top of page

                                            Sakya Minh-Quang dịch

 

Những điểm tương đồng

    Có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đời của bậc thầy lớn Atisha và đức Dalai Lama Tenzin Gyatso đời thứ 14. Giống như đức Dalai Lama, ngài Atisha là một tu sĩ kiêm học giả nổi tiếng về hệ thống triết học Phật giáo trong thời đại của mình. Thêm nữa, giống như đức Dalai Lama, ngài Atisha đã đi khắp nơi; giã từ Ấn Độ quê hương của mình, ngài đã dấn thân đến những vùng đất xa xôi được xem như thế giới thời đó để học hỏi và thực hành Phật Pháp. Cũng giống đức Dalai Lama, ngài Atisha đã đối diện trước thách thức của thời đại, tìm ra những phương thức mới để trình bày giáo pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ hơn 1500 năm trước một cách sáng tạo và thích hợp cho những người đang sống trong thời đại và nền văn hóa riêng của mình.

 

Cuộc đời của ngài Atisha

Căn lành tuổi thơ

 

Ngài Atisha sinh năm 982 ở East Bengal. Giống như đức Phật Thích-ca, ngài sinh ra trong một gia đình hoàng tộc với tên là Chandrabarbha, nghĩa là Nguyệt Thể (Moon Essence). Sau đó ngài được vua Tây Tạng Jangchub Oe tặng hiệu là Atisha, nghĩa là An Tịnh (peace). Tương truyền nhiều điềm lành đã xuất hiện khi ngài sinh ra. Thêm nữa, từ thuở bé Hoàng tử Chandragarbha đã tỏ ra an tịnh and từ bi khác người và có chí đi theo con đường giải thoát.

 Khi vừa mới mười tám tháng tuổi, cha mẹ đã đưa vị hoàng tử còn thơ này đến viếng một ngôi chùa lân cận. Hàng ngàn người đã đứng dọc theo những con đường trong thành để được ngắm nhìn vị Hoàng tử bé. Atisha đã hỏi cha mẹ: “Những người này là ai?” Họ trả lời: “Họ đều là thần dân của con.” Nhìn đám đông với lòng từ bi, Atisha nói: “Giá mà họ có được phước báo và giàu có như con. Mong rằng tất cả mọi người đều theo Chánh Pháp!”

 Rõ ràng đây không phải là một đứa bé bình thường. Theo lời Phật dạy, những việc làm và kinh nghiệm (nghiệp) trong những đời sống quá khứ sẽ lưu lại và ảnh hưởng đến kinh nghiệm và cá tính của chúng ta trong đời sống hiện tại. Trong trường hợp của vị Hoàng tử bé này, hành vi trên của Atisha chỉ có thể được giải thích rằng ngài đã có căn lành sâu chắc trong đời quá khứ. 

Vị Hoàng tử bé này cũng có duyên đặc biệt với Tara (Độ mẫu), vị Bồ-tát thị hiện thân nữ để thể hiện hạnh đại từ bi của tất cả chư Phật. Tương truyền rằng khi Atisah còn là đứa bé ngồi trên đùi mẹ, những đóa hoa màu xanh thỉnh thoảng lại rơi xuống từ bầu trời và Atisha dường như đang mĩm cười với những cảnh tượng không thấy bằng mắt thường. Một vị đại hành giả Du-già của đất nước đã giải thích rằng đây là dấu hiệu Tara đã hiện ra trước Atisha. Những biểu hiện của Atisha là điềm báo liên quan đến những bậc Đạo sư. Cho nên cha mẹ Atisha sợ rằng con mình sẽ từ bỏ đất nước để trở thành một người xuất gia. Vì vậy, họ nuôi dưỡng con mình trong tiện nghi xa hoa từ thuở bé. Đến lúc trưởng thành họ đã sắp đặt việc hôn nhân cho ngài. Một số thiếu nữ đẹp nhất, thuộc dòng giõi quý phái trong nước được chọn ra và giới thiệu cho ngài. Họ mong rằng ngài sẽ lấy một người trong số đó làm vợ.

