Con Ơn Mẹ Nhiều Lắm ...
Bài viết tưởng niệm nhân ngày giỗ Mẹ và cũng là để tri ân tất cả những bà Mẹ trong đời này cho đến những bà Mẹ từ vô lượng kiếp xưa
Cà-sa sương gió dãi dầu
Trong tim vẫn giữ một màu nghĩa ân
Lợi danh... biết rõ bụi trần
Báo ân con nguyện dấn thân vào đời!
Gót chân hoằng Pháp khắp nơi
Góc quê con vẫn nhớ người Mẹ xưa
Ơn sinh dưỡng, nói sao vừa
Nát thân đền đáp cũng chưa kể gì!
Từ ngày con bước ra đi
Dâng cơm, sắc thuốc... chuyện gì cũng không!
Mẹ già tựa cửa ngóng trông
Mắt mờ vì lệ, lưng còng vì lo!
Đường tu con vẫn đang dò
Mà Mẹ đã vội lên đò tử sanh!
Không dâng được Mẹ cơm canh
Cũng không có Pháp vô sanh cúng dường!
Bao nhiêu ân nghĩa, tình thương
Thành nguồn năng lượng trên đường tiến tu
Dặn lòng gìn giữ công phu
Tham thiền, học đạo đường tu sớm thành.
Xưa mơ thiên nhãn đắc thành
Khắp nơi tìm Mẹ, thực hành hiếu tâm.
Nay ngộ Phật Pháp thậm thâm
Mẹ vô lượng kiếp... trong tầm tay ôm!
Nguyện hằng phụng sự sớm hôm
Trà thiền, sữa Pháp, bát cơm Bồ-đề.
Dù bao gian khổ chẳng nề
Tăng-kỳ kiếp hoại nguyện thề vẫn nguyên!
Ai cũng có cha mẹ, người đã sinh thành và dưỡng dục mình nên người. Người xuất gia cũng vậy. Xuất gia là “cát ái từ thân”, tức cắt đứt ân ái, từ giã cha mẹ gia đình để đi tu. Nhưng cắt đứt ân ái không phải là vô cảm, và từ giã cha mẹ đi tu cũng không có nghĩa là chối bỏ công ơn sinh dưỡng của hai đấng sinh thành! Ngược lại, lý tưởng xuất gia chính là đem từ bi mở rộng tình thương, lấy trí tuệ tịnh hóa ân ái, phát bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo để chẳng những báo hiếu cha mẹ hiện đời mà còn có thể đền ơn đáp nghĩa cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp là tất cả chúng sinh!
Nói cách khác, đi tu chính là “mở thêm rộng lớn con đường” như cách diễn đạt của Thiền sư Nhất Hạnh:
Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện đoạn
Một tâm mà động mười phương.
Bút giả đi tu từ năm mười sáu tuổi, tuy chưa hiểu sâu lắm thâm nghĩa xuất gia, nhưng đã có thừa hào khí ngất trời của người sơ phát tâm! Đã bốn mươi năm, đọc lại bài thơ mình làm thuở còn sa-di, dường như mọi việc mới xảy ra hôm qua:
Phận con trẻ rời nhà học Đạo
Mang trong lòng hoài bão cao xa
Trải bao ghềnh thác phong ba
Lòng con nguyện giữa như hoa giữa mùa.
Dù danh lợi không mua được chí
Dù gian lao chẳng phí tuổi xanh
Quyết tu đến lúc công thành
Mới mong trả đặng công sanh dưỡng dày.
Ơn dạy bảo của Thầy mang nặng
Nghĩa đệ huynh con chẳng dám quên
Đạo tâm luôn giữa vững bền
Chúng sinh cứu độ đáp đền thâm ân.
(Chí Xuất Gia, năm 1982 tại Tổ Đình Giác Nguyên)
Nói về chữ hiếu của người xuất gia, bút giả xin được chia sẻ những dòng cảm xúc và suy nghĩ của mình trong quá trình trưởng thành về mặt tâm thức của một người con xuất gia qua hình ảnh Mẹ.
Kính thưa Mẹ,
Hôm nay là ngày giỗ Mẹ. Con hôm nay ngồi đây tưởng niệm về Mẹ với lòng tri ân vô hạn.
