top of page

Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư

Chú Thích và Giảng Giải

I. Dẫn nhập 

Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
Xả thân trao đèn tiếp lửa 
Đến con thế hệ hôm nay.

Nguyện tiếp đường xưa Thầy Tổ
Truyền đèn nối lửa tương lai
Trải thân một lòng hành đạo
Gian lao nhiều kiếp chẳng nài.[1]


     Trên đây là hai đoạn kệ tụng khởi đầu và trước khi kết thúc trong bài “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”.  Bài kệ tụng này gồm 13 khổ thi kệ bốn câu, bao quát ân đức của chư vị Tổ sư nhiều đời, từ Tây Thiên, Đông Độ… cho đến Việt Nam. Chư Tổ đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp Phật Pháp và lợi ích chúng sinh. Với tinh thần: “Ta không quý sinh mệnh, chỉ tiếc Đạo Vô Thượng”[2], quý Ngài sẵn sàng hy sinh ngay cả sinh mệnh của mình để bảo vệ, giữ gìn và truyền trì mạng mạch Phật Pháp!
 

Mục Lục 

  • Vài Cảm Nhận

  • Impression of the Books

  • Lời Tri Ân

  • Phần I: Kệ Tụng Việt - Anh

  • Phần II: Chú Thích & Giảng Giải

  • Phần III: Kết Luận

  • Lời Bạt

     Đạo Phật đã có hơn 2600 năm lịch sử và có mặt hầu như mọi nơi trên thế giới. Dù trải qua bao triều đại hưng phế, bao thăng trầm Pháp nạn, mạng mạch Phật Pháp vẫn tiếp tục truyền thừa. Được như vậy, đây là nhờ Chư Tổ đã xả thân phụng hành, hộ trì và hoằng dương Chánh Pháp. Có những vị khai sơn tạo tự, dựng lập đạo tràng, nuôi dạy tăng tài. Lại có những vị dịch kinh, chú giảng, đi khắp nơi hoằng Pháp lợi sinh. Còn có những vị chuyên tu giới định tuệ, làm mô phạm cho hàng hậu học. Trong thời Pháp nạn, bao vị đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Chánh Pháp. Thật ra, còn có biết bao công hạnh hộ trì và hoằng dương Chánh Pháp của người xưa mà chúng ta không sao biết rõ và kể ra hết được!

     Trong bao đời Tổ Sư, có những vị vừa là Cao Tăng vừa là Danh Tăng, công nghiệp vĩ đại, danh tiếng như tiếng sấm vang rền, được người đương thời hay lịch sử ghi nhận. Lại có những vị Cao Tăng nhưng không phải Danh Tăng, nội tại thâm sâu và đạo hạnh vững chãi như ngọn núi lớn, nhưng lặng yên, âm thầm cống hiến cho đời, ít ai biết đến. 

 

     Ví dụ, trong tác phẩm Cao Tăng Truyện  đời Lương, Pháp sư Tuệ Hạo 慧皎 (497-554) viết: “Những tác phẩm [viết về Cao Tăng] đời trước, phần nhiều ghi là “Danh Tăng”. Nhưng “danh” là khách, [cái bên ngoài] của “thật” [bản chất bên trong]. Nếu chân thật hành trì nhưng ẩn náu danh tiếng thì đó là “cao” mà không có “danh”. 
Còn như thiếu đức nhưng gặp thời, thì có “danh” nhưng chẳng phải “cao”.   

     

     Cụ thể, Pháp sư Tuệ Hạo không đồng ý với tựa đề Danh Tăng Truyện của ngài Bảo Xướng trước đó. Theo Tuệ Hạo, có những vị Cao Tăng nhưng không phải là Danh Tăng vì ẩn tu lánh đời, hay không chạy theo số đông quần chúng, hoặc thích thân cận quyền quý, nhờ vào thế lực thế tục. Những vị này đạm bạc danh lợi, chuyên tâm tu niệm, giới hạnh trang nghiêm, và có sự chứng ngộ sâu sắc. Đây là những vị giữ gìn Thắng Nghĩa Chánh Pháp, tức Chánh Pháp vô lậu thể hiện qua đời sống giải thoát, tuệ giác của người tu. 


      Ngược lại, cũng có những vị Danh Tăng nhưng không phải là Cao Tăng. Những vị này tuy nổi tiếng, được nhiều người biết đến, nhưng lại không có thật tu, thật đức! Sở dĩ những vị này có danh tiếng vì nhiều lý do, chủ quan có, khách quan có. Nhưng có lẽ từ tổng quát và thích hợp nhất để diễn đạt những lý do này là “gặp thời”, như Pháp sư Tuệ Hạo đã dùng.