Lúc đó, Tara hiện ra và khuyên ngài đừng chấp trước vào ngôi vị và cuộc sống thế tục. Tara cũng khuyên rằng Atisha có duyên lớn để trở thành bậc Đạo sư vĩ đại vì đã từng tu tập thiền quán trong nhiều kiếp ở quá khứ. Tara lại khuyên, giống như một con voi lớn mắc kẹt trong bùn lầy không thể thoát ra bởi sức nặng của chính thân mình, Atisha cũng sẽ bị mắc kẹt trong cõi đời nếu dùng tiềm năng mình có để đeo đuổi những mục đích thế tục tầm thường. Thức tỉnh trước những lời khuyên này, Atisha quyết tâm tu tập Phật Pháp để thành tựu sự nghiệp giác ngộ.

Tìm thầy học Đạo

Bước đầu tiên trên con đường giác ngộ là tìm ra một vị đạo sư có thể dạy cho Atisha Phật Pháp và thiền quán. Nhưng vua cha đã cho một trăm ba mươi kỵ sĩ theo hầu và lúc nào cũng có thể canh chừng con mình. Tuy nhiên, Atisha giả như lên núi du ngoạn rồi tìm cách lén trốn đi. Chẳng bao lâu ngài gặp nhiều vị Đạo sư nổi tiếng đương thời ở Ấn Độ. Vị đạo sư vĩ đại đầu tiên là Jetari đã dạy Atisha quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và phát tâm Bồ-đề vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Sau đó Jetari khuyên Atisha đến tu viện lớn Nalanda để tu học dưới sự hướng dẫn của ngài Bodhibhadra. Ngài Bodhibhadra dạy những điểm trọng yếu của tâm Bồ-đề rồi khuyên rằng nếu Atisha muốn tu học sâu hơn nữa, ngài phải tìm học với Vidyakokila, vị giảng sư và thiền sư vĩ đại được biết đến như là người đã chứng đắc viên mãn trí tuệ bát-nhã tánh không.

Sau khi đã dạy cho Atisha những con đường tu tập vừa rộng vừa sâu, Vidyakokila khuyên học trò mình đến học với Avadhutipa, vị thầy vĩ đại thuộc Kim Cương Thừa (Mật giáo). Avadhutipa khuyên Atisha phải đến học với ngài Rahulagupta, được biết đến như một hành giả Du-già nổi tiếng ở Núi Đen (Hắc Sơn). Sau khi học xong với vị thầy này, Atisha trở lại thì Avadhutipa mới dạy thêm chi tiết về đường tu Kim Cương Thừa. Vâng lời, Atisha đi đến Núi Đen và tìm ra Rahulagupta, một hành giả Mật giáo vĩ đại. Vị thầy này đã thử lòng quyết tâm của người đệ tử mới bằng cách phóng vào người Atisha một luồng sấm sét khi ngài đến gần. Suốt mười ba ngày, Atisha không ngừng cầu thỉnh pháp, cuối cùng Rahulagupta mới chấp nhận và đặt pháp danh Mật giáo cho ngài là Jhana-guhya-vajra hay Trí tuệ như kim cương bất hoại. Atisha cũng được thầy cho kế thừa dòng tu Hevajra. Tuy nhiên, Rahulagupa bảo với ngài rằng trước khi tu tập thêm, Atisha phải có sự đồng ý của cha mẹ cho phép ngài chính thức từ bỏ thân phận và trách nhiệm của một Hoàng tử. Rahulagupa cũng cho tám hành giả Du-già lõa thể cả nam và nữ cùng đi với Atisha về nhà.

Sau khi Atisha trở về hoàng cung với cha mẹ, trong ba tháng đầu ngài hành động giống như người mất trí bằng cách đi lang thang và nói lảm nhảm những điều vô nghĩa. Ai trông thấy Atisha đi cùng với nhóm người tu lõa thể cả nam và nữ không bình thường này đều cho rằng ngài đã trở thành người điên và không còn thích hợp để điều hành đất nước. Một hôm, cha của Atisha, người đau buồn nhất trong cuộc, đã không còn chịu đựng hơn được nữa nên đã cùng với hoàng hậu đến nói chuyện với ngài. Vua nói: “Này con trai, từ khi sinh con ra đến giờ cha luôn tin rằng con sẽ trở thành một vị vua xuất chúng và sống trong hạnh phúc. Việc ẩn tu trong rừng đã gây ra những gì trong tâm trí con?” Atisha đã trả lời một cách rõ ràng và tỉnh táo trước sự ngạc nhiên của họ: “Thưa vua cha, nếu con trở thành một vị vua, con chỉ có thể sống với cha trong một đời này, còn trong những kiếp tương lai chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa; và như vậy, tất cả xa hoa và giàu có trong cuộc đời này đều trở nên vô nghĩa. Con chỉ mong có thể tu tập Phật Pháp thanh tịnh trong cuộc đời này để được giải thoát và giác ngộ. Làm như vậy con mới có thể đền đáp được ân đức của cha mẹ và tất cả chúng sinh. Xin cha mẹ cho con được từ bỏ thân phận và trách nhiệm của một Hoàng tử để con có thể hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chánh Pháp.” 

