top of page

Trang Nhà  <  Bài Viết  < Cho Dù Ngày Mai Tận Thế

Cho Dù Ngày Mai Tận Thế

      Phật tử nên có thái độ và cách sống như thế nào trước đại dịch toàn cầu COVID-19?

      Cho đến hôm nay, thứ ba ngày 31 tháng 03, 2020, đại dịch COVID-19 (Coronavirus disease 2019) đã ảnh hưởng toàn cầu, có đến 202 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng với hai du thuyền quốc tế bị lây nhiễm. Theo thống kê, trên thế giới hiện có 847,404 (tám trăm bốn mươi bảy ngàn) ca bệnh được xác định và 41,565 (bốn mươi mốt ngàn năm trăm sáu mươi lăm) người chết vì bệnh này. 

             https://www.worldometers.info/coronavirus/#countries.

      Riêng ở Mỹ, theo báo cáo của trường đại học Johns Hopkins University, hiện đã có hơn 3800 trường hợp tử vong, nặng nhất là ở New York, còn nhiều hơn ở Trung Quốc, nơi xuất phát của COVID-19 ( khoảng 3300 chết). 

             https://www.cbsnews.com/…/coronavirus-disease-covid-19-lat…/.  

      Bút giả đang ở tiểu bang Illinois, hôm nay, ngày 31 tháng 03, 2020, có 5,057 người xác định mắc bệnh, 73 người chết liên quan đến virus này, căn cứ theo the Illinois Department of Public Health (IDPH). 

              https://www.livescience.com/illinois-coronavirus-updates.ht…

tung-kinh-niem-phat.jpg

       Tất cả số liệu nói trên đều thay đổi theo chiều hướng gia tăng từng ngày, từng giờ! Được biết, hiện nay dù có nhiều thông tin về thuốc trị liệu, nhưng dường như vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả được chính thức xác nhận. Cả thế giới đang nỗ lực để phòng tránh, chữa trị, tìm ra thuốc đặc trị để khống chế và chấm dứt dịch bệnh này. Trong hoàn cảnh như hiện nay, là người học Phật, chúng ta nên có thái độ và cách sống như thế nào?

 

1. Lạc quan

 

      Bút giả còn nhớ một bài thơ mà Pháp sư Đạo Chứng đã nói trong sách Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư mà mình đã dịch như sau:

Cho dù ngày mai tận thế
Đêm nay sen vẫn gieo trồng
Đem lòng gió mát trăng thanh
Xưng tán A-di-đà Phật!

      Trước hết, chúng ta phải bình tĩnh đối diện sự thật vô thường của cuộc đời, quán chiếu tất cả đều là nhân quả nghiệp báo. Trong cộng nghiệp vẫn có biệt nghiệp, cho nên không phải ai cũng mắc bệnh, và không phải ai mắc bệnh rồi cũng phải chết. Hiện nay, đã có đến 176,545 người (một trăm bảy mươi sáu ngày năm trăm bốn mươi lăm) được bình phục sau khi mắc bệnh. Chúng ta không nên bị “nỗi sợ hãi COVID-19” đánh bại trước khi bị đánh bại bởi COVID-19! Y học chứng minh, một tinh thần lạc quan, tư duy tích cực giúp chúng ta tăng khả năng đề kháng bệnh tật và hồi phục sức khỏe nếu nhiễm bệnh.

       Là người Phật tử, chúng ta có đến 84000 pháp môn để an tâm, chẳng lẽ lại bất an, sợ hãi vì một con virus tên Corona hay sao? Tất cả các pháp đều vô thường, dịch bệnh cũng vô thường, có sinh rồi có diệt, có đến sẽ có đi, cho nên không gì phải quá lo lắng! Chúng ta hãy sống bình tĩnh, lạc quan rồi sẽ qua cơn dịch. Mỗi ngày hãy tập hít thở, mỉm cười có chánh niệm, đem tâm “bất biến” để nhìn đời “vạn biến.”