 

     Quan điểm này của Pháp sư Tuệ Hạo được những nhà viết sử đời sau thừa nhận. Ví dụ, đời Đường ngài Đạo Tuyên viết tác phẩm Tục Cao Tăng Truyện,  hay đời Tống ngài Tán Ninh viết Tống Cao Tăng Truyện. Các Ngài đều dùng chữ “Cao Tăng” thay cho “Danh Tăng”. 


     Như vậy, có những vị là Danh Tăng nhưng không phải là Cao Tăng và cũng có những vị là Cao Tăng nhưng không phải Danh Tăng. Tuy nhiên, Danh Tăng và Cao Tăng không phải lúc nào cũng loại trừ nhau (exclusive), mà có thể bao hàm nhau (inclusive). Có nghĩa, có những vị là Cao Tăng mà cũng là Danh Tăng. Trong lịch sử Phật giáo, ngoài những vị Thánh Tăng được ghi nhận trong kinh điển, còn có vô số vị vừa là Cao Tăng vừa là Danh Tăng đã được ghi nhận qua các thời đại và ở các quốc độ khác nhau.  Ví dụ, chỉ nói riêng Phật giáo thời Trần ở Việt Nam, chúng ta biết đến các vị Cao Tăng khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam như Ngài Trúc Lâm Đầu Đà (Trần Nhân Tông), Pháp Loa, Huyền Quang.... 


     Lại nữa, từ thời kỳ chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến nay, Phật giáo Việt Nam cũng sản sinh ra được rất nhiều nhân vật kiệt xuất, có công đức lớn trong việc phiên dịch kinh điển sang chữ Quốc ngữ, dựng lập đạo tràng, Phật Học Viện để đào tạo Tăng Ni tài đức, gây dựng lại nền Phật giáo ảm đạm thời Pháp thuộc. Nhờ đó Phật giáo Việt Nam mới có được ngày hôm nay. Ví dụ, nói riêng những vị có công đức lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam, chúng ta biết đến các Ngài như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Thiện Quang-Nguyễn Chánh Tâm, Huệ Minh-Lê Phước Chí v.v.... Ba miền Bắc Trung Nam đều có những nhân vật Phật giáo kiệt xuất trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam, từ giới xuất gia cho đến hàng Cư sĩ. Tuy nhiên, vì khuôn khổ có hạn, nơi đây không thể nêu ra hết được.


     Nhờ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX đã đào tạo ra những bậc Thầy Tổ xuất sắc để tiếp tục truyền trì và hoằng dương Chánh Pháp. Ví dụ Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Trí Tịnh, Thiện Tường, Thiền Tâm v.v... Hiện nay, Phật giáo Việt Nam không những phát triển trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới. Những vị có công  đức lớn còn sinh tiền là Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, người khơi dậy dòng thiền Trúc Lâm đời Trần, và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người giới thiệu Phật giáo Việt Nam rộng rãi trên thế giới.  


     Ngoài chư Hòa thượng Tôn túc vừa là Cao Tăng vừa là Danh Tăng, được nhiều người biết đến và công nhận, còn có biết bao nhiêu vị Cao Tăng ẩn tu, chuyên tâm hành trì, hay âm thầm cống hiến cho đời và Đạo. Những bậc Cao Tăng này dù nổi tiếng hay âm thầm, các Ngài đã: 


Cùng viết nên trang sử Phật 
Mấy ngàn thu vẫn chưa phai!


     Cho nên, là người con Phật, chúng ta phải thấu hiểu, trân quý, và tri ân người xưa đã gìn giữ và trao truyền lại gia tài vô giá cho các thế hệ tiếp theo. Từ lòng tri ân chúng ta sẽ phát khởi tâm báo ân. Tâm báo ân là tâm Bồ-đề với hạnh nguyện Bồ-tát, để tiếp tục giữ gìn và truyền thừa Chánh Pháp cho thế hệ tương lai! Đây không những là bổn phận mà còn là trách nhiệm của tất cả những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia.


     Như trên đã nói, ân đức của lịch đại Tổ Sư đối với việc truyền trì Chánh Pháp thật vô cùng to lớn. Tuy nhiên, trong kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam cho đến hiện nay, vẫn chưa có một bài kệ tụng nào ghi nhận công đức tiền nhân theo dòng lịch sử, bao quát từ Phật giáo Tây Trúc, Đông Độ, cho đến Việt Nam. Hệ quả là, trong những ngày giỗ Tổ tại các Tổ Đình, tự viện…, hay trong những ngày Hiệp Kỵ Tổ Sư của các tổ chức Giáo hội hay Tông môn Pháp phái, vẫn chưa có một bài kệ tụng tri ân lịch đại Tổ Sư để cho các hàng hậu học hành trì đọc tụng, ôn lại hạnh đức và công đức cao tột của người xưa. 