Nhớ lại những giấc mơ và điềm lành xảy ra khi sinh Atisha, mẹ ngài đã mau chóng đồng ý. Riêng vua cha vẫn không cam lòng trước viễn cảnh sẽ mất đứa con trai nên đã từ chối trước lần thỉnh cầu đầu tiên. Nhưng cuối cùng vua cũng đáp ứng ước vọng của con mình.

Một ngày sau khi được sự đồng ý của cha mẹ, Atisha đã trở lại Avadhutipa để học thêm truyền thống Kim Cương Thừa từ vị thầy vĩ đại này. Sau bảy năm chuyên cần học tập và thiền quán, ngài đã có những thành tựu lớn. Điều này khiến cho ngài có cảm giác kiêu ngạo: “Trong tất cả mọi người trên thế giới này, có lẽ không có ai thông hiểu những kinh điển này như ta.” Đêm đó trong giấc ngủ, ngài mơ thấy một dakini (nữ Bồ-tát phi hành trong Mật giáo) đến viếng mình. Vị dakini này cho Atisha thấy vô số kinh điển Mật giáo mà ngay cả tên của những bộ kinh điển như thế Atisha cũng chưa nghe qua bao giờ. Kết quả của giấc mơ đó là, sau khi tỉnh giấc, Atisha đã không còn cảm giác kiêu ngạo.

Từ Ấn Độ đến Indonesia

Vào năm hai mươi chín tuổi, Atisha trông thấy một cảnh tượng hiện ra. Ngài thấy rằng Rahulagupta hiện ra trước mặt và đi xuyên qua bức tường trong phòng. Vị hành giả Du-già ở Núi Đen này quở trách Atisha, bảo rằng nếu Atisha thọ giới và trở thành một tu sĩ xuất gia, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho việc tu tập và hoằng dương Phật Pháp. Atisha cũng có vài giấc mơ khác mà trong đó những vị thầy của ngài cũng như thiện thần đã hiện ra và cho lời khuyên tương tự. Làm theo lời khuyên này, Atisha đã thọ giới xuất gia với đại sư Silarakshita và được ban cho pháp hiệu là Dipamkara Srijnana.

 Atisha lại theo học ba môn vô lậu học là giới, định, tuệ và giáo nghĩa của trường phái Đại Luận Giải dưới sự hướng dẫn của vị thầy nổi tiếng tên Dharmarakshita. Nhờ vậy, Atisha đào sâu hơn sự chứng ngộ của mình về trí tuệ và từ bi, cũng như được biết đến là người có giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh. Tuy nhiên sau nhiều năm tu tập, dù có sự tiến bộ trong học tập và thiền quán, Atisha vẫn cảm thấy bức thiết trong việc tìm được một phương pháp trực tiếp có thể giúp ngài mau chóng thành tựu giác ngộ.  Nếu có một nơi mà ngài có thể tìm ra lời giải cho thách đố này, đó chắc chắn là Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya), Thánh địa mà đức Phật Thích-ca đã thị hiện thành Đạo từ nhiều thế kỷ trước. Vì vậy, Atisha đã lên đường hành hương đến đó. Đang lúc đi nhiễu quanh đại tháp ở Bồ-đề Đạo tràng, ngài kinh nghiệm một cảnh tượng rất rõ ràng. Ngài thấy hai Tara hiện ra trên hư không phía trước mình. Một vị hỏi vị kia: “Tu tập điều gì quan trọng nhất để đạt được giác ngộ?” Vị kia trả lời: “Tu tập tâm Bồ-đề bằng cách nuôi dưỡng lòng từ ái và tâm đại bi là điều quan trọng nhất để đạt được giác ngộ.”

