top of page

PHẬT TỔ CẢNH SÁCH

       Sakya Minh-Quang

Phiên dịch, giới thiệu và chú giảng

ĐẠO AN CẢNH SÁCH

Lời Răn Để Lại Cho Đệ Tử Của Pháp Sư Đạo An

            道安法師遺誡九章以訓門人

Đại Chánh Tạng 48, trang 1050b-1051b

 -Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch kệ tụng

 -Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch chú và lược giảng

   PHẦN CẢNH SÁC

Lời Răn Để Lại Cho Đệ Tử của Pháp Sư Đạo An

     Giã từ các đệ tử,

     Xuất gia hành Đạo, là việc nặng nhất, khó nhất, không nên tự khinh thường, không nên tự dễ dãi. Xuất gia là việc nặng vì phải gánh vác đạo đức, giữ gìn nhân nghĩa, phụng trì tịnh giới, đến chết mới thôi. Xuất gia là việc khó vì phải dứt bỏ thế tục, cắt ái từ thân, chuyển hóa tình tánh, không đồng với người, làm việc người không thể làm, dứt việc người không thể dứt, chịu khổ chịu nhục, hy sinh thân mạng, nên gọi là khó. 

     [Người xuất gia] gọi là đạo nhân. Đạo nhân là người dẫn dắt người khác, nên việc làm phải gương mẫu, lời nói phải chuẩn mực. Mặc áo xuất gia, làm việc gì cũng phải hợp với khuôn phép, không tham, không tranh, không nịnh, không dối; học vấn cao xa, chí giữ huyền mặc. Đạo nhân danh đứng vào hàng Tam Tôn, tịnh hóa thân tâm, thành bậc hiền thánh. Vì vậy, đạo nhân được quân vương không mong đền ân, cha mẹ chẳng trông báo hiếu. Người trong thiên hạ đều quy ngưỡng nương về, bớt phần vợ con để cúng dường cơm ăn áo mặc, hạ mình lễ bái, không nài lao nhọc. Đây là do người xuất gia ý chí cao xa, hạnh tu thanh tịnh, cảm thông với thần minh, đạm bạc trong sạch, thực hiếm thực quý. 

    

Mục Lục

images (43).jpg

     Tự mình phóng túng đạo pháp mới suy đồi. Người mới học chưa hiểu pháp tắc, bỏ chánh chấp tà, quên mất chân thực, lấy thông minh vặt cho là trí, dùng lợi cúng nhỏ cho là đủ, suốt ngày ăn no, không chỗ dụng tâm. Nếu lui bước tự xét lại mình, cũng thấy thực rất đáng thương! Xét ra, ngày nay xuất gia, có người đã nhiều năm mà kinh pháp không thông, văn tự chẳng rõ, luống mất một đời, không chút thành tựu. Những việc như vậy, há chẳng biết suy nghĩ kỹ sao? Đại hạn vô thường đến, không sớm thì tối, không luận mạnh yếu, phải chịu đau khổ nơi ba đường. Vì nghĩa thầy trò sâu nặng, nên mới chỉ ra, những ai có đạo tình, xin lấy đây mãi mãi làm lời răn nhắc. 

 

Ông đã xuất gia

Xa lìa mẹ cha

Cạo tóc hủy hình

Khoác mảnh áo đà

Ngày từ thân thuộc

Lớn nhỏ lệ sa;

Diệt tình vui đạo

Chí cao thiên hà.

Nên giữ tâm ấy

Học nghiệp cho minh

Nếu còn đem tâm

Theo đường sắc thinh

Lững lơ năm tháng

Đạo nghiệp không thành

Đức hạnh ngày tổn

Tiếng xấu ngày sinh

Thầy bạn hổ thẹn

Người tục cười khinh

Xuất gia như thế

Chỉ thêm nhục mình.

Nay lời khuyên nhắc

Phải gắng chuyên tinh.

   *** 

Ông đã xuất gia

Phụ tình quân thân

Phải nên cố gắng

Chí nhìn thanh vân

Xa miền danh sắc

Phong thái siêu trần

Vàng bạc chẳng quý

Duy đạo là hơn

Giữ tiết thanh cao

Nghèo khổ không sờn

Tu đức độ mình

Độ khắp thế nhân.

Nếu như cải tiết

Theo thói phong trần

Ngồi chẳng ấm chiếu

Chạy khắp tây đông

Thân như sai dịch

Danh lợi mê lòng

Giới đức kém thiếu

Đạo lý chẳng thông

Đàn tín bình luận

Bạn hữu xa dần

Xuất gia như thế

Năm tháng uổng công

Nay lời khuyên nhắc

Tự thương tự phòng.

      ***

Ông đã xuất gia

Tối hoặc thông minh

Học dù nhiều ít

Hạnh gắng chuyên tinh

Bậc thượng thiền quán

Bậc trung tụng kinh

Bậc hạ tu phước

Chùa tháp kinh dinh

Đâu nên hôm sớm

Một việc không thành

Xuất gia như thế

Luống uổng kiếp sinh

Nay lời khuyên nhắc

Chớ phụ lấy mình.

Phần Lược Giảng

Lời Răn Để Lại Cho Đệ Tử của Pháp Sư Đạo An

 

* Lời Từ 1 

   Chữ Hán: 

敬謝諸弟子等。夫

出 家為道至重至難。

不可自輕不可自易。

所謂重者。荷道佩德

縈仁負義。奉持淨戒

死而有已。所謂難者。

絕世離俗永割親愛。

迴情易性不同於眾。

行人所不能行。割人

所不能割。忍苦受辱

捐棄軀命。謂之難者。

Dịch nghĩa: 

Giã từ các đệ tử,

     Xuất gia hành Đạo, là việc nặng nhất, khó nhất, không nên tự khinh thường, không nên tự dễ dãi. Xuất gia là việc nặng vì phải gánh vác đạo đức, giữ gìn nhân nghĩa, phụng trì tịnh giới, đến chết mới thôi. Xuất gia là việc khó vì phải dứt bỏ thế tục, cắt ái từ thân, chuyển hóa tình tánh, không đồng với người, làm việc người không thể làm, dứt việc người không thể dứt, chịu khổ chịu nhục, hy sinh thân mạng, nên gọi là khó. Đây gọi là Đạo nhân.