     Nhận thấy việc thiếu sót này, bút giả đã mạnh dạn phát tâm biên soạn “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”. Mục đích của việc làm này là đáp ứng nhu cầu tu học và hoằng Pháp của người con Phật xuất gia và tại gia. Đây cũng là một trong những nỗ lực khơi dậy tinh thần tri ân và báo ân, truyền lửa cho thế hệ xuất gia hiện tại và tương lai. Ngoài ra, bài kệ tụng được biên soạn và dịch sang Anh ngữ cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam, nhất là Phật giáo Việt Nam trong hoàn cảnh cần cả hai ngôn ngữ Việt-Anh để trao truyền Chánh Pháp tại Hải Ngoại.  


     Vì soạn phẩm súc tích theo thể thi kệ, lại chứa đựng nội dung phong phú, bao gồm lịch sử, thiền sử Phật giáo, điển tích thi ca, Pháp nghĩa v.v…, nên rất cần chú thích và giảng giải rõ ràng cho người sơ học. Nếu người đọc tụng hiểu được điển tích, thuật ngữ, và Pháp nghĩa… mới khơi dậy được lòng tri ân và trân quý Chánh Pháp. Từ lòng tri ân lịch đại Tổ Sư, người đọc tụng sẽ phát tâm Bồ-đề, khởi hạnh Bồ-tát, tiếp tục thừa kế và trao truyền lại gia tài Chánh Pháp cho đời sau. Cho nên, sau đây sẽ là phần Pháp nghĩa, chú giảng thuật ngữ, điển tích, lịch sử và hàm nghĩa… trong từng bài kệ bốn câu của “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư”.

 

II. Pháp Nghĩa Nội Dung Kệ Tụng

 

  • Thi Kệ 1: 

 

Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai
Xả thân trao đèn tiếp lửa 
Đến con thế hệ hôm nay. 


Như Lai, Tổ Sư, Chánh Pháp, Truyền đăng tục diệm


     Bài kệ đầu tiên là kính lễ tri ân lịch đại Tổ Sư. Cho nên, kệ tụng mở đầu ghi:


Kính lạy bao đời chư Tổ
Nối truyền Chánh Pháp Như Lai.


     Chư Tổ là những vị thừa kế Chánh Pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, rồi truyền thừa từ đời này sang đời khác, cho đến thế hệ chúng ta hôm nay. Nhờ Chư Tổ đã hết lòng trao đèn tiếp lửa (truyền đăng tục diệm), xả thân duy trì mạng mạch Phật Pháp, nên dù trải qua bao thăng trầm và Pháp nạn, Chánh Pháp vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Vì vậy, kệ tụng ghi: 


Xả thân trao đèn tiếp lửa 
Đến con thế hệ hôm nay.


     Bài kệ này cũng hàm ý kính lễ Tam Bảo. Theo truyền thống Phật giáo, các vị luận sư xưa nay đều khởi đầu tác phẩm của mình bằng kệ kính lễ Tam Bảo. Ví dụ, trong đoạn kệ khởi đầu tác phẩm Trung Quán Luận, Ngài Long Thọ nói:


Con cúi đầu lễ Phật
Bậc thuyết Pháp đệ nhất. 


     Hay Ngài Mã Minh, mở đầu tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận, cũng nói: 


Quy mạng Phật mười phương
Làm lợi ích tất cả
Trí tự tại vô hạn
Cứu khổ cho thế gian. 


     Cho nên, bài kệ mở đầu của “Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư” cũng có ý kính lễ Tam Bảo. Ví dụ, Chư Tổ là Tăng Bảo trong câu “Kính lạy bao đời Chư Tổ”. Còn trong câu tiếp theo, Chánh Pháp là Pháp Bảo và Như Lai là Phật Bảo trong “Trao truyền Chánh Pháp Như Lai”. 


     Vậy Như Lai là gì? Như Lai là một trong mười đức hiệu của đức Phật. Mười đức hiệu gồm: (1) Như Lai, (2) Ứng Cúng, (3) Chánh Biến Tri, (4) Minh Hạnh Túc, (5) Thiện Thệ, (6) Thế Gian Giải, (7) Vô Thượng Sĩ, (8) Điều Ngự Trượng Phu, (9) Thiên Nhân Sư, (10) Phật Thế Tôn.


