Cùng Tử Về Lại Mái Nhà Xưa
Nhân dịp có Phật tử Quy Y trong lễ Tạ Ơn Rằm Tháng Mười tại Thiền Đường Bát-Nhã ngày 06 tháng 12 năm 2015, đề tài thuyết giảng hôm nay là "Cùng Tử Về Lại Mái Nhà Xưa." Chủ đề này lấy ý tưởng từ Phẩm Tín Giải thứ tư trong Kinh Pháp Hoa. Phẩm Kinh này ghi: Khi các đệ tử nghe đức Phật giảng xong, phát tâm Bồ Đề, tin nhận Đạo Vô Thượng đã ví mình như đứa con mồ côi, nghèo cùng khốn khổ phải lang thang ăn xin ở đầu đường xó chợ, lấy cơm thừa canh cặn cho đó là ngon. Nhưng người đó có phải thực sự mồ côi và nghèo khổ không? Hoàn toàn không! Thực ra, anh ta có Cha là một vị trưởng giả giàu có vô lượng. Từ bé vì lạc Cha, quên mất lối về, anh cũng lần lần quên luôn gốc gác của mình. Suốt năm mươi năm dài, một hôm anh lang thang ăn xin, tình cờ trở lại mái nhà xưa. Anh gặp Cha mà như người xa lạ, bởi Cha mình giàu có và uy đức bao nhiêu còn mình lại nghèo khổ và hạ tiện bấy nhiêu. Còn Cha thấy con thì liền nhận ra. Cha cho người giữ con mình lại, thì người con lại sợ hãi chết ngất, vì cho rằng mình sẽ bị bắt hay bị giết. Cha mới dùng phương tiện khéo, cho người nghèo khổ giống con, rủ con về nhà làm thuê những việc hạ tiện như hốt phân v.v.... Nghe vậy, người con mới thấy "make sense" (hợp lý) và bằng lòng làm thuê cho ông trưởng giả, mà không biết đó chính thực là Cha mình. Vì muốn gần gũi, dạy dỗ con mình bỏ "tâm hạ liệt", Cha đã cỡi bỏ chiếc áo sang đẹp và châu báu trang sức quý giá, mặc lên mình chiếc áo dơ rách để dễ tiếp xúc với con. Suốt hai mươi năm Cha đã dạy cho con từ việc nhỏ đến việc lớn trong nhà, và cuối cùng giao cho quản lý mọi công việc. Nhờ đó, "tâm hạ liệt" của con lần lần không còn. Trước khi Cha mất, Cha tập hợp thân thuộc, trước mọi người tuyên bố rằng: "Đây chính thực là con ta, ta thực là cha nó. Gia tài này toàn bộ giao phó cho con!'
-
Thăm Lại Diệu Đế
-
Tịnh Nghiệp Mười Thương
Các đệ tử Phật nêu ví dụ xong kết luận, hôm nay mới tin và hiểu (tín giải) mình thực sự là con Phật (Phật tử) vì có thể thành Phật; Lại nói tiếp, con Phật phải là người:
"Sinh ra từ miệng Phật (tùng Phật khẩu sinh)
Hóa sinh từ Pháp Phật (tùng Pháp hóa sinh)
Được phần Pháp của Phật (đắc Phật Pháp phần)
Mới thực là con Phật (thị chân Phật tử)."
Nói khác đi, con Phật là người được sinh ra trong Nhà Phật Pháp từ lòng tin Phật qua lời dạy của Ngài (từ miệng Phật sinh.) Con Phật cũng là người không ngừng trưởng thành về mặt trí tuệ và đức hạnh nhờ nghe Pháp, tư duy và tu tập (văn tư tu). Đây gọi là hóa sinh từ Pháp Phật (tùng Pháp hóa sinh). Cuối cùng, con Phật là người phải chứng nghiệm hạnh phúc an lạc ngay bây giờ và ở đây qua công phu văn tư tu đó (được phần Pháp của Phật).
Cho nên, Quy Y có nghĩa là trở về và nương tựa, tức trở về Mái Nhà Xưa và nương tựa nơi vị Cha Lành. Mái Nhà Xưa đó là Nhà Tam Bảo Phật Pháp Tăng, còn vị Cha Lành đó chính là đức Phật.
"Kính lạy Phật, Cha Lành giác ngộ
Đã bao đời cứu khổ quần sanh
Như trăng giữa tháng tròn vành
Sáng soi mỗi bước tu hành con đi."
Chân Dung Người Phật Tử -- Sakya Minh-Quang
Đã có Cha, tất nhiên phải có Mẹ. Mẹ Chính là Pháp, tức những lời dạy của đức Phật giúp chúng ta biết được thiện ác chánh tà và dòng sữa Pháp đó đã nuôi dưỡng giới thân tuệ mệnh (lấy giới hạnh làm thân thể, lấy trí tuệ làm sinh mệnh) của mình được trưởng thành qua ngày tháng. Mỗi khi chúng ta đau khổ, Mẹ hiền che chở, an ủi và khích lệ mình như thế nào, thì Giáo Pháp của đức Phật cũng xoa dịu nỗi khổ niềm đau và khích lệ chúng ta như thế đó.
"Kính lạy Pháp thuyền từ phổ độ
Đưa người qua biển khổ mênh mông
Giúp con sống trọn tấm lòng
Thương yêu tỉnh thức giữa vòng tham sân."
