top of page

                                               Dịch giả Sakya Minh-Quang

Mục Lục

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

                

                       QUYỂN THỨ NHẤT

 

           Đời Tây Tấn, Sa Môn Pháp Cự và Pháp Lập dịch từ Phạn sang Hán.

           Tỳ Kheo Sakya Minh-Quang dịch từ Hán sang Việt.

 

                     Phẩm Giáo Học Thứ 2

 

Thí dụ 7

   Thuở xưa, đức Phật trú ở tinh xá Kỳ Thọ nước Xá-vệ. Ngài dạy các Tỳ-kheo hãy tinh tấn tu tập đạo nghiệp, dứt trừ các ấm cái, tâm trong sáng, tinh thần định tĩnh, mới có thể tránh được các khổ.

   Có một Tỳ-kheo tâm trí không thông đạt, suốt ngày ăn no xong lại vào phòng đóng cửa nằm ngủ. Ông ấy yêu mến huyễn thân, chỉ lo hưởng lạc thích ý mà không biết nghĩ đến vô thường, mà không ngờ rằng bảy ngày sau mạng mình sẽ hết.

   Đức Phật xót thương, sợ rằng sau khi ông mất sẽ đọa vào đường ác nên bước đến phòng gõ cửa cảnh tỉnh ông:

           Ôi hãy dậy đừng mê

           Loài rận, ốc, trai, mọt

           Ẩn mình trong bất tịnh

           Mê hoặc chấp làm thân.

                ***

           Đâu có bị chém thương

           Mà tâm như trẻ bệnh

           Đối trước bao ách nạn

           Lại tham đắm ngủ nghê.

                 ***

           Biết nghĩ, không phóng dật

           Lo học đạo từ bi

           Do đó không ưu sầu

           Thường nhớ trừ vọng tưởng.

                ***

           Chánh kiến luôn trau dồi

           Là ánh sáng giữa đời

           Sinh ra, phước đầy đủ

           Chết không đọa ác đạo.

     咄起何為寐  Đốt khởi hà vi mị

     螉螺蜯蠹類     Ông loa bạng [1] đố loại

     隱蔽以不淨  Ẩn tế dĩ bất tịnh

     迷惑計為身    Mê hoặc kế vi thân.

            ***         

     焉有被斫瘡  Yên hữu bị chước sang

     心如嬰病痛    Tâm như anh bệnh thống

     遘于眾厄難  Cấu vu chúng ách nạn

     而反為用眠    Nhi phản vi dụng miên.

            ***

     思而不放逸  Tư nhi bất phóng dật

     為仁學仁迹    Vi nhân học nhân tích

     從是無有憂  Tùng thị vô hữu ưu

     常念自滅意    Thường niệm tự diệt ý.
            ***

     正見學務增  Chánh kiến học vụ tăng

     是為世間明    Thị vi thế gian minh

     所生福千倍  Sở sinh phúc thiên bội

     終不墮惡道    Chung bất đọa ác đạo.

 

 

 Vị Tỳ-kheo nghe kệ liền giật mình thức dậy. Ông trông thấy đức Phật đích thân khuyên dạy lại càng kinh sợ, nên liền đứng dậy đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Phật lại hỏi:

      -“Ông có tự biết túc mạng của mình không?”

   Vị Tỳ-kheo đáp: “Vì ấm cái[2] che ngăn nên không biết được”.

   Đức Phật bảo:

      -“Thuở quá khứ thời Phật Duy Vệ,[3] ông từng xuất gia song vì tham mê lợi dưỡng cung phụng cho huyễn thân, không lo niệm kinh trì giới, ăn no lại ngủ không nhớ đến lẽ vô thường, nên khi mạng chung thần thức đọa vào loài rận trải qua năm vạn năm, sau đó lại đọa vào loài trai, sò và sâu mọt trong cây, mỗi loài lại trải qua năm vạn năm nữa. Bốn loài này sinh trưởng trong bóng tối, tham yêu thân mạng, thích ở trong chỗ kín đáo tối tăm, lấy đó làm nhà, không thích ánh sáng. Chúng ngủ một giấc dài đến trăm năm, triền miên trong lưới tội lỗi mà không mong cầu giải thoát. Nay ông nhờ trả hết nghiệp tội mới được làm Sa-môn, sao lại còn ham ngủ không biết nhàm chán?”

   Bấy giờ, vị Tỳ-kheo nghe lại túc duyên của mình, liền hổ thẹn sợ hãi, ăn năn tự trách, quét sạch mây mù ngũ cái, chứng đắc quả A-la-hán.