Lược giảng:

     Bài cảnh sách này không biết được viết ra vào năm nào. Nhưng theo tựa đề và nội dung, có lẽ Pháp sư Đạo An (312-385) viết ra khi lúc sắp viên tịch. Cho nên, bài văn này vừa sâu sắc vừa tha thiết, như lời tâm huyết cuối cùng của người Cha để lại cho con hay người Thầy để lại cho trò. Nội dung gồm một bài từ mở đầu và chín bài kệ tụng tiếp theo. Bút giả dịch bài từ và chia ra ba phần để giảng. Hòa thượng Thiền Tâm dịch ba trong số chín bài kệ tụng. Đó là bài số một, bài số hai và bài số tám theo thứ tự.

     Mở đầu bài cảnh sách, Ngài Đạo An nêu ra cụ thể bổn phận nặng nề và khó khổ của người xuất gia: “Xuất gia hành Đạo, là việc nặng nhất, khó nhất, không nên tự khinh thường, không nên tự dễ dãi.”

Ngày nay, nhiều người cho rằng xuất gia là việc dễ, chỉ cần xuống tóc vào chùa gọi là xuất gia. Thậm chí, có người xuống tóc chưa bao lâu, hầu thầy lập hạnh chưa có, kinh luật chưa thông, đã được thọ giới đắp y, dự lễ Trai Tăng, nhận người đảnh lễ cúng dường! Ở Hoa Kỳ, có những vị lớn tuổi xuống tóc xuất gia, bất kể hạ lạp nhiều ít, liền được tấn phong làm Thượng tọa, hay Hòa thượng! Cho nên mới có câu:  

 

Ngày xưa Thượng tọa thì chày

Ngày nay Thượng tọa một ngày là xong!

     Hiện nay, có nhiều vị tùy tiện độ người xuất gia, dễ dãi cho phép thọ giới. Thầy đã không dạy trò nghiêm khắc, trò cũng không trải qua quá trình đồng hành, hay tập sự xuất gia theo quy củ Thiền môn. Vì vậy, chất lượng tăng ni suy giảm, thậm chí rồng rắn lẫn lộn, khiến Phật Pháp suy đồi.

     Cho nên trong giới luật quy định, người muốn thâu nhận đệ tử xuất gia phải mười hạ trở lên (nếu là ni cần hai mươi hạ trở lên), có giới đức, ít nhất phải thông hiểu tạng luật. Khi có người xin xuất gia, vị thầy phải nói chỗ khó khổ của đời sống xuất gia để kiểm chứng tâm ý của vị đó, mà không thể tùy tiện độ người.[1]  Cho nên, Ngài Đạo An mở đầu bài răn đã nói đến bổn phận nặng nhọc của người xuất gia và sự khó khổ của đường tu.

     Sao xuất gia gọi là việc nặng? Ngài Đạo An giải thích: “Xuất gia là việc nặng vì phải gánh vác đạo đức, giữ gìn Nhân Nghĩa, phụng trì tịnh giới, đến chết mới thôi.”

     Ở đây, chúng ta thấy Ngài dùng từ đạo đức của Lão Trang, nhân nghĩa của Nho giáo và tịnh giới của Phật giáo. Việc giải thích này cũng mang dấu vết cách nghĩa, tức dùng từ ngữ và khái niệm có sẵn của Trung Quốc để giải thích kinh điển Phật giáo trong thời kỳ đầu. Đạo đức và nhân nghĩa ở đây được dùng để người Trung Quốc thời đó quen lần và chấp nhận tinh thần giới luật của Phật giáo.  

     Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp, giới luật còn là Phật Pháp còn. Cho nên người xuất gia nghiêm trì tịnh giới ngoài mục đích giải thoát của tự thân, còn để Chánh Pháp cữu trụ. Đây chính là trách nhiệm nặng nề của người xuất gia.

     Sao xuất gia gọi là việc khó? Ngài Đạo An bảo: “Xuất gia là việc khó vì phải dứt bỏ thế tục, cắt ái từ thân, chuyển hóa tình tánh, không đồng với người, làm việc người không thể làm, dứt việc người không thể dứt, chịu khổ chịu nhục, hy sinh thân mạng, nên gọi là khó.”       

                                                       

     Trong những điều nêu trên, chỉ nói nhẫn nhục thôi đã là rất khó. Chúng ta có thể ôn lại lời đức Phật dạy về nhẫn nhục trong Kinh Di Giáo:

-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có người chặt đứt thân ông ra từng phần, hãy nên thu nhiếp tâm, không để sân hận khởi. Cũng nên giữ cửa miệng, đừng thốt ra lời ác. Nếu tâm sân nổi lên sẽ tự mình chướng Đạo, đánh mất vốn công đức. Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới, khổ hạnh! Người nhẫn nhục như vậy mới có thể gọi là bậc đại nhân sức mạnh. Ai không thể hoan hỷ nhẫn chịu độc mắng chửi như uống nước cam lộ thì không thể gọi là người nhập đạo trí tuệ.

 

     Như vậy, chỉ nhu hòa nhẫn nhục thôi đã rất khó làm, huống chi là “cắt ái từ thân, (…) làm việc người không thể làm, dứt việc người không thể dứt, chịu khổ chịu nhục, hy sinh thân mạng”! Cho nên, Cổ đức bảo: “Xuất gia là việc làm của bậc đại trượng phu, chẳng phải tướng văn tướng võ có thể làm được” (xuất gia giả nãi đại trượng phu chi sự, phi tướng tướng chi sở năng vi). 