     Về mặt ngữ nghĩa, Như Lai được dịch từ chữ Phạn Tathāgata (Sanskrit và Pali đồng nhau). Tathāgata có thể dịch là Như Lai hay Như Khứ. Nếu phân tích từ tathāgata thành tathā + gata. Tathā là “như thật”, hay “chân như”, còn gata là “khứ”, hay đi. Cho nên tathāgata có thể dịch là “như khứ”, tức “đi đến chỗ như thật”, tức nương nơi đạo chân như mà đi đến niết-bàn của quả Phật. Lại nữa, Tathāgata có thể phân tích thành tathā + āgata. Āgata là “lai”, hay đến, nên Tathāgata cũng có nghĩa là “từ chân lý mà đến”, hay “từ chân như mà hiện thân”. Còn về mặt Pháp nghĩa, Như Lai có hai ý:


     (1) Đức Phật là người đã chứng ngộ chân lý như thật của vũ trụ nhân sinh, cho nên có nói ra lời gì đều đúng với sự thật. Lại nữa, lời nói Đức Phật đúng với việc làm, và việc làm của Đức Phật đều đúng với lời nói. Vì vậy, Đức Phật được gọi là Như Lai.  Kinh Thanh Tịnh trong Trường A-hàm nói: “Phật từ đêm đầu tiên thành Chánh Giác tối thượng đến đêm cuối cùng, trong khoảng thời gian đó có nói ra lời nào đều đúng với sự thật (như thật), nên gọi là Như Lai. Lại nữa, lời Như Lai nóiđúng như việc làm, việc làm đúng như lời nói, nên gọi là Như Lai.”


     (2) Vì Đức Phật nương chân lý mà đến, từ chân như mà hiện thân, nên được xưng là Như Lai. Luận Đại Trí Độ nói: “Hành sáu ba-la-mật đắc thành Phật đạo, (…) nên gọi là Như Lai. (…) Trí biết các pháp như (thật), từ trong như (thật) mà đến nên gọi là Như Lai.”


     Thế nào là Tổ hay Tổ Sư? Tổ Sư là bậc “hạnh giải tương ưng”, truyền trì Pháp tạng, hay là vị khai sáng ra một tông phái nào đó (khai tổ). Ví dụ, Thiền tông có 28 vị Tổ ở Tây Thiên và sáu vị Tổ nơi Đông Độ. Tổ Bồ-đề Đạt Ma nói: “Sáng tỏ tâm tông của Phật, bình đẳng không có sai lầm, hạnh giải tương ưng, gọi đó là Tổ.” Ngoài ra, đối với các bậc Cao Tăng thạc đức, có công đóng góp cho Phật giáo ở những thế hệ trước đều được gọi chung là Tổ.


     Chánh Pháp là gì? Chánh Pháp 正法được dịch từ chữ Phạn sad-dharma. Dharma là pháp; sad là chánh, có nghĩa đúng đắn. Ý nói, Dharma giáo pháp của đức Phật, vì giáo pháp đức Phật dạy đúng với chân lý, nên gọi sad-dharma, hay Chánh Pháp. Trong Kinh Tạp A-hàm, đức Phật nói: “Ta nay sẽ đem Chánh Pháp phó chúc cho người và trời. Chư thiên và người đời nếu cùng nhau nhiếp thọ Pháp, thì giáo Pháp ta sẽ tồn tại ngàn năm không động.”  


     Kinh Tăng Nhất A-hàm cũng nói  người muốn đảnh lễ Pháp, nên tư duy mười một công đức thù thắng của Chánh Pháp. Mười một công đức của Chánh Pháp là: “(1) [Chánh Pháp] nơi ngã mạn trừ được ngã mạn; (2) Chánh Pháp nơi dục mà dứt trừ tưởng khát ái; (3) Chánh Pháp nơi dục mà trừ dục; (4) Chánh Pháp đoạn được dòng sông sinh tử; (5) Hành Chánh Pháp được pháp bình đẳng; (6) Thắp sáng Chánh Pháp này chấm dứt các đường ác; (7) Tìm Chánh Pháp này sẽ đến được chỗ an lành; (8) Chánh Pháp đoạn được lưới ái; (9) Thực hành Chánh Pháp từ hữu (vi) đến vô (vi); (10) Thực hành Chánh Pháp thì sáng tỏ, không có chỗ nào mà không soi chiếu đến; (11) Chánh Pháp đưa đến cảnh giới niết-bàn.” 


     Ngoài ra, Saddharma còn được dịch là Diệu Pháp, như chữ Diệu Pháp trong tựa  Kinh Diệu  Pháp  Liên Hoa. (S. Saddharmapuṇḍarīka;妙法蓮華).Diệu có nghĩa là vi diệu, thậm thâm. Ý nói giáo pháp đức Phật có pháp và nghĩa sâu xa, cần phải  có tuệ giác bát-nhã thâm sâu, chứng được cảnh giới thật tướng bình đẳng của chư Phật, mới có thể cùng tận được chân thật nghĩa. Phẩm “Chứng Khuyến” trong Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Bồ-tát Ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì thông đạt tất cả các pháp gọi là Chánh Pháp. Đó chính là thông đạt bình đẳng tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát thánh đạo, không, vô tướng, vô nguyện. Đây gọi là Chánh Pháp.” 


