Chân Thật Nghĩa Của Giàu & Vui
Đất trời kho báu của chung
Bấy lâu sao mãi bần cùng uổng oan?
Ngày xuân hoa đẹp khắp non
Đêm thu gió mát trăng tròn riêng ai?
Thở vào, hương thoảng đào mai
Thở ra, ngắm ánh trăng lay bên cầu
Đây nguồn hạnh phúc nhiệm mầu
Giàu vui nào phải tìm cầu đâu xa!
Thở vào, nhẹ nhõm thở ra
Có vào, hạnh phúc cho ra mọi người
Giàu nhờ kho báu đất trời
Lấy dùng vô tận, ai người cấm ngăn?
Vui vì sống có thiện căn
Biết chia sẻ những khó khăn với người
Trăng trong, gió mát, hoa tươi...
Một kho vô tận xin người lấy cho!
[Kho Báu Vô Tận - Sakya Minh-Quang]
I. Dẫn Nhập
Vào đêm trăng rằm tháng bảy năm Mậu Tuất (1082), Tô Đông Pha (1037-1101), một trong tám vị đại văn hào đời Đường Tống (Đường Tống bát đại gia), đang lúc bị lưu đày ở Hoàng Châu, đã cùng bạn chèo thuyền ngắm trăng, dạo chơi dưới chân núi Xích Bích. Trong cảnh gió mát trăng thanh, đàn hát vui vẻ, bỗng có một vị khách thổi lên một khúc tiêu ai oán. Tô Đông Pha hỏi lý do. Vị khách này giải thích vì tức cảnh sinh tình, chèo thuyền bên dưới ngọn núi Xích Bích nên nhớ lại trận chiến Xích Bích năm xưa, nơi Chu Du đã dùng hỏa công phá tan đội quân hùng mạnh của Tào Tháo. Anh hùng như Tào Tháo, thao lược như Chu Du mà nay có còn đâu? Rồi vị khách lại nói: "Huống chi tôi và ông chỉ như kẻ ngư phủ đánh cá hay tiều phu đốn củi ở bến sông, làm bạn cùng hưu nai tôm cá. [Chúng ta] chèo một chiếc thuyền con, mời nhau một bầu rượu nhạt, gởi kiếp phù du nơi trời đất, như hạt thóc nhỏ bé giữa vô cùng! Tôi buồn vì sinh mệnh sao ngắn ngủi, lại hâm mộ con sông dài chảy vô cùng! [Ước gì,] được cùng tiên phi hành để ngao du, ôm trăng sáng mà sống mãi. Biết rằng mình không thể làm được như vậy, nên gởi tấm lòng tiếc hận này vào tiếng gió buồn thương"
Trước sự bi thương của bạn, Tô Đông Pha với cái nhìn thấu đáo và sâu sắc hơn, đã an ủi và thức tỉnh vị khách chung thuyền:
"Bạn có biết về dòng sông và ánh trăng chăng? Dòng sông tuy trôi qua như thế mà chưa từng đi, ánh trăng tuy tròn khuyết như vậy nhưng không thêm bớt. Bởi vì, nhìn từ góc độ biến hóa thì trời đất không thể không thay đổi dù chỉ trong một chớp mắt; còn nhìn từ góc độ bất biến, thì vật và ta đều vô cùng, cần gì phải hâm mộ? Lại nữa, trong cõi trời đất vạn vật đều có chủ. Nếu không phải là cái mình có, thì ta không được lấy dù chỉ là mảy may. Còn như, gió mát ở trên sông, trăng sáng nơi lưng núi, tai chạm đến thành tiếng, mắt bắt gặp thành sắc, nếu lấy đó thì không ai ngăn cấm, nếu dùng đó sẽ không bao giờ hết. Cho nên, trời đất chính là kho vô tận. Đây là cái mà tôi cùng với bạn thỏa thích lấy dùng."
Nghe xong, vị khách chừng như tỉnh ngộ, vui vẻ trở lại.