Tin rằng mình đã tìm ra câu trả lời cho thao thức bấy lâu, Atisha phát tâm Bồ-đề kiên cố, một lòng cầu đạo giác ngộ. Sau khi hỏi thăm tất cả những học giả và hành giả Du-già, Atisha biết được Suvarnadvipi (được biết với tên Serlingpa ở Tây Tạng sau đó) nổi tiếng là người chứng ngộ tâm Bồ-đề sâu rộng nhất. Nhưng Suvarnadvipi sống ở một hòn đảo xa xôi tên Aumatra, tức Indonesia ngày nay. Atisha vội sắp xếp chuyến đi cầu pháp với lòng tha thiết học thêm pháp tu giúp ngài mau được giác ngộ.  

Atisha đã đi thuyền đến Sumatra chung với một đoàn thương buôn. Chuyến đi kéo dài hơn mười ba tháng với rất nhiều chướng nạn. Ví dụ, có lần một cơn bão lớn ập đến, xô dạt chiếc thuyền trở về hướng xuất phát. Tương truyền Atisha đã điều phục cơn bão bằng năng lực thiền định của mình. Vào một thời điểm khác, một con cá voi khổng lồ, được cho là do ma vương hóa hiện, đã chặn đường đi của chiếc thuyền và mọi người đã phải hết sức vất vả mới may mắn giữ được sinh mạng. Tuy nhiên, cuối cùng chiếc thuyền nhỏ cũng đến được hòn đảo nằm bên bìa thế giới được biết.

Sau khi đã đến nơi, Atisha không đến với Suvarnadvipi ngay lập tức. Hiểu được tầm quan trọng của việc lựa cho một vị thầy hướng dẫn tâm linh và theo những phương pháp được những vị thầy cũ dạy bảo, Atisha cẩn thận tìm hiểu năng lực của Suvarnadvipi bằng cách gạn hỏi với bạn bè và đệ tử của Suvarnadvipi. Khâm phục trước trí tuệ và tâm từ bi của vị thầy này, Atisha đã đến Suvarnadvipi để cầu pháp. Suvarnadvipi hoan hỉ nhận Atisha làm đệ tử. Thông qua năng lực tiên tri của mình, vị thầy này biết được người đệ tử đặc biệt này đã trải qua cuộc hành trình vượt biển đến Sumatra cầu pháp và cũng nhận ra khả năng lớn thành tựu giác ngộ của Atisha. Nhiều đại lễ cúng dường đã được thực hiệc vào những ngày sau đó. Suvarnadvipi đồng ý truyền trao tất cả giáo pháp về tâm Bồ-đề mà mình biết, bao gồm cả những pháp huấn luyện tâm bí mật được khẩu truyền từ Văn-thù-sư-lợi, vị Bồ-tát biểu tượng trí tuệ bát nhã của tất cả chư Phật.  Suvarnadvipi khuyên Atisha nên ở lại Sumatra để tu tập những phương pháp này trong mười hai năm và tiên tri ngài sẽ thành tựu chứng ngộ tâm Bồ-đề trọn vẹn khi đó.

Làm theo lời thầy dạy, Atisha đã ở lại và tinh tấn tu học suốt mười hai năm. Một hôm, Suvarnadvipi bỗng khuyên học trò mình nên rời khỏi Sumatra. Ông bảo: “Này hành giả cao quý, con không nên ở lại đây. Con hãy đi về phương bắc; phương bắc có một nơi gọi là Miền Đất Tuyết (Tây Tạng).”  Từ lời khuyên này, một giai đoạn mới trong cuộc đời Atisha bắt đầu và nó đã làm thay đổi hướng đi của lịch sử Tây Tạng nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng.