* Lời Từ 2

   Chữ Hán:

名曰道人。道人者。

導人也。行必可履言

必可法。被服出家動

為法則。不貪不諍不

讒不匿。學問高遠志

在玄默。是為名稱參

位三尊。出賢入聖滌

除精魂。故得君主不

望其報。父母不望其

力。普天之人莫不歸

攝。損妻減養供奉衣

食。屈身俯仰不辭勞

恨者。以其志行清潔

通於神明。惔怕虛白

可奇可貴。

   Phiên âm:

   Kính tạ chư đệ tử đẳng. Phù xuất gia vi đạo chí trọng chí nan. Bất khả tự khinh, bất khả tự dị. Sở vị trọng giả, hà đạo bội đức, oanh nhân phụ nghĩa, phụng trì tịnh giới, tử nhi hữu dĩ. Sở vị nan giả, tuyệt thế ly tục, vĩnh cát thân ái, hồi tình dịch tánh bất đồng ư chúng. Hành nhân sở bất năng hành, cát nhân sở bất năng cát, nhẫn khổ thọ nhục, tổn khí xu mệnh, vị chi nan giả. 

   Phiên Âm

   Danh viết đạo nhân.

Đạo nhân giả, đạo nhân dã. Hành tất khả lý, ngôn tất khả pháp. Bị phục xuất gia, động vi pháp tắc. Bất tham bất tranh bất sàm bất nặc. Học vấn cao viễn, chí tại huyền mặc. Thị vi danh xứng tham vị tam tôn, xuất hiền nhập thánh, địch trừ tinh hồn. Cố đắc quân chủ bất vọng kỳ báo, phụ mẫu bất vọng kỳ lực, phổ thiên chi nhân mạc bất quy nhiếp. Tổn thê giảm dưỡng, cung phung y thực. Khuất thân phủ ngưỡng bất từ lao hận giả. Dĩ kỳ chí hạnh thanh khiết, thông ư thần minh, đạm bạc hư bạch, khả kỳ khả quý. 

Dịch nghĩa:

     [Người xuất gia] gọi là đạo nhân. Đạo nhân là người dẫn dắt người khác, nên việc làm phải gương mẫu, lời nói phải chuẩn mực. Mặc áo xuất gia, làm việc gì cũng phải hợp với khuôn phép, không tham, không tranh, không nịnh, không dối; học vấn cao xa, chí giữ huyền mặc. Đạo nhân danh đứng vào hàng Tam Tôn, tịnh hóa thân tâm, thành bậc hiền thánh. Vì vậy, đạo nhân được quân vương không mong đền ân, cha mẹ chẳng trông báo hiếu.

Người trong thiên hạ đều quy ngưỡng nương về, bớt phần vợ con để cúng dường cơm ăn áo mặc, hạ mình lễ bái, không nài lao nhọc. Đây là do người xuất gia ý chí cao xa, hạnh tu thanh tịnh, cảm thông với thần minh, đạm bạc trong sạch, thực hiếm thực quý. 

Lược giảng:

     Người xuất gia được gọi là đạo nhân, tức người xả tục theo đạo. Đạo là giác ngộ, cách dịch khác của chữ bồ-đề (bodhi). Vậy đạo nhân có thể hiểu là người đeo đuổi sự nghiệp giác ngộ, như đức Phật thuở xưa. Thành đạo cũng chính là thành Phật. Đại Trí Độ Luận nói: “Người đắc đạo gọi là đạo nhân, những người xuất gia chưa đắc Đạo cũng gọi là Đạo nhân” (得道者,名為道人。餘出家者,未得道者,亦名道人). Như vậy, đạo nhân chỉ cho người đã đắc đạo như Chứng Đạo Ca nói: “Tuyệt học vô vi: Đạo nhân nhàn” (絕學無為閒道人).  Đạo nhân cũng chỉ cho người đang đi trên đường đạo nhưng chưa chứng đạo như Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Đạo nhân thấy dục phải nên tránh xa” (道人見欲,必當遠之). 

     Trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đạo nhân chỉ người có đạo thuật, đồng nghĩa với đạo sĩ của Đạo giáo. Sau thời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế (408-452), từ đạo nhân hay đạo sĩ lần lần trở thành từ chuyên dụng của Đạo giáo. Vào thời Ngài Đạo An, từ đạo nhân chỉ cho người xuất gia Phật giáo vẫn còn rất thông dụng. 

     Lại nữa, từ đạo nhân tương đương với từ sa-môn (śramana), chỉ cho người xuất gia ở Ấn Độ. Sa-môn được dịch nghĩa là cần tức, được giải thích: cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si, tức siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si.  

     Ngài Đạo An định nghĩa từ đạo nhân theo cách riêng của mình: “Đạo nhân giả, đạo nhân dã” (道人者導人也). “Đạo nhân là người dẫn đường cho người khác.” Đây là Ngài chỉ trách nhiệm cao quý của người xuất gia là thay Phật hoằng Pháp, nên trước phải gương mẫu (thân giáo) cho người, rồi sau mới có thể chỉ dạy (khẩu giáo) con đường giác ngộ.  

     Cho nên, kế tiếp Ngài bảo: “Mặc áo xuất gia, làm việc gì cũng phải hợp với khuôn phép, không tham, không tranh, không nịnh, không dối; học vấn cao xa, chí giữ huyền mặc.” Không tham lam, không tranh hơn thua với đời là bản chất của người tu. Nếu đánh mất bản chất này, dù có xuống tóc đắp y, cũng không phải là người tu chân chính, vì trái với ý nghĩa sa-môn: “siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si.”