(Tiền Xích Bích Phú-Sakya Minh-Quang dịch)
Như vậy, tiếng tiêu buồn bã chính là tiếng lòng của người khách cùng dạo thuyền bên núi Xích Bích với Tô Đông Pha thuở nào. Nhưng thực ra, đây cũng là nỗi niềm của chúng sinh khi phản tỉnh lại kiếp nhân sinh ngắn ngủi và nhỏ nhoi giữa trời đất bao la vô tận. Lý Bạch (701-762), được xưng tụng là Thi Tiên đời Đường, từng chia sẻ một nhân sinh quan tương tự:
Anh thấy chăng?
Hoàng hà nước tự trời cao
Trôi ra biển cả chẳng bao giờ về.
Anh thấy chăng?
Cha soi kính tóc bạc phơ
Sớm tơ, tối tuyết, ngẫn ngơ chợt buồn!
(Tương Tiến Tửu-Sakya Minh-Quang dịch)
Còn Trần Tử Ngang (661-702), được xưng tụng là Tổ Thơ của Đường Thi (Đường Thi Thi Tổ), lại càng trực tiếp hơn:
Trước: chẳng thấy người xưa
Sau: không gặp ai đến
Ngẫm trời đất mênh mông
Riêng đau lòng rơi lệ
(Đăng U Châu Đài Ca-Sakya Minh-Quang dịch)
Như vậy, nỗi buồn của Lý Bạch, dòng lệ của Trần Tử Ngang cũng đồng điệu với tiếng lòng thê thiết của vị khách dạo chơi dưới chân núi Xích Bích thuở nào. Nhân sinh quan về cuộc đời vô thường ngắn ngủi này tuy không sai, nhưng chưa minh triết và thấu đáo.
II. Đạt Quan: Dòng Sinh Mệnh Vô Cùng, Người Vật Không Hai
Vị khách trên thuyền đó có thể là một nhân vật hư cấu, phản ảnh thế giới nội tâm phức tạp, luôn xung đột giữa hai thái cực: tình và trí của Tô Đông Pha. Có lẽ, Tô Đông Pha đã tự an ủi, thức tỉnh và khích lệ mình trong bước đường hoạn nạn. Trong nốt trầm trên đường hoạn lộ, bị giam vào tử ngục, rồi sau đó được phóng thích, nhưng bị lưu đày ở chốn hoang dã là Hoàng Châu, có lẽ nhiều lúc Tô Đông Pha đã chán nãn, buồn đau trước cuộc đời thăng trầm, vinh nhục và đầy dẫy sự bất công. Chính vì tài hoa xuất chúng, thơ văn xuất cách, nên Tô Đông Pha được nhiều người hâm mộ, kính trọng, nhưng cũng không ít người đố tài, ganh tỵ, nhất là trong giới quan trường. Lại thêm, ông cá tính ngay thẳng, trực ngôn, không chịu xu phụ quyền quý, “không hợp thời nghi” nên đã đụng chạm đến quyền lợi của những kẻ đương quyền, khiến một đời lao đao lận đận vì những gièm pha, vu khống.
Nhưng có lẽ, nhờ những trải nghiệm khổ đau đó, Tô Đông Pha càng gần gũi và học Phật giáo sâu sắc hơn. Qua chiêm nghiệm Phật lý, Tô Đông Pha đã có được một nhân sinh quan sâu sắc. Nhờ nhân sinh quan sâu sắc này, những tác phẩm sáng tác thời lưu đày ở Hoàng Châu, nhiều bài đã trở thành tuyệt tác, mà bài Tiền Xích Bích Phú là một ví dụ điển hình. Trong bài phú này, Tô Đông Pha đã an ủi cho vị khách chung thuyền, mà đúng hơn là tự nhắc nhở mình: “Dòng sông tuy trôi qua mãi như thế mà chưa từng đi, ánh trăng tuy tròn khuyết như vậy mà rốt cuộc không có thêm bớt. Bởi vì, nhìn từ góc độ biến hóa thì trời đất không thể không thay đổi dù chỉ trong một chớp mắt; còn nhìn từ góc độ bất biến, thì vật và ta đều vô cùng, cần gì phải hâm mộ?”