2. Tĩnh tu

      Những ngày này phần lớn chúng ta phải tự cách ly, ở nhà, hay hạn chế ra ngoài tối đa theo “lệnh ở tại nhà” (stay-at-home order) được ban hành bởi tiểu bang. Nhiều người cảm thấy tù túng, khó chịu vì trái với thói quen hằng ngày. Nhưng là người học Phật, đây là cơ hội để chúng ta sống lại chính mình, gần gũi và chăm sóc cho người thân. Đọc lại sử truyện, những bậc cao tăng thạc đức còn lên núi cao rừng thẳm để “tự cách ly”, nỗ lực công phu giải quyết vấn đề sinh tử. Hiện nay vẫn có nhiều vị phát tâm bế quan dụng công tu hành, dù xung quanh bao sắc thanh cám dỗ.

Chúng ta không cần phải nghiêm khắc như vậy, nhưng ít ra mình có thể tận dụng hoàn cảnh này để làm được nhiều việc lợi ích cho đời sống tinh thần và tâm linh. Ví dụ, chúng ta sẽ có thêm thời giờ và cơ hội để đọc vài quyển sách hay, tụng kinh niệm Phật, tọa thiền tĩnh tâm, suy gẫm và quán chiếu lẽ vô thường, mong manh của kiếp người. Chúng ta cũng có thể làm vài việc lợi ích cho cộng đồng trong lúc này như may khẩu trang và tặng đến những người và những nơi cần dùng. “Vi thiện tối lạc”, chúng ta hãy tìm niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong những việc làm hướng thượng và hướng thiện như vậy.

3. Tri ân

      Chúng ta tu học và làm những việc hướng thượng và hướng thiện trên với lòng tri ân sắc. Chúng ta biết rằng, trong giờ phút mình đang an ổn ở nhà, có biết bao nhiêu bác sĩ, y tá, nhân viên y tế… đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch. Họ không những vất vả mà còn phải đối diện trước mối nguy cơ lây nhiễm. Có không ít bác sĩ và nhân viên y tế đã chết vì lý do này. Chúng ta cũng tri ân những nhà lãnh đạo hữu tâm đang tìm mọi cách để chấm dứt dịch bệnh, những nhà hảo tâm đã quyên góp tiền của và công sức để tìm cách đẩy lùi dịch bệnh, những nhà chuyên môn đang giam mình trong phòng thí nghiệm ngày đêm để tìm ra thuốc đặc trị hay vaccine phòng dịch.

Theo cái nhìn của một Phật tử, họ là những vị Bồ-tát cứu khổ độ sinh hiện thân trong đời thường. So với những bệnh nhân đang đấu tranh với cái chết trên giường bệnh, hay với những người dấn thân như vậy, chúng ta quả thực hưởng phước rất nhiều, cho nên phải có lòng tri ân mà không nên than thở vì sự bất tiện trong hoàn cảnh hiện nay.

 

4. Trí tuệ

      Hãy nhìn cảnh khổ của nhân loại hiện nay bằng đôi mắt trí tuệ, đừng bằng lòng tin mù quáng! Với trí tuệ, chúng ta sống có lý trí, lạc quan mà không phải chủ quan. Với trí tuệ, chúng ta biết bảo vệ thân mình bằng cách làm theo những lời chỉ dẫn phòng chống dịch bệnh của những nhà chuyên môn, và tuân thủ những quy định và pháp luật hiện hành. Đây có nghĩa, chúng ta phải nghiêm túc chấp hành “lệnh ở tại gia”, rửa tay thường xuyên và đúng cách, đeo khẩu trang khi phải ra ngoài và tiếp xúc với người v.v….

      Chúng ta cũng dùng trí tuệ để bảo vệ tâm mình trước những tin tức gây hoang mang, lo sợ. Thay vì ngồi ở nhà suốt ngày theo dõi tin tức dịch bệnh trên TV, trên mạng xã hội chỉ làm loạn tâm, thêm sợ hãi, bất an, chúng ta hãy dành thời giờ vào những việc hướng thượng và hướng thiện như đã nói ở trên. Thông tin hiện nay rất hỗn tạp, nhiều thứ chưa được kiểm chứng dễ làm người hoang mang hay ảo tưởng. Lại nữa, dù có theo dõi tin tức, bàn luận suốt ngày với biết bao thông tin, thử hỏi có ích lợi gì cho bản thân chúng ta không? Hay nó chỉ thỏa mãn trí tò mò trong nhất thời, tạo cơ hội cho những người “câu view, câu like” trên mạng xã hội? Cho nên, tốt nhất là ít xem tin tức, tìm việc ích lợi và ý nghĩa trong thời gian rãnh rỗi ở nhà để làm như đã nói ở trên.

