top of page
Trang Nhà  < Bài Viết  < Lời Tựa Kinh Bát Đại Nhân Giác
Lời Tựa Kinh Bát Đại Nhân Giác

Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân tóm tắt giềng mối tu hành của Giải Thoát Đạo và Bồ-tát Đạo, tức con đường tự giác và giác tha để đưa đến giác hạnh viên mãn. Nếu nói Bát-nhã Tâm Kinh tóm tắt toàn bộ kinh điển thuộc hệ tư tưởng Bát-nhã, thì Kinh Tám Điều Giác Ngộ bao gồm toàn bộ Phật Pháp. Bốn điều giác ngộ đầu thuộc Giải Thoát Đạo hay tự giác vì chỉ dạy con đường tu tập thiền quán để điều phục tham, sân, si, khai phát chánh trí và chánh giải thoát. Đây là thiền quán về tính vô thường, khổ, không, vô ngã của thân tâm và cuộc đời (điều thứ nhất) và trợ

hạnh để thành tựu con đường tu này như ít muốn  (điều thứ hai), biết đủ (điều thứ ba), và tinh tấn tu tập (điều thứ tư). Bốn điều còn lại của Kinh Tám Điều Giác Ngộ thuộc về Bồ-tát Đạo hay giác tha. Bồ-tát phải thực hành văn-tư-tu để thành tựu trí tuệ và biện tài giúp cho việc hoằng Pháp lợi sinh (điều thứ năm). Bồ-tát xuất gia thuyết Pháp độ đời cũng phải có tâm sẵn sàng trước bao nghịch cảnh, chướng nạn khiđối trước sự ghét ganh, oán hờn vô lý và ấm lạnh của tình người (điều thứ sáu). Bồ-tát cư sĩ thân tuy tại gia mà tâm xuất gia, không tham đắm dục lạc thế gian, tâm luôn hướng thượng như hoa sen gần bùn mà không nhiễm (điều giác ngộ thứ bảy). Cuối cùng, Kinh nhấn mạnh nền tảng Bồ-tát Đạo của Phật giáo Đại Thừa là Bồ-đề tâm: Bồ-tát phải có lý tưởng lớn, có tâm lượng rộng để dấn thân vào đời, hy sinh vì lợi ích chúng sinh (điều thứ tám).

           

         

bottom of page