Trở lại Ấn Độ

Trước hết Atisha trở lại Ấn Độ. Ngài đã mau chóng trở nên nổi tiếng với khả năng giảng dạy Phật Pháp kiệt xuất và tài năng biện luận không ai hơn với các vị thầy và nhà triết học khác. Vì vậy, ngài được thỉnh làm trụ trì của Tu viện Nalanda, một tu viện Phật giáo vĩ đại và rộng lớn nhất từng có trong lịch sử. Khi đó, Phật giáo ở Ấn Độ đang trong thời kỳ hoàng kim, còn Phật giáo ở Tây Tạng lại là một câu chuyện khác. Tuy đã truyền đến Tây Tạng từ hai thế kỷ trước đó, nhưng Phật giáo đã bị đàn áp bởi vua Langdarma. Mặc dù giáo pháp đã được gây dựng trở lại trên Miền Đất Tuyết, người ta vẫn bối rối không biết đâu là Chánh Pháp để tu tập, nhất là làm cách nào để kết hợp việc tu tập giữa kinh điển và mật chú. Một số người bị hướng dẫn lầm lạc bởi những vị thầy dạy cho họ phép thuật phù thủy và thần chú gây hại dưới vỏ bọc Phật Pháp.  

Câu chuyện về Yeshe Oe và Jangchub Oe

Vị vua Tây Tạng lúc đó là Lhalama Yeshe Oe, một Phật tử thuần thành. Nguyện vọng lớn nhất trong cuộc đời nhà vua là làm sao gây dựng lại sự truyền thừa Phật Pháp thuần túy và giúp Tây Tạng ra khỏi tình trạng Phật Pháp hỗn tạp hiện có. Vì vậy, Yeshe Oe đã cho hai mươi mốt học tăng xuất sắc nhất trong nước đến Ấn Độ, nơi có nhiều vị Đạo sư và học giả Phật Pháp, để học hỏi. Ông mong rằng họ sẽ thỉnh được một vài vị trong số đó đến Tây Tạng truyền dạy Phật Pháp chân chính. Đối với người Tây Tạng, chuyến đi từ một đất nước nằm chót vót trên rặng Hy-mã-lạp-sơn đến vùng bình nguyên nóng nực của Ấn Độ là một điều vô cùng khó khăn. Tất cả học tăng được phái đi đã chết trong chuyến hành trình cầu pháp, ngoại trừ hai người còn sống sót quay về. Mặc dù hai người này đã học hiểu Phật Pháp sâu sắc hơn và trở về Tây Tạng với nhiều kinh điển và giáo nghĩa mới, nhưng họ không thỉnh được bất cứ vị đại sư nào cùng về với họ. Tuy nhiên, trong thời gian ở Ấn Độ, họ đã nghe tiếng về một bậc thầy vĩ đại, tức ngài Atisha lúc đó được biết với tên là Dipamkara Srijnana. Khi trở về Tây Tạng họ đã được đức vua triệu kiến. Họ thưa với vua rằng: “Có một vị tu sĩ dòng giõi Hoàng tộc đang sống ở Ấn Độ được biết đến với tên là Dipamkara Srijnana. Nếu vua có thể thỉnh được ngài đến Tây Tạng, chắc chắc sẽ có lợi ích lớn.” Vừa nghe đến tên của Dipamkara Srijnana, vua Yeshe Oe đã đặt lòng tin không gì lay chuyển nơi bản thân và tài đức của ngài. Vua quyết tâm thỉnh bằng được bậc thầy vĩ đại này đến Tây Tạng với tất cả khả năng của mình.

 Theo phong tục thời đó, đệ tử cúng dường vàng cho những vị thầy dạy Đạo là biểu hiện lòng cung kính và khát ngưỡng học hỏi Phật Pháp. Vì vậy, Yeshe Oe bắt đầu thu gom một số lượng vàng lớn để cúng dường ngài Atisha chuẩn bị cho việc thỉnh cầu ngài đến Tây Tạng. Đích thân vua cùng với những người tùy tùng đi khắp Tây Tạng tìm vàng. Chuyến đi đưa Yeshe Oe đến sát biên giới nước láng giềng là Garlog và bị vua của nước này bắt, rồi tống vào ngục cùng với mọi người. Jangchub Oe, cháu trai của Yeshe Oe, biết được chú mình bị bắt liền tìm cách giúp đỡ. Jangchub Oe thỉnh cầu vua Garlog thả chú mình ra. Vua Garlog hứa sẽ thả Yeshe Oe nếu Jangchub Oe thực hiện một trong hai điều kiện. Một, Jangchub Oe hũy bỏ kế hoạch thỉnh vị đại học giả Atisha này đến Tây Tạng và Tây Tạng sẽ trở thành nước chư hầu của Garlog khan. Hai, nếu không, Jangchub Oe phải nạp cho Garlog khan số vàng nặng bằng trọng lượng của Yeshe Oe.