Con một đời mang nặng ơn Mẹ. Cha mất sớm, Mẹ kiêm làm Cha vừa chăm sóc con cái, vừa tảo tần kiếm sống bên ngoài để nuôi dạy anh chị em con lớn khôn. Tuy nhà nghèo nhưng Mẹ chưa bao giờ để con thất học hay phải chịu đói bữa nào. Con là đứa con út được cưng chiều nhất nhà. Khi con đòi đi tu Mẹ thương lắm, nhưng vì hiểu Đạo và không muốn con buồn Mẹ đã phải gật đầu. Ngày con thọ giới sa-di, không có y sa-di và cũng không biết xin ai, con đã về xin Mẹ. Mẹ đã mua cho con tấm vải may y, mang đến tận chùa trao cho và dặn dò: “Con cố gắng tu cho đến nơi đến chốn!”
Mẹ có biết không? Câu nói này của Mẹ đã theo con trong suốt cuộc đời! Mẹ chẳng những đã cho con hình hài và cuộc sống, Mẹ còn cho con đời sống xuất gia, tự do làm theo lý tưởng của mình. Mẹ là thiện tri thức của con lúc sơ phát tâm. Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều lắm!
Cà-sa sương gió dãi dầu
Trong tim vẫn giữ một màu nghĩa ân
Lợi danh... biết rõ bụi trần
Báo ân con nguyện dấn thân vào đời!
Gót chân hoằng Pháp khắp nơi
Góc quê con vẫn nhớ người Mẹ xưa
Ơn sinh dưỡng, nói sao vừa
Nát thân đền đáp cũng chưa kể gì!
Mang nặng ơn Mẹ con bước vào cửa Đạo, lòng dặn lòng luôn cố gắng tu học để không phụ sự mong đợi của Mẹ. Mang nặng ơn Mẹ con đi theo con đường giáo dục và hoằng Pháp, một con đường rất dài và nhiều gian nan thử thách. Suốt nhiều năm làm việc nghiên cứu, dịch thuật, trước tác, giảng dạy… con chỉ mong hồi hướng công đức, đáp đền ân lớn của Mẹ xưa.
Nhiều khi gặp chướng ngại trên con đường Đạo, con chán nản ngã lòng, hay thất niệm vấp ngã, nhờ có hình bóng Mẹ, con lại đứng lên, làm mới lại mình và tiếp tục con đường “tu cho đến nơi đến chốn” mà Mẹ đã dặn. Mẹ là Bồ-tát luôn đồng hành, nâng đỡ và gia hộ cho con trong suốt cuộc hành trình tu tập và hoằng Pháp. Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều lắm!
Từ ngày con bước ra đi
Dâng cơm, sắc thuốc... chuyện gì cũng không!
Mẹ già tựa cửa ngóng trông
Mắt mờ vì lệ, lưng còng vì lo!
Dù Mẹ vì Phật Pháp mà sẵn lòng hy sinh cho con xuất gia, nhưng con biết trong lòng Mẹ rất thương nhớ con. Mẹ không thương nhớ nhiều làm sao được vì con là niềm an ủi của Mẹ từ khi ba mất, hằng đêm vẫn nằm cạnh Mẹ cho đến lúc lớn khôn! Cho con đi tu là tấm lòng hỷ xả của Mẹ mà cũng là chiều theo ý con. Dù có trưởng thành như thế nào, nhưng trong mắt Mẹ, con bao giờ cũng là một đứa trẻ dại khờ, cần được bảo vệ. Cho nên, Mẹ vẫn luôn lo lắng cho con, không biết nó đang sống như thế nào ngoài vòng tay Mẹ! Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều lắm!
Đường tu con vẫn đang dò
Mà Mẹ đã vội lên đò tử sanh!
Không dâng được Mẹ cơm canh
Cũng không có Pháp vô sanh cúng dường!
Những tưởng rằng Mẹ sẽ sống lâu để trông thấy con trưởng thành, có chút thành tựu trên con đường Đạo. Nhưng Mẹ đã lặng lẽ ra đi vào những ngày đầu xuân năm Bính Dần (1986) sau một thời gian dài bạo bệnh. Trải qua mấy cuộc phẫu thuật, sức Mẹ yếu nhiều. Khi con về nhà thăm, Mẹ cố nén cơn đau, mỉm cười nắm chặt tay con bảo:
Có thân phải khổ vì thân
Thân ơi phải chịu mấy lần gian truân!
Lúc đó con chỉ biết xót xa và khuyên Mẹ gắng niệm Phật nhiều hơn.