     Không dua nịnh, lấy lòng người giàu có, quyền quý để cầu danh lợi là khí tiết của người tu. Người tu nếu đánh mất khí tiết này thì không xứng đáng đứng vào hàng ngũ Tăng bảo. Kinh Di Giáo đức Phật dạy: 

 

-Này các thầy Tỳ-kheo, tâm dua nịnh trái Đạo! Cho nên phải giữ tâm luôn chân thực ngay thẳng. Nên biết tâm dua nịnh chỉ vì dối gạt người. Người đã vào trong Đạo đừng dua nịnh như vậy. Cho nên các ông phải đoan chánh tâm ý mình, lấy tâm ý ngay thẳng làm gốc của tu hành.

     “Học vấn cao xa, chí giữ huyền mặc” là phong cách của người tu. Người tu là người có trách nhiệm hướng dẫn đời sống tinh thần của thế gian, nên ngoài giới hạnh ra, cần phải có học vấn cao xa để làm tròn trách nhiệm này. Cổ đức bảo: “Ngọc không giũa, không thành đồ quý; người không học, không thông đạo lý” (Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo). Nhưng quan trọng hơn hết là phải “chí giữ huyền mặc.” Huyền là sâu xa kín đáo, mặc là im lặng. Người có học vấn chân thật là người suy nghĩ sâu xa, nhưng cẩn trọng lời nói, biết kính trên nhường dưới.  

     “Cho nên, đạo nhân xứng danh vào hàng Tam Tôn, xuất hiền nhập thánh, tịnh hóa tinh thần.” 

      Người xuất gia thọ Đại giới liền vào hàng ngũ Tăng bảo, một trong ba ngôi báu Phật Pháp Tăng, được mọi người tôn trọng, nên cũng gọi là Tam Tôn. Đây là nền tảng để người tu tịnh hóa thân tâm, thành bậc hiền thánh.

 

     Kế tiếp, Ngài Đạo An nhắc đến phước báo mà người xuất gia đang hưởng: “Đạo nhân được quân vương không mong đền ân, cha mẹ chẳng trông báo hiếu. Người trong thiên hạ đều quy ngưỡng nương về, bớt phần vợ con để cúng dường cơm ăn áo mặc, cung kính lễ bái, không nài lao nhọc.”

     Người xuất gia không phải đi lính để đền ơn vua, chẳng cần ở nhà để lo phụng dưỡng cha mẹ. Hơn nữa, người xuất gia được người tại gia tôn trọng, cung kính đảnh lễ, gọi là Thầy, là Đại đức, Thượng tọa v.v…, Tại sao người tu được như vậy? “Đây là do người xuất gia ý chí cao xa, hạnh tu thanh tịnh, cảm thông với thần minh, đạm bạc trong sạch, thực hiếm thực quý.” “Ý chí cao xa, hạnh tu thanh tịnh, đời sống đạm bạc” là những yếu tố giúp nên một người xuất gia hiếm có, đáng quý. 

     Những điều nêu trên là phước báo của người xuất gia mà cũng là dư phước mà đức Phật đã để lại cho người trưởng tử đức Như Lai. Phật tử vì kính Phật nên trọng Tăng. Nhưng người xuất gia cũng phải thường xét lại đức hạnh của mình, xem có xứng đáng với sự cung kính, cúng dường đó không? Lại nữa, phải thường có tâm tri ân, tinh tấn tu hành, lấy Phật Pháp để đền ơn đáp nghĩa. Cho nên, Ngài Thật Hiền nói một trong mười lý do mà người tu phải phát tâm Bồ-đề là vì đền ơn đàn-na tín thí:

Thế nào gọi là vì nhớ ơn thí chủ?

Chúng ta hiện nay, nhu cầu hàng ngày đều nhờ kẻ khác. Hai thời cơm cháo, bốn mùa áo y, ăn mặc chi phí, bệnh tật thuốc men đều do tín thí cúng dường.

Người ta khó nhọc cày bừa, chưa chắc đủ ăn hai bữa; ta lại ngồi yên thọ nhận, còn chưa vừa ý nọ kia. Người ta may dệt chẳng ngơi, sự sống e còn khốn khó, ta nay ăn mặc dư dã, đâu từng quý tiếc đàn na? Người ta lều lá cửa tre, suốt đời lao đao lận đận, ta lại nhà to sân rộng, quanh năm nhàn nhã ung dung! Nhọc nhằn kẻ khác, yên ổn thân ta, hỏi lòng có an chăng? Lợi ích của người, vun đắp cho mình, xét lý có thuận không?

Nếu mình bi trí chưa tròn, phước tuệ chưa đủ thì ân sâu tín thí, vật cúng đàn na, dù hạt gạo tấc tơ cũng phải đền trả, quả báo xấu ác, sao tránh được đây? Đó là nhân duyên thứ tư phát tâm Bồ-đề.[2]

     Như vậy, Ngài Đạo An nhắc đến phước báo và nhân duyên thù thắng mà người xuất gia đang có để khuyên các đệ tử tinh tấn tu hành, cho xứng đáng với những gì mình đang thọ nhận. Nếu không, như Ngài Thật Hiền nói, phải mang lông đội sừng để đền trả nợ xưa. 

 

 * Lời Từ 3

  Chữ Hán:

自獲荒流道法遂替。

新學之人未體法則。

著邪棄正忘其真實。

以小黠為智。以小

恭為足。飽食終日

無所用心。退自推

觀良亦可悲。計今

出家或有年歲。經

業未通文字不決。

徒喪一世無所成名。

如此之事可不深思。

無常之限非旦即夕。

三塗苦痛無強無弱。

師徒義深故以申示。

有情之流可為永誡 。

Phiên Âm:

    Tự hoạch hoang lưu đạo pháp toại thế. Tân học chi nhân vị thể pháp tắc, trước tà khí chánh, vong kỳ chân thật, dĩ tiểu hiệt vi trí, dĩ tiểu cung vi túc. Bão thực chung nhật vô sở dụng tâm. Thối tự suy quán lương diệc khả bi. Kế kim xuất gia hoặc hữu niên tuế, kinh nghiệp vị thông, văn tự bất quyết, đồ táng nhất thế vô sở thành danh. Như thử chi sự khả bất thâm tư? Vô thường chi hạn phi đán tức tịch, tam đồ khổ thống vô cường vô nhược. Sư đồ nghĩa thâm cố dĩ thân thị. Hữu tình

chi lưu, khả vi vĩnh giới. 