Jangchub Oe lập tức bắt đầu tìm kiếm vàng để chuộc chú ra. Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng Jangchub Oe cũng tìm được số vàng nặng bằng thân của Yeshe Oe, nhưng thiếu trọng lượng của chiếc đầu. Jangchub Oe liền trở lại tìm Garlog khan, hy vọng rằng ông sẽ chấp nhận. Nhưng vua của Garlog đã từ chối thẳng thừng. Hết sức thất vọng, Jangchub Oe tìm cách đến nơi Yeshe Oe bị giam giữ và nói chuyện với ông qua cánh cửa khóa chặt. Vô cùng đau khổ, Jangchub Oe giải thích với chú rằng mình không muốn có chiến tranh với vua Garlog, vì làm như vậy sẽ mất đi nhiều sinh mạng vô tội. Nhưng ông cũng không muốn làm theo lời yêu cầu của vua Garlog là từ bỏ kế hoạch cung thỉnh Atisha đến Tây Tạng của Yeshe Oe. Vì vậy, Jangchub Oe bảo rằng mình sẽ ra đi tìm thêm vàng một lần nữa ở khắp mọi nơi cho đủ số vàng chuộc mạng. Nghe vậy, Yeshe Oe cười bảo: “Đừng làm như vậy. Đừng bao giờ trao một mảy vàng nhỏ nào cho ông vua ác này. Ta đã già rồi và không có gì lợi ích lớn hơn với mạng sống này khi ta có thể dùng nó để cúng dường cho lợi ích Chánh Pháp và Tây Tạng. Xin hãy đem số vàng ngươi kiếm được cúng dường cho ngài Dipamkara Srijnana. Xin hãy nói với ngài rằng người Tây Tạng cần ngài giúp đỡ. Hãy thưa rằng Tây Tạng cần ngài đến mức ta đã từ bỏ mạng sống để mong ngài đến Tây Tạng truyền dạy Phật Pháp chân chính. Này cháu, xin đừng nghĩ gì về chú. Cháu hãy nghĩ về Tây Tạng và Phật Pháp.”

Jangchub Oe không đành lòng để chú lại trong ngục, nhưng ông cũng nhận ra rằng nguyện vọng tha thiết nhất của chú mình là thỉnh được Atisha đến Tây Tạng. Được khích lệ bởi lòng dũng cảm của chú mình, Jangchub Oe đã từ giã Yeshe Oe và quyết tâm thực hiện nguyện vọng của ông đến nơi đến chốn.

Cung thỉnh Atisha đến Tây Tạng

Jangchub Oe, giờ đã thay chú mình làm vua Tây Tạng, mau chóng chuẩn bị một phái đoàn đến Ấn Độ cùng với số vàng dành cho việc cúng dường. Jangchub Oe cũng đi đưa tiễn phái đoàn, được hướng dẫn bởi nhà phiên dịch Nagtso, một đoạn đường dài. Sau nhiều tháng vất vả, những người cầu pháp mệt nhọc cũng đã đến được Tu viện Nalanda. Vì là người Tây Tạng nên họ được sắp xếp ở trú xứ của một vị lama Tây Tạng tên là Gyatsoen Senge, người đã sống ở Ấn Độ từ vài năm trước đó. Nagtso giải thích mục đích của chuyến đi là để cung thỉnh Atisha theo cùng họ trở về Tây Tạng. Gyatsoen Senge lập tức bảo: “Đừng nói điều này với bất cứ ai. Nếu Trưởng lão Ratnakarashanti nghe được ý định này, ngài sẽ không bao giờ cho phép. Để thành công, các vị phải hết sức cẩn thận và khéo léo.”