Chân Dung Người Phật Tử -- Sakya Minh-Quang
Quy Y là trở về và nương tựa nơi Tăng bảo, đoàn thể những người xuất gia tu hành theo gương Phật. Những vị tăng hay ni này đầu tròn (xuống tóc) áo vuông (cà sa) là biểu tướng của Như Lai, thay Phật hoằng Pháp. Trong Đại Gia Đình Phật Pháp, nếu Phật là Cha, Pháp là Mẹ, thì chư Tăng là trưởng tử đức Như Lai, thay Phật hoằng Pháp, chỉ dạy hàng Phật tử tại gia theo tinh thần quyền huynh thế phụ. Vì vậy, Phật tử là Phật tử chung, không luận tăng ni ở chùa nào cũng đều phải cung kính, tôn trọng và học hỏi.
"Kính lạy Tăng vị Thầy cao cả
Thay Phật đà giáo hóa quần sanh
Dạy con biết lối tu hành
Trao đèn Chánh Pháp, phước lành thế gian."
Chân Dung Người Phật Tử -- Sakya Minh-Quang
Vậy vị Thầy làm Lễ Quy Y cho mình là gì? Vị này ngoài vai trò trưởng tử Như Lai, còn có vai trò "bà mụ" đã giúp mình sinh ra "mẹ tròn con vuông" trong đại gia đình Phật Pháp. Những vị thầy mà mình có duyên nghe Pháp tu học, cũng có vai trò như "vú em", mớm cho mình từng dòng sữa Pháp.
Vì vậy, đối với người Phật tử, chùa là ngôi nhà tâm linh chung của đại gia đình Phật Pháp. Về chùa là về "nhà" vì nơi đây chúng ta có thể gặp lại Cha (đức Phật), Mẹ (giáo pháp) và huynh đệ (tăng ni Phật tử) thân thương của mình. Về chùa để gần gũi thiện tri thức, lắng nghe giáo pháp, tư duy nghĩa lý và y pháp phụng hành (bốn pháp căn bản của người Phật tử). Vì chùa là nhà, nên chúng ta nên nói "về chùa" thay vì "đi chùa".
Về Chùa
Về chùa kính Phật trọng Tăng
Lắng nghe lời Pháp dạy răn của Thầy
Nghĩa ân như bát nước đầy
Khuyên ai gắng giữ, phước dày mai sau.
***
Mình là con Phật thanh cao
Chắp tay thưa thỉnh vái chào lễ nghi
Nói năng, dáng đứng, cách đi
Sao cho điềm đạm oai nghi chỉnh tề.
***
Chùa là tổ ấm ta về
Chung tay vun đắp chẳng nề hà chi
Công phu, công quả, hộ trì
Già lam hưng thịnh, phước gì lớn hơn.
Sakya Minh-Quang
Cho nên, bổn phận người Phật tử về chùa là để công phu (tu học), công quả (giúp làm việc chùa) và công đức (cúng dường hộ trì). Trong chùa chỉ có công phu, công quả và công đức, nhưng không có công thần!
Chúng ta đã Về Lại Mái Nhà Xưa, sum họp cùng Cha Mẹ và Anh Em, tức Phật Pháp Tăng và Phật tử tại gia. Nhưng "tâm hạ liệt" mình vẫn còn, tham sân si phiền não chưa dứt, còn phước tuệ lại quá nghèo nàn. Chúng ta cần phải phát tâm tinh tấn tu học để giống được Cha mình, có đủ khả năng kế thừa Gia Nghiệp Đức Như Lai. Chúng ta có biết hiện giờ còn biết bao huynh đệ, anh em của chúng ta đang là những người cùng tử lang thang? Xin hãy cùng nhau cố gắng tu tập để có thể chia sẻ niềm an lạc hạnh phúc cho đời, giúp bao nhiêu người "homeless" tìm về tổ ấm tâm linh.
Thay cho lời kết luận, xin gởi tặng đến những ai hữu duyên bài thơ "Tâm Sự Người Cùng Tử" mà bút giả đã làm gần hai mươi năm trước sau khi cảm ngộ Phẩm Tín Giải Kinh Pháp Hoa:
Tâm Sự Người Cùng Tử
Sinh từ đâu đến? Chết về đâu?
Câu hỏi nhân sinh mãi nhức đầu
Cho đến một hôm bừng tỉnh mộng
Bên trời vằng vặc ánh trăng thâu.
***
Lạc mất quê xưa luống khổ sầu
Con đường sinh tử quá dài lâu
Thịt xương chồng chất cao hơn núi
Nước mắt đong đầy tợ biển sâu.
***
Về lại quê xưa mới buổi đầu
Mừng rơi nước mắt lúc gặp nhau
Nhìn Cha phước tuệ trang nghiêm quá
Con tủi thân con lắm dãi dầu.
***
Phước nghèo lam lũ cảnh bể dâu
Tuệ nghèo phiền não mãi trồng sâu
Bao giờ giống được Cha mình nhỉ?
San sẻn cho đời bớt khổ đau.
***
Không từ đâu đến chẳng về đâu
Sen trong biển lửa đượm thêm màu
Đến đi đi đến tùy duyên có
Không hai trong thực tại nhiệm mầu.
Sakya Minh-Quang
Nam-mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.