     Trao đèn tiếp lửa: Trao đèn tiếp lửa là dịch từ thành ngữ Phật giáo “truyền đăng tục diệm” (傳燈續焰). Sao gọi là truyền đăng? Truyền đăng chính là truyền Pháp. Thầy truyền Pháp cho trò; trò lại truyền cho thế hệ tiếp theo ​​khiến Chánh Pháp cữu trụ nên gọi là truyền đăng. Pháp có thể phá trừ vô minh như đèn có thể phá trừ bóng tối, nên dùng đèn để dụ cho Pháp. “Phẩm Thiện Hiện” trong Kinh Đại Bát-nhã nói: “Như Lai vì người khác tuyên nói Pháp yếu đều không trái với pháp tánh. Các đệ tử Phật y nơi Pháp này tinh cần tu học, chứng được thật tánh của các pháp. Do đó, các đệ tử Phật [đã chứng được pháp tánh] này có nói ra đều không trái với pháp tánh. Cho nên, lời Phật dạy như ngọn đèn truyền cho nhau để soi sáng.”


     Lại nữa, Luận Đại Trí Độ cũng nói: “Sở dĩ phó chúc vì không để cho Pháp (bát-nhã) bị diệt. Ông nên giáo hóa đệ tử. Đệ tử lại giáo hóa người khác. Lần lượt giáo hóa lẫn nhau như vậy. Ví như một ngọn đèn lại thắp cho ngọn đèn khác thì ánh sáng càng thêm. Đừng làm người cuối cùng đứt mất dòng giống (đoạn chủng). Người đời có con, nếu không có người nối dõi thì gọi là đứt mất dòng giống. Đây là việc hổ nhục nhất. Đức Phật lấy điều này làm ví dụ nên 
bảo A-nan: ‘Ông đừng nơi thân mình để cho bát-nhã đoạn tuyệt!’”


     Như vậy, theo Kinh Đại Bát-nhã, đức Phật chứng ngộ pháp tánh (dharmatā), tức thật tánh của các pháp, là lý thể không tịch, bất sinh bất diệt. Từ chỗ chứng ngộ đó, đức Phật nói ra Pháp yếu nhằm hướng dẫn đệ tử đồng chứng ngộ pháp tánh này. Các đệ tử sau khi chứng ngộ pháp tánh lại nói pháp yếu hướng dẫn đệ tử của mình đồng chứng ngộ pháp tánh. Nhờ vậy,  ngọn đèn Chánh Pháp còn sáng mãi ở đời. Còn theo Đại Trí Độ Luận, “truyền đăng” là truyền 
thừa Chánh Pháp qua từng thế hệ, cũng như cha truyền con nối, khiến dòng Thánh không dứt.  Đây là ý nghĩa “truyền đăng” hay trao truyền ngọn đèn Chánh Pháp. 


     Điều mà chúng ta cần chú ý là Đức Phật dạy: “Những đệ tử [đã chứng được pháp tánh] này, có nói ra đều không trái với pháp tánh. Cho nên, lời Phật dạy như ngọn đèn truyền cho nhau để soi sáng.”  Nói khác đi, “truyền đăng” là thuật ngữ chỉ sự chứng ngộ chân thực của thầy và trò, mà không phải là từ ngữ thông thường dành cho những người chưa được khai ngộ. 


     Vì vậy, người xưa dùng từ “truyền đăng” vô cùng cẩn trọng, không chút dễ dãi.  Trong truyền thống Thiền Tông Đông Độ, chư Tổ đã mượn từ “truyền đăng” trong Kinh Bát-nhã và Luận Đại Trí Độ để chỉ việc khai ngộ, ấn chứng và truyền thừa giữa thầy và trò. Đây là những vị thật tu, thật ngộ, được chư tôn đức uy tín đời sau khảo sát và công nhận qua hành trạng và cơ phong vấn đáp, rồi mới ghi chép lại trong các bộ Đăng Lục. Đăng Lục là những sử liệu ghi lại cuộc đời và hạnh nghiệp của những vị truyền đăng và được truyền đăng. “Truyền đăng” hoàn toàn không phải là từ ngữ mà thầy và trò có thể tùy tiện, vọng xưng với nhau!  


     Trong văn học sử Thiền Tông, có  nhiều bộ Đăng Lục. Đời Tống có Truyền Đăng Lục soạn năm 1004 của Thích Đạo Nguyên, Quảng Đăng Lục in năm 1148 của Lý Tuân Húc, Tục Đăng Lục hoàn thành năm 1101 của Thích Duy Bạch, Liên Đăng Hội Yếu soạn năm 1183 của Thích  Ngộ Minh và Phổ Đăng Lục soạn năm 1204 của Thích Chánh Thọ. Về sau, Thích Đạo Tế đời Nam Tống tập hợp năm bộ sách này, biên tập gọn lại thành sách Ngũ Đăng Hội Nguyên. Nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất trong giới Phật giáo vẫn là Truyền Đăng Lục của Thích Đạo Nguyên. 