Ý đoạn văn trên Tô Đông Pha bảo rằng: Tất cả vạn vật đều vô thường, sinh diệt trong từng sát-na. Đừng cho rằng dòng sông là chảy dài vô tận. Thực ra nó đang sinh diệt, biến đổi từng phút từng giây nếu nhìn từ góc độ “biến” hay vô thường. Vạn vật đều vô thường sinh diệt trong từng sát-na như nhau. Vì vậy, ta không cần phải hâm mộ cái lâu dài của vật mà tiếc hận cho sự ngắn ngủi của mình vì tất cả đều sát-na vô thường như nhau! Lại nữa, từ góc độ “bất biến” nhìn, sinh diệt chỉ là giả tướng của vạn vật, còn thật tướng là tánh không bất sinh bất diệt, bình đẳng giữa mình và vật! Như vậy, Tô Đông Pha đã thâm nhập sâu sắc nhân sinh quan của Phật giáo Đại Thừa như thật tướng bất sinh bất diệt và thể hiện điều này qua tác phẩm văn chương.
Nhân sinh quan của Phật giáo không phải bi quan, hay lạc quan, mà là đạt quan. Bi quan là nhìn đời qua cặp kính đen, thấy cái gì cũng tiêu cực, tăm tối. Lạc quan là nhìn đời qua cặp kính hồng, tự mình tô màu cho cuộc sống, để khi đối diện thực tế lại không đủ năng lực để đối phó trước bao nghịch cảnh khó khăn. Giáo dục Phật giáo trước hết giúp hành giả giác ngộ đời vô thường, tức nhìn đời từ góc độ biến đổi, để biết thức tỉnh buông bỏ lợi danh, tình chấp. Muốn được như vậy, không những chỉ có “vô thường quan”, tức nhân sinh quan về vô thường, mà còn cần phải có “vô thường quán”, tức công phu quán chiếu sâu sắc để dứt trừ thói quen tình chấp. Sau đó, hành giả phải quán chiếu sâu sắc hơn để nhận ra pháp tính bất sinh bất diệt nơi vô thường sinh diệt, vượt qua kiến chấp thường đoạn nhị nguyên, và nhìn đời với tri kiến "như thị". Cái nhìn này được gọi là đạt quan.
III. Đạt Quan-Cái Nhìn Như Thị
Thuở xưa có một vị tăng đọc Kinh Pháp Hoa, đến câu:
Các pháp từ xưa nay,
Tướng thường tự tịch diệt
(Chư pháp tùng bản lai,
thường tự tịch diệt tướng).
Ông khởi nghi ngờ, tại sao các pháp rõ ràng vô thường sinh diệt mà Phật lại bảo là “thường tự tịch diệt”? Ôm mối nghi này như một công án tham cứu, vào một buổi sáng mùa xuân, khi đang ngồi ngắm hoa trước tịnh thất, chợt nghe chim hót trên nhành dương, ông liền ngộ ra chân thật nghĩa mà ý Phật muốn nói, liền thêm hai câu vào hai câu kinh trên để làm nên bài kệ bốn câu:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng
Xuân đến trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành!
(Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.
(Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Thì ra, vị tăng đã một bước nhảy vượt khái niệm nhị nguyên: có không, sinh diệt, động tĩnh, thường đoạn, để nhận ra pháp nhĩ như thị. “Các pháp thường tự vắng lặng”. Tự vắng lặng chính là tự tính không (Śūnyatā) của các pháp. Cho nên, nói các pháp không, không phải là không có, mà là không thật có vì không có tự tính. Cho nên, nói khác đi, các pháp duyên khởi chính là tánh không và tánh không chính là duyên khởi. Đây chính là thật tướng của các pháp. Vì vậy, các pháp vẫn thường tịch diệt dù xuân về chim hót hoa cười (duyên khởi), hay thu sang lá vàng rơi rụng. Như vậy, bất sinh bất diệt ngay nơi sinh diệt, sinh tử và niết-bàn không hai, bởi vì các pháp thường tự tịch diệt. Trong Triệu Luận, Tăng Triệu cũng có bài kệ nói lên ý này:
Gió thổi bay núi mà thường tịnh
Nước sông đổ gấp mà không trôi
Bụi trần lăng xăng mà chẳng động
Mây qua bầu trời mà chẳng đi!