Dịch nghĩa:

     Tự mình phóng túng đạo pháp mới suy đồi. Người mới học chưa hiểu pháp tắc, bỏ chánh chấp tà, quên mất chân thực, lấy thông minh vặt cho là trí, dùng lợi cúng nhỏ cho là đủ, suốt ngày ăn no, không chỗ dụng tâm. Nếu lui bước tự xét lại mình, cũng thấy thực rất đáng thương! Xét ra, ngày nay xuất gia, có người đã nhiều năm mà kinh pháp không thông, văn tự chẳng rõ, luống mất một đời, không chút thành tựu. Những việc như vậy, há chẳng biết suy nghĩ kỹ sao? Đại hạn vô thường đến, không sớm thì tối, không luận mạnh yếu, phải chịu đau khổ nơi ba đường. Vì nghĩa thầy trò sâu nặng, nên mới chỉ ra, những ai có đạo tình, xin lấy đây mãi mãi làm lời răn nhắc. 

 

Lược giảng:                                 

     Mở đầu đoạn này, Ngài Đạo An bảo: “Tự mình phóng túng đạo pháp mới suy đồi.” Câu này một đao trực nhập, đi thẳng vào vấn đề. Đạo pháp suy đồi là do đâu? Thường chúng ta hay nói thế lực chính trị này, âm mưu tôn giáo kia phá hoại Phật giáo. Nhưng thực ra, như đức Phật đã nói: “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn thịt được sư tử, cũng vậy, chỉ có đệ tử Phật mới phá hoại được Phật Pháp, chẳng phải ngoại đạo thiên ma nào phá nỗi.” 

     Kế tiếp, Ngài Đạo An chỉ ra cụ thể những hiện tượng phóng túng của người mới xuất gia và xuất gia lâu năm. Đối với người mới xuất gia: “Người mới học chưa hiểu pháp tắc, bỏ chánh chấp tà, quên mất chân thực, lấy thông minh vặt cho là trí, dùng lợi cúng nhỏ cho là đủ, suốt ngày ăn no, không chỗ dụng tâm.” Còn người xuất gia lâu năm: “Ngày nay xuất gia, có người đã nhiều năm mà kinh pháp không thông, văn tự chẳng rõ, luống mất một đời, không chút thành tựu.”

     Đây cũng là lý do Ngài viết chín bài răn để lại cho đệ tử, với tinh thần: “Phật Pháp hưng vong, tăng ni hữu trách”!  Những lời khuyên răn của Ngài rất chân tình và tha thiết. Bút giả vô cùng cảm động khi đọc được những dòng này: “Đại hạn vô thường đến, không sớm thì tối, không luận mạnh yếu, phải chịu đau khổ nơi ba đường. Vì nghĩa thầy trò sâu nặng, nên mới chỉ ra, những ai có đạo tình, xin lấy đây mãi mãi làm lời răn nhắc.”

     Đạo tình giữa thầy trò, sâu nặng đến mức đó sao? 

Kệ Cảnh Sách 1

   Chữ Hán:                          

卿已出家

永違所生。  

剃髮毀容

法服加行。

辭親之日

上下涕零。

剖愛榮道

意凌太清。  

當遵此志

經道修明。

如何無心

故存色聲

悠悠竟日

經業不成。

德行日損

穢積遂盈。 

師友慚恥

凡俗所輕。

如是出家

徒自辱名。

今故誨勵

宜當專精

Phiên âm:

Khanh dĩ xuất gia 

Vĩnh vi sở sanh。   

Thế phát hũy dung

Pháp phục gia hành

Từ thân chi nhật

Thượng hạ thế linh

Phẫu ái vinh đạo

Ý lăng thái thanh

Đương tuân thử chí

Kinh đạo tu minh

Như hà vô tâm

Cố tồn sách thanh

du du cánh nhật

Kinh nghiệp bất thành

Đức hạnh nhật tổn

Uế tích toại doanh

Sư hữu tàm sĩ

Phàm tục sở khinh

Như thị xuất gia

Đồ tự nhục danh

Kim cố hối lệ

Nghi đương chuyên tinh

Dịch nghĩa:

Ông đã xuất gia

Xa lìa mẹ cha

Cạo tóc hủy hình

Khoác mảnh áo đà

Ngày từ thân thuộc

Lớn nhỏ lệ sa;

Diệt tình vui đạo

Chí cao thiên hà.

Nên giữ tâm ấy

Học nghiệp cho minh

Nếu còn đem tâm

Theo đường sắc thinh

Lững lơ năm tháng

Đạo nghiệp không thành

Đức hạnh ngày tổn

Tiếng xấu ngày sinh

Thầy bạn hổ thẹn

Người tục cười khinh.

Xuất gia như thế

Chỉ thêm nhục mình.

Nay lời khuyên nhắc

Phải gắng chuyên tinh. 

Lược giảng:

Mở đầu, Đạo An tóm lược bổn phận và lý tưởng của người xuất gia:

Ông đã xuất gia

Xa lìa mẹ cha

Cạo tóc hủy hình

Khoác mảnh áo đà

Ngày từ thân thuộc

Lớn nhỏ lệ sa;

Diệt tình vui đạo

Chí cao thiên hà.

      Người xuất gia đầu tròn áo vuông (viên đảnh phương bào). Cạo tóc vì quyết ý dứt trừ ái nhiễm phiền não (tự giác), còn đắp y vì nguyện gánh lên mình gia nghiệp hoằng Pháp lợi sinh của Như Lai (giác tha); hay xuống tóc vì: “Diệt tình vui đạo”, còn đắp y vì “Chí cao thiên hà.” 