 

     Để giải thích lý do có những bộ Đăng Lục, lời tự trong sách Thiền Tông Chánh Mạch nói: “Sau đó truyền năm đời đến Tào Khê (Lục Tổ), rồi phân thành các chi phái khác nhau, ngày càng hưng thạnh, lan khắp thiên hạ. Nếu không có văn tự để ghi chép lại sự tích và nhân duyên truyền thừa, thì làm sao biết được sự khai thị chân tánh diệu minh của người xưa qua “ý sâu kín như ném kim”, “cơ nhanh nhẹn dường điện xẹt”?  Đây là lý do mà Thầy Đạo Nguyên ở đất Ngô viết ra sách Truyền Đăng Lục.”

  
     Lại nữa, ý nghĩa “truyền đăng” cũng được thấy trong Kinh Duy-ma-cật. Theo Kinh Duy-ma-cật, các thiên nữ sau khi được cư sĩ Duy-ma-cật khai thị đã phát Bồ-đề tâm, hâm mộ Pháp lạc, từ bỏ dục lạc, nhưng bị ép phải trở về cung ma Ba Tuần nơi cõi trời dục giới thứ sáu. Khi các thiên nữ băn khoăn không biết phải tu học như thế nào trong cảnh dục như vậy, Cư sĩ Duy-ma-cật đã khai thị: 


-Này các cô, có một pháp môn gọi là “vô tận đăng” (ngọn đèn vô tận) mà các cô nên học. Vô tận đăng có nghĩa, ví như một ngọn đèn thắp cho trăm ngọn đèn, ngàn ngọn đèn… để soi sáng bóng đêm, khiến ánh sáng không dứt. Cũng vậy, này các cô! Một vị Bồ-tát khai ngộ, dẫn dắt cho trăm ngàn chúng sinh, giúp họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nơi Đạo tâm của mình cũng không mất. Tùy theo chỗ thuyết Pháp mà tự mình tăng trưởng tất cả thiện pháp. Đây gọi là vô tận đăng. Các cô tuy ở tại cung ma nhưng dùng ngọn đèn vô tận này để khiến vô số thiên tử, thiên nữ phát tâm Bồ-đề. Đây là vì báo ân Phật mà cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh. 


     Như  vậy, “truyền đăng” ngoài ý nghĩa “truyền Pháp” giữa thầy và trò từ đời này sang đời khác, khiến Chánh Pháp không dứt mất, còn có nghĩa “hoằng Pháp”, khiến Chánh Pháp được phổ biến rộng rãi, làm lợi ích chúng sinh để báo ân đức Phật. Đây là theo tinh thần Bồ-tát đạo. Cho nên, truyền đăng còn gọi là “truyền vô tận đăng”. Vì vậy, Kinh Duy-ma-cật nói: “Một vị Bồ-tát khai ngộ, dẫn dắt cho trăm ngàn chúng sinh, giúp họ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, nơi Đạo tâm của mình cũng không mất. Tùy theo chỗ thuyết Pháp mà tự mình tăng trưởng tất cả thiện pháp. Đây gọi là vô tận đăng. 


      -Tục diệm là gì? Tục diệm là tiếp tục ngọn lửa (diệm), không để cho dứt mất. Đây là chỉ cho ngọn lửa của chiếc đèn truyền đăng. Lại nữa, tục diệm cũng lấy ý từ thành ngữ “tân hỏa tương truyền” 薪火相傳, củi và lửa truyền tiếp cho nhau; hay “tân tận hỏa truyền” 薪盡火傳, có nghĩa củi hết nhưng lửa vẫn truyền đi. Đây là chỉ tinh thần giáo dục, thế hệ trước truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ sau. Ví dụ, Thầy Tổ mất đi như củi đã cháy thành tro, nhưng ngọn lửa trí tuệ, lý tưởng phụng sự... của Thầy Tổ đã truyền cho thế hệ kế tiếp. Thế hệ hôm  nay như ngọn lửa đang cháy của củi mới được mồi tiếp từ ngọn lửa của Thầy Tổ. Thành ngữ này có xuất xứ từ sách Trang Tử, ý tương tự như “truyền đăng” trong Phật giáo. Về sau, chư Tổ ghép hai ý lại với nhau, thành “truyền đăng tục diệm”.

 

  • Thi Kệ 2:


Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền
Phế hưng bao triều thay đổi
Nhờ Người Pháp vẫn hoằng truyền!


