

 

   An Nhiên Thị Tịch

 

     Vào ngày mùng tám tháng hai năm 385, nhằm Niên hiệu Thái Nguyên thứ 10, đời Tấn Hiếu Vũ Đế, Đạo An bỗng bảo Đại chúng: “Ta sắp ra đi.” Sau khi thọ Ngọ trai xong, Ngài không bệnh mà an lành viên tịch, hưởng thọ bảy mươi bốn tuổi.

   Xưa nay đánh giá công nghiệp

   

     Sự cống hiến của Đạo An đối với sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc có thể nói công cao cái thế, đức trùm bốn biển. Cho nên, từ xưa đến nay có rất nhiều đánh giá và xưng tán về Đạo nghiệp của Ngài. Tấn Hiếu Vũ Đế xuống chiếu khen rằng: “Pháp sư Đạo An khí lượng và kiến thức siêu luân, văn phong và ngôn vận trong sáng, ở nơi đạo mà dạy hàng tục, chứng ngộ và công tích đều nổi bật, đâu chỉ làm khuôn phép để cứu giúp đời nay, mà còn là thuyền bè tiếp dẫn ở tương lai.”[10]

     Pháp sư Cưu-ma-la-thập khen ngợi Ngài là “Thánh nhân phương Đông.” Như sách Ngụy Thư, phần “Thích Lão Chí” có ghi: “Lúc đó Tây Vực có Sa-môn người Hồ tên Cưu-ma-la-thập. Ông là người thông đạt Phật Pháp. Đạo An muốn cùng La-thập bàn luận kinh Phật, thường khuyên vua Phù Kiên mời La-thập đến. La-thập cũng được Đạo An viết thư thăm hỏi. La-thập cho rằng đó là “Thánh nhân phương Đông”, có lúc từ xa bái vọng tỏ lòng kính trọng.”[11]

     Học giả cận đại Lương Khải Siêu bình luận: “Giả sử Phật giáo chúng ta mất đi một Thích Đạo An, thì việc có thể trở thành một nước lớn hay không, tôi không dám nói.”[12]

 

        Kết Luận

     Tóm lại, người xưa nói: “Lấy sử làm gương, có thể biết được sự hưng suy” (Dĩ sử vi giám, khả dĩ tri hưng thế). Cuộc đời và Đạo nghiệp của Pháp sư Đạo An là một bài học lịch sử vô cùng quý giá. Ngài đã viết nên những trang sử vàng son cho Phật giáo đương thời. Cũng vậy, người con Phật đang sống và hành Đạo hiện nay cũng đang viết những trang sử cho Phật giáo ở tương lai. Người sau sẽ đánh giá về công tội của chúng ta trên những trang sử huy hoàng hay hoen ố mà mình viết ra, cũng như chúng ta đang đọc và đánh giá lại những trang sử mà người xưa để lại.

    Nhân dịp giới thiệu bản dịch Lời Cảnh Sách Để Lại Môn Nhân của Pháp sư Đạo An, bút giả biên soạn lại cuộc đời và công nghiệp của Ngài, mục đích chính là cảnh sách lấy mình và kết duyên cùng các huynh đệ đồng tu. Cuộc đời và Đạo nghiệp của Pháp sư Đạo An cũng chính là phần thân giáo cảnh sách, bổ túc cho phần ngôn giáo cảnh sách của Ngài, một nội dung chính trong quyển Phật Tổ Cảnh Sách.  

 

        Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

       Tu Viện Thiện Tường ngày 11 tháng 05, năm 2018

        Hậu học Sakya Minh-Quang biên soạn

----------------------------------------------------------------

[1] Tham khảo Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr.351c.

[2] Tham khảo Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr.351c. 《高僧傳》「澄見而嗟歎。與語終日。眾見形貌不稱。咸共輕怪。澄曰。此人遠識非爾儔也。因事澄為師。澄講安每覆述。眾未之愜。咸言。須待後次當難殺崑崙子。即安後更覆講疑難鋒起。安挫銳解紛行有餘力。時人語曰。漆道人驚四隣。[31]于時學者多守聞見。安乃歎曰。宗匠雖邈玄旨可尋。應窮究幽遠探微奧。令無生之理宣揚季末。使流遁之徒歸向有本」(CBETA, T50, no. 2059, p. 351, c15-23).

[3] Xem Trung Quốc Phật Giáo Cao Tăng Toàn Tập, “Đạo An Đại Sư Truyện”.

[4] Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr. 351. 「于時學者多守聞見。安乃歎曰。

[5] Xem Trung Quốc Phật Giáo Cao Tăng Toàn Tập, “Đạo An Đại Sư Truyện”.

[6] 《高僧傳》「來此見釋道安。故是遠勝非常道士。師徒數百齋講不倦。無變化伎術可以惑常人之耳目。無重威大勢可以整群小之參差。而師徒肅肅自相尊敬。洋洋濟濟乃是吾由來所未見。」Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng, q. 50, kinh 2059, tr. 352c.

[7] Xem Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác, Sakya Minh-Quang dịch. 東晉時的道安法師把每部佛經都分作三分,就是所謂序分、正宗分、流通分。序分如頭,正宗分如身,流通分如腳。道安法師這樣分判,大家都稱讚說:「彌天高判,今古同遵。」可見這分判的高明。

[8] Cao Tăng Truyện《高僧傳》「後獲增一阿含。果稱四河入海無復河名。四姓為沙門皆稱釋種」Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr. 353a-c.

[9] Xem Trung Quốc Phật Giáo Cao Tăng Toàn Tập, “Đạo An Đại Sư Truyện”.

[10] 《高僧傳》「晉孝武皇帝。承風欽德遣使通問。并有詔曰。安法師器識倫通風韻標朗。居道訓俗徽績兼著。豈直規濟當今。方乃陶津來世」Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr. 352c20-22.

[11]《魏書》卷一一四,〈釋老志十〉第二十:「時西域有胡沙門鳩摩羅什,思通法門,道安思與講釋,每勸堅致羅什。什亦承安令問,謂之東方聖人,或時遙拜致敬。」。

[12] Lương Khải Siêu 梁啟超,Phật Giáo Giáo Lý Tại Trung Quốc Chi Phát Triển佛教教理在中國之發展, chương Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên佛學研究十八篇, Trung Hoa Thư Cục, 1956, tr. 3.

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page