      Kinh Phước Điền nói: 

Hình hài hũy bỏ

Khí tiết giữ gìn

Ái ân cắt tuyệt

Thân thích dứt tình

Xuất gia học đạo

Hoằng pháp lợi sinh

Nguyện cứu muôn loài 

Thoát khỏi khổ hình![3] 

     Quy Sơn Cảnh Sách cũng nói: “Là người xuất gia phát tâm siêu việt, tâm hình khác tục, nối thạnh dòng Phật, chấn nhiếp ma quân, đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi.”[4] Đây chính là sơ tâm cao quý của người tu. Cho nên, Ngài Đạo An khuyên đệ tử giữ vững đạo tâm ban đầu này:

Nên giữ tâm ấy

Học nghiệp cho minh.

     Học nghiệp là một phần của đạo nghiệp. Học trong Phật Pháp bao gồm nghĩa tu học, hay huấn luyện thân tâm (training) mà không phải chỉ học hiểu (learning) hay nghiên cứu (studying) như thế gian pháp. Chỉ khi nào chứng được A-lahán, mới là bậc vô học, còn trước đó đều là hàng hữu học.   

     Ngược lại:

Nếu còn đem tâm

Theo đường sắc thinh

Lững lơ năm tháng

Đạo nghiệp không thành

thì kết quả sẽ:

Đức hạnh ngày tổn

Tiếng xấu ngày sinh

Thầy bạn hổ thẹn

Người tục cười khinh.

     Người xưa bảo: “Việc học như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt lùi.” Việc tu học trong

Phật Pháp lại càng đúng hơn, vì người tu là người đi ngược dòng đời (upstream), chỉ cần một phút đánh mất chánh niệm, cũng có thể tạo ra lỡ lầm muôn kiếp, huống chi là thường xuyên lười nhác! Cho nên, Ngài Đạo An ân cần cảnh tỉnh:

Xuất gia như thế

Chỉ thêm nhục mình.

Lời nói của Ngài rất thẳng, ai có lầm lỗi nghe qua rất đau, nhưng có tác dụng cảnh sách lớn, như ngọn roi quất mạnh lên mình những con ngựa yếu hèn:  

Nay lời khuyên nhắc

Phải gắng chuyên tinh. 

    Những ai hảo tâm xuất gia, biết hổ biết thẹn, nghe qua lời này nhất định sẽ đứng dậy, dõng tiến trên đường giải thoát!

Kệ Cảnh Sách 2

Chữ Hán

卿已出家

棄俗辭君。  

應自誨勵

志果青雲。 

財色不顧

與世不群。

金玉不貴

惟道為珍。 

約己守節

甘苦樂貧。

進德自度

又能度人。

如何改操

趨走風塵。

坐不暖席

馳騖東西。 

劇如徭役

縣官所牽。

經道不通

戒德不全。  

朋友蚩弄

同學棄捐。

如是出家

徒喪天年。  

今故誨勵

宜各自憐

   Phiên Âm

Khanh dĩ xuât gia

Khí tục từ quân

Ưng tự hối lệ

Chí quả thanh vân

Tài sắc bất cố

Dữ thế bất quần

Kim ngọc bất quý

Duy đạo vi trân

Ước kỷ thủ tiết

Cảm khổ lạc bần

Tiến đức tự độ

Hựu năng độ nhân

Như hà cải tháo

Xu tẩu phong trần

Tọa bất noãn tịch

Trì vụ đông tây

Kịch như dao dịch

Huyện quan sở khiên

Kinh đạo bất thông

Giới đức bất toàn

Bằng hữu si lộng

Đồng học khí quyên

Như thị xuất gia

Đồ táng thiên niên

Kim cố hối lệ

Nghi các tự liên.

Dịch Nghĩa:

Ông đã xuất gia

Phụ tình quân thân

Phải nên cố gắng

Chí nhìn thanh vân

Xa miền danh sắc

Phong thái siêu trần

Vàng bạc chẳng quý

Duy đạo là hơn

Giữ tiết thanh cao

Nghèo khổ không sờn

Tu đức độ mình

Độ khắp thế nhân.

Nếu như cải tiết

Theo thói phong trần

Ngồi chẳng ấm chiếu

Chạy khắp tây đông

Thân như sai dịch

Danh lợi mê lòng

Giới đức kém thiếu

Đạo lý chẳng thông

Đàn tín bình luận

Bạn hữu xa dần

Xuất gia như thế

Năm tháng uổng công

Nay lời khuyên nhắc

Tự thương tự phòng.

Lược giảng:

     Đây là bài kệ cảnh sách thứ hai để lại cho đệ tử của Pháp sư Đạo An. Mở đầu bài cảnh sách, Ngài nhắc lại người xuất gia phải lập hạnh trong sạch để thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình:

Ông đã xuất gia

Phụ tình quân thân

Phải nên cố gắng

Chí nhìn thanh vân

Xa miền danh sắc

Phong thái siêu trần.

     Sao gọi là “phụ tình quân thân”? Quân là vua trong thời phong kiến, hay quốc gia trong thời hiện đại. Thân là cha mẹ. Người xuất gia không làm nghĩa vụ quốc gia như đi lính để đền ơn vua hay ơn nước, cũng không lập gia đình, ở nhà phụng dưỡng mẹ cha, nên gọi là phụ tình quân thân. Vậy bù đắp lại, người xuất gia phải có lý tưởng cao đẹp, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh, đó gọi là “chí nhìn thanh vân.” Thanh vân nghĩa đen là mây xanh, hay trời cao. Còn nghĩa mở rộng chỉ cho quan cao lộc cả hay chí hướng cao xa vĩ đại. Ở đây, thanh vân được hiểu ở nghĩa thứ hai, tức chí hướng xuất trần, hoài bão hoằng Pháp độ sinh. 