Khương Tăng Hội, Phật Việt, Thiền phái Trúc Lâm, Đạo tại nhân hoằng


     Sau đoạn kệ tụng mở đầu kính lễ Tam Bảo và tri ân chung lịch đại Tổ Sư,  đoạn kệ tụng này nói đến công đức chư vị Tổ Sư trong dòng  lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trước hết nói đến Chư Tổ Việt Nam vì người viết là tu sĩ Việt Nam và đối tượng chủ yếu thọ trì đọc tụng Kệ Tụng Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư cũng là Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Câu đầu kệ tụng ghi:


Khương Hội ươm mầm Phật Việt


     Phật Việt chỉ Phật giáo Việt Nam. Khương Hội tức Khương Tăng Hội (?-280). Khương Tăng Hội có cha là người Khương Cư (phía bắc Tân Cương hiện nay), mẹ là người Việt. Cha Ngài sang Giao Chỉ (Việt Nam) buôn bán và định cư lại đây. Ngài sinh ra và xuất gia tại Việt Nam, có công đức lớn trong bước đầu gây dựng Phật giáo Việt Nam. Ngài chú sớ, biên dịch, và viết lời tựa cho nhiều kinh sách Phật giáo có giá trị. Ví dụ, Ngài viết bài tựa cho Kinh An-ban Thủ Ý, chú sớ và đề tựa cho Kinh Pháp Cảnh, biên dịch Kinh Lục Độ Tập. Ngoài ra, Ngài còn đem Phật giáo truyền 
đến đất Ngô, Trung Quốc, hóa độ Ngô Quyền quy y Tam Bảo, giúp Phật Pháp được thạnh hành nơi đây. Hiện nay, Khương Tăng Hội được nhiều người xem là sơ tổ của Phật giáo Việt Nam.


     Những hạt mầm Phật giáo đã được Khương Tăng Hội và những bậc Cao Tăng đương thời khác gieo trên đất Việt. Trải qua sự chăm sóc, tưới tẩm và bảo vệ của những thế hệ Cao Tăng từ thời Đinh, Lê cho đến Lý, Trần, Phật giáo Việt Nam đã dần dần phát triển thành những khu rừng thiền Phật giáo lớn mạnh.  Ví dụ, dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi được hình thành vào thế kỷ thứ 6, dòng thiền Vô Ngôn Thông vào thế kỷ thứ 9, dòng thiền Thảo Đường thế kỷ XI v.v….


     Đời Trần (1125-1400) là thời hoàngkim của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật thời này không những xuất hiện những bậc xuất gia lỗi lạc như Thiền sư Đạo Viên tức Quốc sư Trúc Lâm và Thiền sư Tiêu Diêu tức Quốc sư Đại Đăng, mà còn có những bậc Cư sĩ Đế vương hay Hoàng tộc, có hạnh nghiệp kỳ vĩ như Ngài Trần Thái Tông (1218-1277), hay Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291). Nhờ vậy, Phật giáo không những được phổ biến rộng rãi, có những thành tựu văn học giá trị, mà còn thành lập được dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vị Tổ người Việt khai sáng. Đó là Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), sau xuất gia hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà hay Trúc Lâm Đại sĩ, và sau này được biết đến rộng rãi qua tôn hiệu Điều Ngự Giác Hoàng. Điều Ngự Giác Hoàng có nghĩa: “Một vị vua đã giác ngộ và đem Chánh Pháp giáo hóa, điều ngự chúng sinh.” Cho nên kệ tụng ghi:


Tăng Hội ươm mầm Phật Việt
Trúc Lâm lớn rộng rừng thiền.


     Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam có ba vị Tổ. Sơ Tổ là Thiền sư Điều Ngự Giác Hoàng, Nhị Tổ là Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), và Tam Tổ là Thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Những tác phẩm Phật giáo có giá trị còn lại của thời kỳ này gồm có: Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ, và nhiều thiền thi, kệ tụng khác.


     Theo luật vô thường, có thạnh phải cósuy, Phật giáo đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ nhất hay thứ hai thời Bắc thuộc, xây dựng nền móng vững chắc ở thời Đinh, Lê, phát triển rực rỡ nơi đời Lý, và đạt đến đỉnh điểm vào đời Trần. Tuy nhiên, sau đó Phật giáo bắt đầu suy vi. Trước hết là vì nạn ngoại xâm. 


      Năm 1400 Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, lập nên nước Đại Ngu, kéo dài đến năm 1407 liền bị xâm chiếm bởi nhà Minh, Trung Quốc. Chính sách đồng hóa và tiêu diệt nguyên khí đất Việt của nhà Minh đã khiến Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng bước vào một thời kỳ đen tối. Vì vậy, những sách vở Phật giáo sáng tác, biên soạn đời nhà Trần phần lớn bị mất mát. Ví dụ, sách Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Ðẳng Sám Hối Khoa Văn... của Trần Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục, Tăng Già Toái Sự... của Trúc Lâm Đầu Đà đều đã mất. Ngoài ra, tám tác phẩm  khác của Pháp Loa cũng không còn tồn tại. Nhà sử học Nguyễn Lang nhận định: “Khi nhà Minh xâm chiếm Ðại Việt, tướng Trương Phụ đã thu góp hết cả mọi sách cổ kim chở về Kim Lăng. Mộc bản Ðại Tạng Kinh hoặc đã bị quân Minh chở đi hoặc là thiêu hủy. Những công trình xây dựng một nền văn học độc lập của nước ta đã bị Trương Phụ phá hủy quá nhiều.”  