Chất thơ trong người Mẹ vẫn không mất đi dù cuộc đời Mẹ lắm gian nan vất vả và nhiều bệnh tật! Mẹ kể ông ngoại không cho con gái học cao và thường răn dạy:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều
Vậy mà dù chỉ học biết đọc biết viết, Mẹ đã trốn ông ngoại thuê Truyện Kiều về lén đọc nhiều lần đến thuộc lòng! Chất thơ văn trong người con có lẽ được thừa hưởng từ Mẹ! Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều lắm!
Con vẫn luôn day dứt vì Mẹ ra đi mà con chưa thông Phật Pháp, vẫn còn chập chững, mày mò trên con đường Đạo. Mẹ chưa đọc một quyển kinh nào con dịch, hay chưa nghe một bài pháp nào con nói trong đời! Là người xuất gia, con không thể gần gũi, phụng dưỡng chu đáo cho Mẹ lúc già bệnh, cũng không có sự nghiệp giác ngộ để báo đáp ân thâm. Mẹ ơi, con ơn mẹ nhiều lắm!
Bao nhiêu ân nghĩa, tình thương
Thành nguồn năng lượng trên đường tiến tu
Dặn lòng gìn giữ công phu
Tham thiền, học đạo đường tu sớm thành.
Từ khi Mẹ mất, con dặn lòng luôn cố gắng hơn nữa. Mẹ đã trở thành nguồn năng lượng lớn để thúc đẩy con trên đường học Đạo. Hơn một năm sau khi Mẹ mất, trong mùa an cư kiết hạ ba tháng tại trường hạ Chùa Vĩnh Nghiêm năm 1987, sau khóa học Kinh Luật Luận và thi diễn giảng, con đã ra Hạ với thành quả thủ khoa cả hai môn diễn giảng và viết bài Kinh Luật Luận.
Ngày nhận phần thưởng, đứng trên bục giảng đường Vĩnh Nghiêm nhìn xuống, con thấy cô Năm Mẹ thầy Hoằng Chí, một huynh đệ thân thiết và là người đậu á khoa môn viết, đang ngồi bên dưới với nụ cười vô cùng hoan hỷ trước thành tựu của con mình. Con thầm ước giá như Mẹ cũng có mặt nơi đây để chia sẻ niềm vui với con. Chắc Mẹ sẽ hạnh phúc và hãnh diện lắm với đứa con út của mình. Lúc đó con ước sao mình có thể đánh đổi tất cả để có Mẹ nơi đây!
Con giận mình khi Mẹ còn sinh tiền đã không thể làm Mẹ vui với những thành tựu trong Đạo dù nhỏ nhoi của mình! Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều lắm!
Xưa mơ thiên nhãn đắc thành
Khắp nơi tìm Mẹ, thực hành hiếu tâm.
Nay ngộ Phật Pháp thậm thâm
Mẹ vô lượng kiếp... trong tầm tay ôm!
Từ khi Mẹ mất, mỗi mùa Vu-lan về là con lại day dứt nhớ Mẹ. Hoa hồng hiếu hạnh của con cũng hóa thành màu trắng tang thương. Các em Phật tử hỏi: “Thưa thầy còn Mẹ hay đã mất để con biết cài hoa?” Mỗi lần nghe vậy là nỗi đau mất Mẹ chìm lắng lại dấy lên!
Mỗi một mùa cây lá rụng vàng
Một lần khóc Mẹ đón thu sang
Hoa nở áo ai màu đỏ thắm
Riêng con hoa trắng luống bẽ bàng!
Rồi khi đọc Kinh Vu-lan đến đoạn:
Mục Liên mới đặng lục thông,
Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân
Công dưỡng dục thâm ân dốc trả.
Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền
Làm con hiếu hạnh vi tiên
Bèn dùng huệ nhãn dưới trên kiếm tầm.
Con lại thầm ao ước có được thần thông biết Mẹ đang ở đâu để đáp đền ơn Mẹ. Nhưng đó là điều xa vời, dường như bất khả thi với một phàm phu như con! Con luôn day dứt: cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn báo ân mà Mẹ đã mất!