5. Từ bi

     Hoàn cảnh dịch bệnh cũng là lúc người Phật tử thực tập tâm từ bi. Một hành động thiếu trí tuệ như bất chấp cảnh báo, quy định mà tụ tập nơi đông người để tiệc tùng, ca hát, lễ hội rồi mang dịch bệnh về cho bản thân, người thân và cộng đồng cũng là một hành động thiếu lòng từ bi! Với hành động thiếu trách nhiệm này, chúng ta đã làm khổ cho mình và những người chung quanh.

      Hiện nay, có những người vì lý do tôn giáo mà tụ tập cầu nguyện, cúng kiến là đi ngược với tinh thần từ bi và trí tuệ. Phật ở trong tâm, phước họa là do nhân quả nghiệp báo, Muốn giải thoát giác ngộ phải có công phu tu tập. Lễ hội cầu nguyện chỉ là phương tiện dẫn dắt quần chúng, mà không phải là cứu cánh. Cho nên, tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta có thể châm chước hay hủy bỏ.

      Thay vì lễ hội cầu nguyện, mỗi ngày chúng ta nên dành ra một khoảng thời gian từ 15-30 phút để ngồi một mình, suy nghiệm về sự sống và cái chết, trải tâm từ đến với những người đã chết vì bệnh dịch, những bệnh nhân đang chống chọi trên giường bệnh. Chúng ta nguyện sao người mất được siêu sinh, người bệnh mau bình phục, bệnh viện có đủ nhân sự, phương tiện và thuốc men để cứu chữa. Lại nguyện sao cho tật dịch sớm dứt trừ, để mọi người trở lại cuộc sống bình thường như xưa. Mong rằng những vị Bồ-tát:

Trong đời tật dịch
Hiện thành cây thuốc
Cứu bệnh trầm kha
Lúc đói mất mùa
Hóa ra lúa gạo
Giúp người nghèo đói
Chỉ cần lợi ích
Thệ chẳng từ nan!

(Sám Quy Mạng-Sakya Minh-Quang dịch)

sớm xuất hiện cho chúng sinh bớt khổ!

 

6. Nói cùng các trò

      Thầy vừa trở về Hoa Kỳ từ Việt Nam và Đài Loan cách đây không lâu. Học trò các nơi gọi điện, text message, email… quan tâm thăm hỏi khi nghe tình hình dịch bệnh ở Mỹ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nhờ ơn Phật gia hộ, thầy vẫn bình an. Tuy nhiều chương trình thuyết giảng cho đến tháng 06 của thầy ở Châu Âu, California và các nơi khác đã hủy bỏ vì dịch bệnh, nhưng không có vấn đề gì! Học trò các nơi đã nghe (văn) thầy giảng nhiều, đây là lúc chúng ta nên tập trung cho việc tư và tu!

      Đây cũng là lúc thầy có thời giờ an thất tịnh dưỡng, dịch kinh, viết sách và chiêm nghiệm cuộc sống nhiều hơn. Với tinh thần lạc quan và tri ân, thầy viết ra đây thái độ và quan điểm của mình trước tình hình dịch bệnh để gởi đến các trò, đáp lại tấm lòng quan tâm của đại chúng. Cuối cùng, vẫn một câu nói cũ, xin các trò nhớ lấy:

Cho dù ngày mai tận thế
Đêm nay sen vẫn gieo trồng
Đem lòng gió mát trăng thanh
Xưng tán A-di-đà Phật!

     Kính chúc đại chúng sống an lành, vượt qua mùa dịch bệnh trong ánh từ quang gia hộ của chư Phật.

     Nam-mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ-tát Ma-ha-tát.

 

Sakya Minh-Quang viết ngày 31 tháng 03, 2020
Tại Tu Viện Thiện Tường

s513037892264040667_p18_i1_w233.jpeg
bottom of page