     Sau này Lê Lợi khởi nghĩa thành công, giành lại nền độc lập và thành lập nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, Phật giáo đã không còn như xưa. Nho giáo bắt đầu chiếm địa vị độc tôn trên phương diện chính trị và học thuật, còn Phật giáo lại trở về với Sơn môn và quần chúng.

     

     Đến thời Pháp thuộc không những Phật giáo mà Nho giáo đều ảm đạm. Tuy nhiên tân học và cựu học giao thoa, Việt Nam tiếp xúc môi trường quốc tế, chữ Quốc ngữ ra đời là phương tiện truyền bá Phật Pháp sâu rộng đến quần chúng. Cho nên, trong nguy cơ lại có chuyển cơ, đưa đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi. 

 

     Phong trào chấn hưng được khởi xướng từ miền Nam rồi lan đến miền Trung, miền Bắc. Tiêu biểu ở miền Nam có Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), còn miền Trung có Hòa thượng Phước Huệ (1869-1945), và miền Bắc có Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1936). Ngoài ra, còn có rất nhiều sự hưởng ứng và đóng góp công sức của các bậc Tôn đức và Cư sĩ khác trong phong trào này. Ví dụ, lịch sử ghi nhận Hòa thượng Thiện Quang, được biết đến nhiều qua thế danh Nguyễn Chánh Tâm, là người đã làm giấy hiến cúng mười năm huê lợi ruộng chùa của mình cho sự nghiệp giáo dục Tăng tài, truyền bá Chánh Pháp để chấn hưng Phật giáo của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Ngài cũng là người thay thế Hòa thượng Khánh Hòa làm chủ nhiệm tạp chí Phật Học Từ Bi Âm lúc đó. 


     Từ thời kỳ đó cho đến hiện nay, Phật giáo Việt Nam tuy không còn các cuộc vận động gọi là “phong trào chấn hưng Phật giáo”, nhưng  chư Tôn đức vẫn âm thầm chấn hưng Phật giáo Việt Nam qua việc tinh tấn tu tập và hành đạo, hay âm thầm hy sinh, cống hiến cho đời và Đạo của mình. Có những vị dịch kinh viết sách, cố gắng Việt ngữ hóa hay Anh ngữ hóa kinh điển Phật giáo; có những vị mở Phật Học Viện, Luật Học Viện, Đại Học Phật giáo để đào tạo Tăng Tài; có những vị xây dựng chùa tháp ở vùng xa xôi, giúp Phật giáo được phổ cập khắp nơi; có những vị ra hải ngoại hoằng truyền Chánh Pháp, không những cho cộng đồng người Việt, mà còn cho  người bản xứ ở các nước Âu Mỹ. Nói tóm lại, Phật giáo tuy vẫn luôn gìn giữ những giá trị bản hữu và huyết mạch chứng nghiệm tâm linh, nhưng cũng phải không ngừng làm mới mình để hành đạo nhằm thích hợp với hoàn cảnh và thời đại. 


     Nhìn lại một cách sơ lược dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đủ để chúng ta thấy rõ dù triều đại có thay đổi, đất nước có thăng trầm, Phật giáo có thạnh suy, nhưng mạng mạch Phật Pháp vẫn nối truyền không dứt. Đây là nhờ vào những người con Phật xuất gia, tại gia, cùng đứng ra gánh vác sứ mạng giữ gìn và hoằng dương Chánh Pháp. Vì vậy kệ tụng ghi:


Phế hưng bao triều thay đổi
Nhờ Người, Pháp vẫn hoằng truyền.


     Câu “Nhờ Người, Pháp vẫn hoằng truyền” là lấy ý từ thành ngữ “Đạo tại Nhân hoằng”. Ý nói Đạo Pháp nhờ có Người hoằng hóa mới có thể truyền bá dài xa và sâu rộng. Chữ “Người” được viết hoa ở đây là chỉ Chư Tổ Sư qua các thời đại. 


     Sau khi khởi đầu kệ tụng từ Chư Tổ trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, giờ  đây chúng ta nói đến công đức Chư Tổ ở Tây Thiên và Đông Độ và cuối cùng sẽ trở lại với  các bậc Cao Tăng Việt Nam hiện tại. 

 


 

bottom of page