Nhưng từ khi ngộ ra diệu lý của Phật Pháp, con biết rằng Mẹ chưa từng mất, con vẫn có cơ hội đền đáp ơn Mẹ xưa! Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả người nam là Cha ta, tất cả người nữ là Mẹ ta, mỗi đời ta từ đó mà sinh ra nên chúng sinh trong sáu đường đều là Cha Mẹ của ta cả.” Nhìn Mẹ như hòn bọt của một đời, Mẹ có sinh có tử. Nhìn Mẹ như toàn thể đại dương, Mẹ chưa từng sinh tử. Mẹ là thân tâm này mà con cần phải chăm sóc; Mẹ đang ở quanh đây mà con có thể choàng tay ôm; Mẹ là tất cả chúng sinh trong vô lượng kiếp cho con có cơ hội để phụng sự cúng dường, đền đáp thâm ân. Trước giờ con cứ ngỡ con ơn Mẹ chỉ trong một đời. Giờ đây con mới hiểu con còn ơn Mẹ trong vô lượng đời! Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều nhiều lắm!
Nguyện hằng phụng sự sớm hôm
Trà thiền, sữa Pháp, bát cơm Bồ-đề.
Dù bao gian khổ chẳng nề
Tăng-kỳ kiếp hoại nguyện thề vẫn nguyên!
Từ khi gặp lại Mẹ nhờ tuệ giác Phật Pháp, hoa hồng trắng của con lại hóa thành màu đỏ thắm, màu đỏ của “tâm hiếu là Bồ-đề tâm, hạnh hiếu là Bồ-tát hạnh”. Nhờ có Mẹ, con đã nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, thực hành Bồ-tát nguyện, đem Chánh Pháp vào đời để phụng sự chúng sinh, báo ân cho Cha Mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Con đường Bồ-tát đạo con đi dài xa và nhiều chướng ngại. Biển khổ mênh mông mà con chỉ có đôi bàn tay bé nhỏ. Rừng mê thăm thẳm mà con chỉ có được một ngọn đèn con. Mẹ đã cùng đồng hành để giúp con không cô độc và đi được đến ngày hôm nay. Chưa đền được ơn Mẹ bao nhiêu mà con lại vay thêm nhiều ân nghĩa đàn-na tín thí từ tình thương của biết bao bà Mẹ từ Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản cho đến Hoa Kỳ…. Mẹ ơi, con lại ơn Mẹ nhiều, nhiều lắm!
Hôm nay con ngồi chiêm nghiệm lại cuộc đời và tưởng nhớ về Mẹ. Nhớ về Mẹ là nhớ về Thiện tri thức đã cho phép con xuất gia và hộ trì con lúc sơ phát tâm. Nhớ về Mẹ là nhớ về Bồ-tát cùng đồng hành và gia hộ cho con trên con đường Bồ-tát đạo. Nói khác đi, nhớ và nói về Mẹ là nhớ và nói về Bồ-đề tâm, Bồ-tát nguyện!
Như hằng năm, ngày giỗ Mẹ con chỉ ngồi yên để cảm nhận sâu sắc tình Mẹ, chiêm nghiệm ơn Mẹ, nhằm hâm nóng lại sơ phát tâm và un đúc lý tưởng xuất gia Bồ-tát đạo của mình. Một lần nữa con xin thưa với Mẹ:
Cà-sa sương gió dãi dầu
Trong tim vẫn giữ một màu nghĩa ân
Lợi danh... biết rõ bụi trần
Báo ân con nguyện dấn thân vào đời!
Và con cũng xin hứa:
Dù bao gian khổ chẳng nề
Tăng-kỳ kiếp hoại nguyện thề vẫn nguyên!
Kính thưa Mẹ,
Con còn có trăm trăm ngàn lời muốn nói với Mẹ nữa. Nhưng dù con có nói bao nhiêu cũng không sao nói hết được ơn Mẹ!
Ngôn ngữ trần gian túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng "Mẹ ơi!"
Văn tự chiếc xe mòn xọc xạch
Đường sang cõi Mẹ ngàn trùng xa khơi.
(Vũ Hoàng Chương-Tiếng Gọi Mẹ)
Cho nên, cuối cùng con chỉ muốn nói với Mẹ một câu thôi:
Mẹ ơi, con ơn Mẹ nhiều nhiều lắm!
Sakya Minh-Quang
Viết tại Tu Viện Thiện Tường
Ngày mùng 06 tháng giêng năm Tân Sửu (ngày 17 tháng 02, 2021), ngày giỗ Mẹ lần thứ 35.