     Đã có chí hướng cao thượng rồi, người xuất gia còn phải lập hạnh. Đó là:

Sáu căn thanh tịnh

Ba nghiệp sạch trong

Chẳng nhiễm duyên đời

Thường tu phạm hạnh.

Nghiêm trì giới cấm

Chẳng vướng nghiệp trần 

Vững chãi oai nghi   

Không hại sinh mạng.

         (Sám Quy Mạng-Sakya Minh-Quang dịch)

     Đây là điều mà Ngài Đạo An gọi là:

Xa miền danh sắc

Phong thái siêu trần.

Vàng bạc chẳng quý

Duy đạo là hơn

Giữ tiết thanh cao

Nghèo khổ không sờn

Tu đức độ mình

Độ khắp thế nhân.

     Từ bước đầu lập hạnh, sẽ dần dần hình thành đạo phong của người tu sĩ. Người tu ít muốn biết đủ, nên tuy nghèo về vật chất, nhưng lại rất giàu có về đời sống tinh thần. Cho nên trong Kinh Phật Di Giáo đức Phật dạy: “Người mà không biết đủ tuy giàu nhưng lại nghèo, người biết đủ tuy nghèo lại vô cùng giàu có. Người mà không biết đủ bị năm dục kéo lôi, người biết đủ thấy vậy, cảm thấy thực đáng thương.”

     Kinh Tám Điều Giác Ngộ cũng nói:

 

Bậc Bồ-tát vô cầu biết đủ

Vui phận nghèo quy củ tu hành

Trau giồi tuệ nghiệp lợi sanh

Vung gươm trí tuệ, dứt mành vô minh!

      Cho nên, đức Phật dạy người tu không nên lấy chùa to Phật lớn, hay đệ tử đông làm sự nghiệp, cho đó là thành tựu, mà phải lấy “trí tuệ làm sự nghiệp” (duy tuệ thị nghiệp), và giác ngộ giải thoát làm thành tựu. Người chân tu có duyên xây dựng đạo tràng, trùng kiến tự viện đều vì tiếp chúng độ tăng, hoằng dương Chánh Pháp mà không phải vì danh tiếng hay vật chất. 

     Kế tiếp, Ngài Đạo An răn nhắc những người quên lãng tâm tốt ban đầu, đánh mất khí tiết người tu:

 

Nếu như cải tiết

Theo thói phong trần

Ngồi chẳng ấm chiếu

Chạy khắp tây đông

Thân như sai dịch

Danh lợi mê lòng

Giới đức kém thiếu

Đạo lý chẳng thông

Đàn tín bình luận

Bạn hữu xa dần

Xuất gia như thế

Năm tháng uổng công.

     Cổ đức bảo: 

Thà trên bồ đoàn ngồi chết đói

Không vì cơm áo cầu nhân tình!

 

     Người tu thà ngồi trên bồ đoàn tọa thiền mà chết, quyết không vì cơm ăn áo mặc mà rong ruổi các nơi, xu phụ quyền quý, vì tìm cầu danh lợi. Đây là những thứ đức Phật khi xuất gia đã bỏ lại sau lưng, như đôi dép rách, lẽ nào những người xuất gia theo Phật lại lượm lấy để tự hào? Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ Kheo, hãy thừa tự

Pháp của ta mà đừng là người thừa tự tài vật.” Người mới xuất gia phải gần thầy, phục dịch, bồi công lập đức, lập hạnh dài lâu, mới có thể nối được gia nghiệp Chánh Pháp mà đức Thế Tôn để lại.  

      Cuối cùng Ngài kết luận:

Xuất gia như thế

Năm tháng uổng công 

Nay lời khuyên nhắc 

Tự thương tự phòng!

Người xuất gia nên tự thương mình mà đề phòng đừng phạm lầm lỗi.  

Kệ Cảnh Sách 3

Chữ Hán:                                

卿已出家

性有昏明。

學無多少

要在修精。

上士坐禪

中士誦經。

下士堪能

塔寺經營。

豈可終日

一無所成。

立身無聞

可謂徒生。

今故誨汝

宜自端情。

Dịch nghĩa:

Ông đã xuất gia

Tối hoặc thông minh

Học dù nhiều ít

Hạnh gắng chuyên tinh

Bậc thượng thiền quán

Bậc trung tụng kinh

Bậc hạ tu phước

Chùa tháp kinh dinh

Đâu nên hôm sớm

Một việc không thành

Xuất gia như thế

Luống uổng kiếp sinh

Nay lời khuyên nhắc

Chớ phụ lấy mình.

Lược Giảng:

     Tu học có hai pháp: pháp học và pháp hành. Căn tính con người có sáng tối, mau chậm khác nhau, nhưng luận về tu hành, lấy thành tâm chân thực làm điều đáng quý. Thành tâm và chân thực chính là bước đầu xây dựng đạo hạnh của người tu. Cho nên, Ngài Đạo An bảo:

Ông đã xuất gia

Tối hoặc thông minh

Học tuy nhiều ít

Hạnh gắng chuyên tinh. 

     Thông minh là cái mình không thể tự quyết định được, nhưng chuyên cần là điều mình có thể làm để bù đắp cho chỗ bất túc của thiên tư. Cho nên có câu: “Lấy cần cù bù thông minh” là vậy. Lại nữa, thông minh hay ngu tối chỉ tương đối mà thôi. Người thông minh học một biết mười, người ngu tối học mười biết một. Nhưng tất cả đều là nhân quả, không phải tự nhiên có thông minh hay ngu ám. Ai đời trước đã học chín, đời này chỉ cần học một là biết mười! Ai đời trước mang nghiệp trừ chín, giờ học mười biết một! Nhìn trên kết quả dường như ngu trí có khác nhau, nhưng nhìn toàn bộ quá trình, tất cả đều bình đẳng trên lý nhân quả. Cho nên, chỉ cần chúng ta siêng năng tu hành, đều có thể chuyển nghiệp, hóa ngu thành trí, chuyển phàm thành thánh. 