Gyatsoen Senge sắp xếp cho Nagtso và những người đi theo cúng dường số vàng đó cho Trưởng lão Ratnakarashanti, điều này làm ngài rất hoan hỉ, để không lộ ra mục đích thực sự. Trong suốt mấy tuần sau đó, Gyatsoen Senge tìm mọi cơ hội để phái đoàn Tây Tạng tiếp xúc riêng với Atisha mà không làm mọi người nghi ngờ. Một hôm có cơ hội, Gyatsoen Senge vội bảo Nagtso đi cùng với ông vào phòng ngài Atisha. Nơi đó, họ đã cúng dường Atisha một Mạn-đà-la cao một cubit (44 cm) được trang trí với nhiều họa tiết bằng vàng. Gyatsoen sengen kể cho ngài nghe về tình trạng Phật Pháp hỗn tạp ở Tây Tạng, về sự hy sinh mạng sống của Yeshe Oe, và về lời cầu thỉnh cảm động của Bồ-tát Jangchub Oe xin ngài Atisha đến Tây Tạng để giúp đỡ.

Atisha cảm động sâu sắc bởi sự dũng cảm và thành tâm của những người Tây Tạng đã vượt qua chuyến hành trình xa xôi để thỉnh ngài hoằng pháp. Ngày bảo: “Vua Tây Tạng là một vị Bồ-tát. Những người này đã hy sinh lớn vì lợi ích của Phật Pháp chân chính. Sẽ thực có lỗi nếu tôi từ chối lời thỉnh cầu này. Tuy nhiên, tôi đã già và có nhiều bổn phận tại Nalanda. Nếu đến Tây Tạng tôi sẽ không còn hy vọng trở lại. Xin hãy để tôi suy nghĩ thêm về vấn đề này và hãy giữ lấy số vàng của các vị.”

Những người Tây Tạng ra về. Atisha suy nghĩ cẩn thận xem mình nên đến Tây Tạng hay ở lại Ấn Độ, nơi nào mình sẽ đem lại lợi ích lớn hơn. Ngài đã hỏi ý kiến với Tara. Tara bảo nếu Atisha chấp nhận lời thỉnh cầu đến Tây Tạng, ngài sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho Phật Pháp và chúng sinh; tuy nhiên, điều này cũng làm cho tuổi thọ ngài giảm đi. Nếu sống ở Ấn Độ, ngài có thể sống đến chín mươi mốt tuổi. Song nếu đến Tây Tạng, tuổi thọ của ngài chỉ bảy mươi ba. Nghĩ đến lợi ích cho Phật Pháp và chúng sinh nếu mình đến Miền Đất Tuyết, Atisha đã quyết định ra đi.

Tuy nhiên, nhận thấy nếu mình vội vã rời khỏi Ấn Độ, mọi người sẽ cho rằng Phật Phật nơi đây đã trở nên suy đồi. Atisha khéo léo bảo rằng mình định thực hiện một chuyến hành hương lớn đến nhiều Thánh tích. Kế đó, ngài hỏi Trưởng lão Ratnakarashanti có cho phép ngài đến viếng những Thánh tích ở vùng Nepal và Tây Tạng hay không. Sau một hồi suy nghĩ, Trưởng lão đã đồng ý nhưng với điều kiện Atisha phải trở lại Ấn Độ trong vòng ba năm. Vị Trưởng lão này bắt Nagtso phải chịu trách nhiệm, bảo đảm rằng Atisha sẽ trở lại trong thời gian ấn định. Vô cùng hạnh phúc, Atisha, Nagtso và phái đoàn Tây Tạng chuẩn bị cho cuộc hành trình quay lại Miền Đất Tuyết.

Atisha ở Tây Tạng

Nhận tin báo Atisha thực sự đến Tây Tạng, Jangchub Oe cưỡi ngựa ra đón ngài với đoàn tùy tùng ba trăm kỵ sĩ. Sau cuộc chào đón tràn ngập hoan hỷ, Jangchub Oe cầu thỉnh pháp nơi ngài Atisha. Jangchub Oe kể rằng Phật Pháp đã suy đồi ở Tây Tạng như thế nào. Một số người chỉ theo lời dạy kinh điển nhưng không bao giờ tu tập mật chú. Một số khác chỉ tu tập mật chú nhưng bỏ qua kinh điển. Jangchub Oe nói: “Kính bạch ngài Atisha từ bi, có sự hỗn tạp lớn trong việc tu tập đúng đắn ở Tây Tạng. Xin ngài đừng dạy về những chủ đề quá sâu xa. Thay vào đó, xin ngài hãy dạy về nghiệp và luật nhân quả. Xin ngài dạy chúng con những pháp môn dễ tu tập nhất bao gồm những ý nghĩa cốt yếu trong lời dạy của tất cả chư Phật về kinh điển và mật chú.” Jangchub Oe cũng hỏi một số câu hỏi về phương pháp tu tập Phật Pháp đúng đắn.