                                  ***************************

Thí dụ 8

   Thuở xưa, đức Phật trú tại tinh xá Kỳ Hoàn nước Xá-vệ, vì tứ chúng trời người thuyết Pháp. Lúc ấy, có một vị Tỳ-kheo tuổi trẻ, tánh tình khờ dại chất trực, chưa hiểu được yếu nghĩa của đạo. Vị ấy vì tình ý mạnh mẽ luôn nghĩ đến sắc dục, không tự kiềm chế được, nên luôn bị lửa dục thiêu đốt, phiền não nhiễu loạn không sao giải thoát được.

   Vị ấy ngồi suy nghĩ: “Nếu ta chặt đứt nam căn, sau này sẽ thanh tịnh đắc đạo.” Nghĩ sao làm vậy, vị ấy liền đi đến nhà một người Phật tử tại gia mượn cây búa, rồi về phòng đóng cửa, cởi đồ, ngồi trên tấm ván định tự chặt đứt nam căn. Ông cho rằng: “Chính cái này khiến ta đau khổ. Trải qua sinh tử biết bao số kiếp, trôi lăn trong tam đồ lục đạo đều do nữ sắc. Nếu không chặt nó đi làm sao đắc đạo?”

   Đức Phật biết ông này vì ngu si nên mới suy nghĩ và hành động như vậy. Thật ra, đạo do chế phục tâm, tâm là nguồn gốc. Không biết cái chết cận kề mà tự hủy hoại thân thể chỉ gây thêm tội đọa, mãi chịu đau khổ!

   Bấy giờ đức Thế Tôn liền bước vào phòng vị ấy, hỏi rằng:

      -“Ông định làm gì đấy?”

   Vị Tỳ Kheo liền buông búa, mặc đồ trở lại, rồi thưa:

      -“Con học đạo đã lâu mà chưa hiểu được pháp môn tu tập. Mỗi khi tọa thiền, tâm an định sắp đắc đạo lại bị dục niệm che ngăn, lửa lòng lừng lẫy, tâm trí mê mờ, không còn phân biệt gì nữa. Con hết sức tự trách, nghĩ rằng việc này đều do nam căn đòi hỏi, nên mượn búa định chặt đứt nó đi.”

   Đức Phật nghe xong liền bảo:

      -“Ông sao ngu si không hiểu đạo lý? Người muốn cầu đạo trước phải dứt trừ si mê rồi sau mới chế phục tâm. Tâm là nguồn gốc của thiện ác. Muốn dứt trừ tận gốc rễ ái dục phải chế phục tâm. Tâm an định, ý thông hiểu mới đắc đạo được.”

   Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:

        Học đạo trước trừ gốc

       Bắt vua, ly khai quan

       Kẻ tùy tùng tan rã

       Là đạo nhân bậc thượng.

     學先斷母    Học tiên đoạn mẫu [4]

     率君二臣    Suất [5] quân nhị [6] thần

     廢諸營從    Phế chư doanh tùng [7]     

     是上道人    Thị thượng đạo nhân.

   Đức Phật lại nói: “Trong mười hai nhân duyên, si đứng đầu. Si là nguồn của các tội. Trí là gốc của các hạnh. Vì vậy, trước phải dứt trừ si, sau đó tâm ý mới an định.”

   Nghe đức Phật dạy xong, vị Tỳ Kheo ấy hổ thẹn tự trách:

      -“Ta vì ngu si mê hoặc, trước giờ không hiểu rõ kinh điển nên mới có ý nghĩ và hành động sai lầm như vậy. Nay được nghe những lời Phật dạy, thật là vi diệu lắm thay!”

   Nhờ đó, vị ấy thiền quán theo dõi hơi thở, kiểm soát nội tâm, hàng phục tình ý, dứt hết dục vọng, được chánh định chứng quả A-la-hán ngay trước Phật.

                                     ***************************

Thí dụ 9

   Thuở xưa, đức Phật trú tại núi Linh Thứu thành La-duyệt-kỳ vì hàng trời người, quốc vương, đại thần… thuyết Pháp cam lộ. Lúc ấy, có một vị Tỳ-kheo tánh nết cang cường, dũng mãnh. Đức Phật biết rõ tâm ý, nên dạy vị ấy:

      -“Ông hãy ra khe núi Quỷ Thần phía sau núi, ngồi dưới cội cây mà tu tập sổ tức quán, cầu được chánh định. Hãy theo dõi hơi thở biết rõ dài ngắn, giữ tâm ý (an ban thủ ý), dứt vọng tưởng, hết đau khổ sẽ được Niết-bàn”.

   Tỳ-kheo vâng lời liền đến khe núi tọa thiền. Núi rừng vắng vẻ, đồng vọng tiếng quỷ thần trò chuyện đã khiến cho Tỳ-kheo sinh lòng sợ hãi, không sao an tâm được. Vị ấy hối hận thầm nghĩ: “Mình thuộc dòng dõi lớn, giàu sang sung sướng mà không chịu ở nhà, lại đi xuất gia. Học đạo chỉ thấy cô tịch, ở chốn núi sâu không bạn bè, không có người qua lại chỉ có quỷ thần đe dọa thôi”.