Cho nên, trong bài kệ Lục Như của Kinh Kim Cương Bát-nhã, đức Phật dạy hành giả quán chiếu các pháp hữu vi không thật, như mộng huyễn bào ảnh… để nhận ra tự tính không của vạn pháp, vượt qua giới hạn nhận thức giả tướng thường nghiệm, và chứng ngộ thật tướng bất sinh bất diệt này:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương sớm, điện chớp
Nên quán chiếu như vậy.
(Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán).
Dựa vào ý Kinh Kim Cương trên, bút giả đã viết bài kệ tọa thiền buổi sáng sử dụng tại Tu Viện Thiện Tường:
Canh năm thức tỉnh tọa thiền
Tinh thần đề khởi, trang nghiêm tu trì.
Quán sâu các pháp hữu vi
Như mộng, như huyễn, khác gì sương mai
Bóng trăng, bọt nước không sai
Lại như điện chớp chợt bay ngang trời!
Tánh không quán chiếu không ngơi
Kim Cương Phật nhãn nhìn đời như như!
Đại chúng xin hãy thiền tư
Một phen thể nghiệm chân như niết-bàn!
“Kim Cương Phật nhãn nhìn đời như như” là cái nhìn đạt quan của Phật giáo, tức nhìn đời đúng như nó là (see things as they really are). Thật tướng bát-nhã này là kết quả của quá trình quán chiếu bát-nhã: “Tánh không quán chiếu không ngơi”. Nhìn đời được như vậy, hành giả mới thực sự an lạc hạnh phúc, ung dung tự tại trong cõi đời vô thường. Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng bảo: "Đạt quan trước sống chết chừ, nhàn vậy thôi!" (Sinh tử đạt quan hề, nhàn nhi dĩ). Cho nên, nếu nhận ra thật tướng của các pháp là tánh không, hay tướng thường tịch diệt, thì mình và vật không khác, đều cùng trong thể tánh bất sinh bất diệt, dòng sinh mệnh vô lượng thọ, vô lượng quang, thì cần chi phải bỏ mình theo vật, hâm mộ trường sinh bất tử của phi tiên? Đây cũng chính là ý của Tô Đông Pha trong đoạn văn trên.
IV. Đạt Quan Là Giàu Vui
Lại nữa, người đạt quan không chỉ an vui mà còn giàu có. Trước hết, họ giàu có vì biết đủ. Biết đủ tức là biết nhận ra những gì mình đang có, biết trân quý và khéo hưởng dụng nó. Có ai nhận ra mình đang thở một cách thoải mái không? Đây là một niềm hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng thụ từng phút giây trong cuộc sống hằng ngày. Hơi thở quan trọng vậy mà nhiều khi mình không ý thức được niềm hạnh phúc này. Thử nghĩ xem, khi chúng ta nghẹt mũi hay bị lên cơn hen suyễn, sự khó thở sẽ gây ra khổ sở như thế nào? Đây là lúc bình thời, còn trước giây phút lâm chung lại càng cho thấy sự trọng yếu của hơi thở. Khi cái chết đến bên, hơi thở yếu ớt và đứt đoạn. Máy trợ thở và đủ mọi dụng cụ y khoa hỗ trợ người hấp hối, thực ra cũng chỉ vì để duy trì một hơi thở này mà thôi!