Atisha vô cùng hoan hỷ trước lòng thành và trí tuệ của Jangchub Oe. Để đáp lại lời cầu thỉnh này, ngài đã soạn ra bài luận Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ (Lamp for the Path to Enlightenment). Chỉ dài chừng ba trang giấy, bài luận này đã trả lời mọi câu hỏi được nêu ra, cũng như gạn lọc tất cả tám mươi bốn ngàn pháp môn của chư Phật, tóm tắt thành một bản hướng dẫn tu hành đơn giản nhưng rõ ràng, đúng như lời thỉnh cầu của Jangchub Oe.

 Với uy tín và công đức hoằng dương Chánh Pháp của mình, Atisha đã giúp việc tu tập theo Phật Pháp chân chính ở Tây Tạng mau chóng trở nên thịnh hành. Hết kỳ hạn ba năm, Atisha chuẩn bị trở về Ấn Độ. Trở về cùng với ngài là Nagtso và một đệ tử tại gia xuất sắc hàng đầu người Tây Tạng tên Dromtoenpa. Tuy nhiên khi đến biên giới Nepal cuộc hành trình bị cản trở vì chiến tranh xảy ra. Nagtso rất lo lắng vì ông đã hứa với Trưởng lão Ratnakarashanti sẽ đưa Atisha trở về đúng kỳ hạn. Atisha bảo Nagtso không cần phải lo vì ông đã làm hết sức mình để thực hiện lời hứa. Atisha cũng tìm cách gởi thư nhắn tin đến Trưởng lão tại Nalanda. Trong thư Ngài giải thích rằng mình không thể trở về nước cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên ngài cũng viết thêm rằng nếu ở lại Tây Tạng, ngài sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho đời cho Đạo và xin phép được làm như vậy. Ngài cũng xin phép được soạn ra những bài luận tương tự như bài Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ. Atisha cũng chép lại bài luận này, tự mình ký tên và gởi đến Nalanda cùng với một số vàng cúng dường.

Nhận được thư và những vật kèm theo, Trưởng lão Ratnakarashanti nộp bản chép tay Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ cho những học giả có địa vị cao nhất và tài năng giỏi nhất của Nalanda để thẩm định. Ai cũng vô cùng ngạc nhiên, không ngờ Atisha có thể tóm tắt một cách chính xác và rõ ràng tất cả ý nghĩa lời Phật dạy về Kinh điển và Mật chú trong một bài văn ngắn như vậy. Những học giả vĩ đại này cho rằng Atisha không thể soạn được một bài luận như vậy nếu không đến Tây Tạng. Vì vậy, Trưởng lão Ratnakarashanti đã gởi thư lại cho Atisha với sự cho phép ngài lưu lại Tây Tạng.

Atisha sống ở Tây Tạng tất cả mười bảy năm. Những lời dạy rõ ràng và thuần túy Phật Pháp của ngài đã mở ra một thời kỳ hoàng kim của Chánh Pháp nơi Miền Đất Tuyết. Qua sự truyền bá của người đệ tử hàng đầu Dromtoenpa, những lời dạy của Atisha về những giai đoạn tu trên đường giác ngộ được biết đến với tên là lamrim trong tiếng Tây Tạng, tức thứ lớp tu tập. Ba dòng tu lớn của lamrim được truyền thừa qua nhiều thế hệ, trong đó có ngài Tsong Khapa vĩ đại. Những bản luận về lamrim của Tsong khapa, theo cấu trúc và nội dung của truyền thống Atisha, vẫn là nền tảng giáo nghĩa của Phật giáo Tây Tạng ngày nay. Trong kỷ nguyên mới, những phương pháp tu tập thực tế và rõ ràng của Atisha được giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc Châu.

Dịch xong ngày 18/05/2013

Department of East Asian Languages and Cultures

University of Illinois Urbana-Champaign

                   Lược Sử Ngài Atisha

        Tác Giả Luận Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page