   Vị ấy suy nghĩ như vậy, định bỏ đi thì đức Thế Tôn đã đến bên cạnh, ngồi xuống một gốc cây rồi hỏi:

      -“Ông ở đây một mình có sợ hãi không?”

   Vị Tỳ-kheo đáp:

      -“Đây là lần đầu tiên con vào núi tu tập, nên thật rất buồn lo.”

   Giây lát, có một con voi chúa đến gốc cây cạnh bên nằm, trong lòng hoan hỷ khoan khoái vì lánh xa được bầy đàn rộn ràng, ồn náo.

   Đức Phật biết được ý của voi bèn hỏi vị Tỳ-kheo:

      -“Ông có biết con voi này vì lý do gì đến đây chăng?”

   Vị Tỳ-kheo đáp:

      -“Bạch đức Thế Tôn, con không biết”.

   Đức Phật bảo:

      -“Con voi này có hơn năm trăm quyến thuộc lớn nhỏ. Nó vì chán ngán bầy đàn nên bỏ đi đến đây nằm dưới gốc cây và nghĩ rằng: “Xa được ngục tù ân ái thật an vui biết bao!” Voi là loài súc sinh mà còn biết nghĩ đến rảnh rang yên tĩnh, huống chi ông là người từ bỏ ngũ dục ở gia đình, cầu được giải thoát mà lại mong muốn có bè bạn. Nên biết bạn bè ngu ám gây ra rất nhiều tai hại. Hãy ở một mình không tiếp xúc bàn luận. Thà sống tu học một mình hơn là kết bạn với kẻ ngu.”

    Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ:

            Hãy học hạnh độc cư

            Nếu không có bạn hiền

            Thà một mình tu thiện

             Không làm bạn kẻ ngu.

               ***

            Vui tu học giới hạnh

            Cần chi kẻ bên ta

            Sống một mình an lạc

            Như voi giữa rừng già.

         學無朋類     Học vô bằng loại

         不得善友      Bất đắc thiện hữu

         寧獨守善      Ninh độc thủ thiện

         不與愚偕     Bất dữ ngu giai.

                    ***         

         樂戒學行      Lạc giới học hạnh

         奚用伴為        Hề dụng bạn vi

         獨善無憂      Độc thiện vô ưu

         如空野象       Như không dã tượng.

   Nghe đức Phật nói xong, Tỳ-kheo chợt tỉnh ngộ, thiền quán lời Phật dạy liền đắc quả A-la-hán. Các quỷ thần nơi khe núi cũng được nghe hiểu, phát tâm quy y làm đệ tử Phật. Từ đó họ phụng trì giáo pháp, không còn làm hại nhân dân. Đức Phật và Tỳ-kheo mới vừa đắc quả cùng nhau trở lại tịnh xá.

----------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

[1] ĐCTT ghi Bạng (*) đồng với *. Bản đời Minh ghi ** nên dịch giả dùng chữ này vì thông dụng hơn.

[2] Ấm cái (**): ấm là ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm món này chướng ngại, che lấp chân tánh khiến trí tuệ không phát sinh nên gọi là ngũ ấm. Cái là ngũ cái, tức năm món phiền não; tham dục, sân hận, hôn trầm thùy miên, điệu cử, nghi. Vì nó che lấp tâm tánh khiến thiện pháp không sinh nên gọi là cái (che ngăn).

[3]  Phật Duy Vệ tức Phật Tỳ-bà-hi (**** - S.Vipa’syin; P. vipassin), một trong bảy vị Phật quá khứ.

[4] Mẫu (*): *******: Phàm cái gì sinh ra cái khác đều gọi là mẫu. Vậy mẫu là chỉ cội gốc sinh ra ái dục, đó chính là tâm vô minh. Chúng thôi dịch thoát là “gốc”.

[5] Suất (*): *****: Gom lại tập trung một chỗ. Có ý là cô lập, bắt giam, kiểm soát. Suất quân là bắt vua, cô lập kiểm soát vua. Ý nói phải kiểm soát ý (vua), cô lập ý không cho khởi vọng niệm.

[6] Nhị (*): **: Nghi ngờ, không tín nhiệm. Nhị thần là làm cho nghi ngờ quần thần, không tín nhiệm quần thần. Ý nói không để cho ý (tâm vương) kết hợp cùng các tâm sở bất thiện (quần thần) tạo ra ý nghiệp.

[7] Doanh tùng là những kẻ sai khiến của vua quan (ý và các tâm sở). Ở đây chỉ những vọng động của thân nghiệp. Khi ý nghiệp không còn thì thân nghiệp cũng không có tạo tác. Nên nói: “Kẻ tùy tùng tan rã.”

bottom of page