     Ngài Đạo An chia người xuất gia làm ba hạng:

Bậc thượng thiền quán

Bậc trung tụng kinh

Bậc hạ tu phước

Chùa tháp kinh dinh

 

     Bậc thượng căn là người hảo tâm xuất gia, có giới hạnh và đầy đủ trí tuệ. Vì đã nắm vững đạo lý tu hành, nên vị này trực tiếp dùng công phu thiền quán, soi chiếu lại thân tâm, nhằm dứt trừ mê lầm, cuối cùng được giác ngộ, giải thoát.

     Bậc trung căn là người hảo tâm xuất gia, có giới hạnh, nhưng chưa đủ trí tuệ, cần phải đọc tụng kinh để nắm vững đạo lý tu hành. Sau đó, vị này mới có thể thiền quán, dứt trừ si mê phiền não, được giác ngộ, giải thoát.

     Bậc hạ căn là người hảo tâm xuất gia, có giới hạnh, nhưng trí nhớ kém, sức tư duy yếu, nên học kinh khó nhớ, thiền quán khó thành. Vị này trước phải bồi công lập đức, phục vụ đại chúng, xây dựng chùa tháp. Lần lần, nghiệp dứt trí sinh, thành tựu chánh kiến tu hành, cuối cùng cũng có thể giác ngộ, giải thoát. 

     Tuy nói là ba, nhưng căn tánh không có nhất định, tùy theo sự cố gắng tu hành mà chuyển hóa. Người căn tánh nhanh lẹ, nếu ỷ lại mình thông minh mà giãi đãi tu hành, cũng có thể cả đời không chút thành tựu, thậm chí đọa lạc. Ví dụ, thời đức Phật còn tại thế, Tỳ-kheo Thiện Tinh là người tinh thông mười hai bộ kinh, chứng được tứ thiền, cho đó là niết-bàn. Sau ông gần gũi ác tri thức, tu hành giãi đãi nên đánh mất tứ thiền. Vì vậy, ông cho là không có niết-bàn, không có nhân quả, nên hoàn tục theo ngoại đạo. Vì tà kiến này, ông rốt cuộc đọa và địa ngục.[5]

     Ngược lại, người căn tánh chậm lụt, nhưng cố gắng tu hành, cũng có thể chuyển hóa nghiệp xưa, khai mở tuệ giác, trở thành bậc thượng căn thượng trí. Ví dụ, thuở xưa Bàn-đặc, tâm trí u tối, học một bài kệ ba tháng không nhớ. Nhưng ông chân thành tu học, sau nhờ đức Phật chỉ dạy phép tu chỉ quán qua việc quét nhà, cuối cùng nghiệp sạch tình không, chứng quả A-la-hán. Từ đó, Bàn-đặc trí tuệ siêu quần, biện tài vô ngại.  

     Lại nữa, người tu không nhất định phải hạn cuộc vào hình thức. Người tu lúc cần thì công quả, đến thời lại tụng kinh, tọa thiền, nhưng quan trọng nhất phải chánh niệm trong từng việc làm và thiền quán trong từng giây phút. Cho nên, thực ra căn thượng trung hạ quyết định nơi tâm của hành giả mà không phải ở hình thức bên ngoài. Chúng ta đừng hiểu lầm, đọc đoạn cảnh sách của Ngài Đạo An xong cho rằng, người công quả là hạ căn, người tụng kinh trung căn, còn người tọa thiền cho là thượng căn! Ở đây Ngài Đạo An ý nói, tùy theo năng lực của mình mà xây dựng đạo nghiệp, ai hảo tâm xuất gia, tinh tấn tu hành, không luận căn tánh đều có thể thành tựu! Nhưng đã là người lập chí tiến tu, trong ba việc trên, ít nhất phải làm tròn một việc, mới không uổng duyên lành xuất gia tu học. Vì vậy, tiếp theo Ngài Đạo An bảo:

Đâu nên hôm sớm

Một việc không thành

Xuất gia như thế

Luống uổng kiếp sinh.

Nay lời khuyên nhắc

Chớ phụ lấy mình.

     Phật và Bồ-tát không bỏ chúng ta. Thầy tổ cũng không bỏ chúng ta. Đàn-na tín thí lại càng không bỏ chúng ta. Chỉ có chúng ta tự bỏ chúng ta. Chỉ có mình tự phụ lấy mình! Đó là đánh mất tâm tốt xuất gia, tự cam đọa lạc!

-------------------------------------------------------

[1] Xem Thích Thánh Nghiêm, chương “Tố Sư Thọ Giới Đích Tư Cách”, sách Luật Chế Sinh Hoạt: Phật Giáo Đích Ẩm Thực Quy Chế, tr. 3.

[2] Sakya Minh-Quang dịch. Văn Khuyên Phát Tâm Bồ-đề. 

[3] Phật thuyết Chư Đức Phước Điền Kinh《佛說諸德福田經》「毀形守志節, 割愛無所親,出家弘聖道, 願度一切人, 五德超世務, 名曰最福田, 供養獲永安, 其福第一尊」Đại Chánh Tạng 16, tr. 777a-b. 

[4] Truy Môn Cảnh Huấn《緇門警訓》「夫出家者發足超方心形異俗。紹隆聖種震懾魔軍。用報四恩拔濟三有。」Đại Chánh Tạng 48, tr. 1043a. 

[5] Xem Kinh Đại Bát Niết-bàn, Đại Chánh Tạng 12, tr. 806c.

Phiên Âm

Khanh dĩ xuất gia

Tánh hữu hôn minh

Học vô đa thiểu

Yếu tại tu tinh

Thượng sĩ tọa thiền

Trung sĩ tụng kinh

Hạ sĩ kham năng

Tháp tự kinh dinh

Khởi khả chung nhật

Nhất vô sở thành

Lập thân vô văn

Khả vị đồ sinh

Kim cố hối nhữ

Nghi tự đoan tinh.

bottom of page