Vì vậy, biết đủ không phải là tiêu cực, an phận, không chịu cầu tiến như nhiều người thường lầm nhận. Thực ra, người biết đủ là người có trí tuệ và bản lĩnh. Trí tuệ là khả năng thấy và biết trân quý những gì mình đang có, còn bản lĩnh là khả năng nhận diện và sống hạnh phúc với của báu trong ta. Có biết quý trọng và hưởng dụng những gì mình đang có, mới có đủ trí tuệ và năng lực để truy cầu những cái lớn lao và có ý nghĩa hơn. Còn buông hình bắt bóng, không trân quý những gì đang có, chỉ truy cầu những điều xa vời, đó là người tham lam, thiếu trí tuệ. Cho nên, đức Phật dạy: "Nếu muốn thoát khổ não nên quán xét biết đủ. Biết đủ là an vui và giàu có bậc nhất. Người biết đủ tuy nằm trên đất cũng an vui, người mà không biết đủ dù ở nơi thiên đường, cũng không thấy vừa ý. Người mà không biết đủ tuy giàu nhưng lại nghèo, người biết đủ tuy nghèo lại vô cùng giàu có. Người mà không biết đủ bị năm dục kéo lôi, người biết đủ thấy vậy, cảm thấy thực đáng thương.” (Kinh Di Giáo-Sakya Minh-Quang dịch)
Lại nữa, Người đạt quan còn là người khám phá ra kho báu vô tận của trời đất, lấy không hết, dùng không cùng. Cho nên, dưới con mắt thế gian nhìn, dường như họ rất nghèo, nhưng thực ra họ là người rất giàu có hạnh phúc. Trong bài Tiền Xích Bích Phú trên, Tô Đông Pha nói: “Lại nữa, trong cõi trời đất vạn vật đều có chủ. Nếu không phải là cái mình có, thì ta không được lấy dù chỉ là mảy may. Còn như, gió mát ở trên sông, trăng sáng nơi lưng núi, tai chạm đến thành tiếng, mắt bắt gặp thành sắc, nếu lấy đó thì không ai ngăn cấm, nếu dùngđó sẽ không bao giờ hết. Cho nên, trời đất chính là kho vô tận. Đây là cái mà tôi cùng với bạn thỏa thích lấy dùng." Trộm cắp của người là một điều xấu mà cũng là một trong năm giới cấm của Phật giáo. Nhưng kho báu trời đất bao la, là của chung của muôn loại, sao ta không biết lấy dùng? Ánh nắng ban mai, gió mát trưa hè, ánh trăng đêm thu, hoa nở, chim hót mùa xuân… bao nhiêu cái đẹp và niềm vui xung quanh mà mấy ai biết tận hưởng?
Nhưng cần nhớ, kho báu này là của chung của muôn loại, phải là người trí tuệ mới biết cách lấy dùng. Điều này hoàn toàn khác với lòng tham lam lạm dụng thiên nhiên, phá hoại môi trường, chỉ muốn lấy “của chung của muôn loại” làm của riêng cho mình và gia đình mình. Đây là phạm tội trộm cắp của chung, ngược đãi thiên nhiên, lạm dụng môi trường sống vì tham lam vật chất và ích kỷ bản thân. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Việt Nam, nhiều người hay tập đoàn vì lòng tham đã và đang phạm tội này. Kết cuộc, theo luật nhân quả, con người đã trở lại hại mình, hại người, và con cháu sau này do trí tuệ bị che lấp bởi lòng tham vô độ.
Ví dụ, nạn phá rừng gây lũ, khói công nghiệp gây ô nhiễm không khí, chất thải nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước, sự rò rĩ chất phóng xạ và rác hạt nhân là những vấn nạn xã hội mà chưa có phương pháp giải quyết thỏa đáng. Ngày càng có nhiều cơn lũ quét gây mất mát của cải và cái chết thương tâm cho cư dân ở những nơi đầu nguồn do nạn khai thác rừng bừa bãi. Những bệnh tật hiểm nghèo như ung thư ngày càng nhiều do con người đã hít thở không khí khói bụi, sử dụng nguồn nước dơ bẩn, ăn rau cải có thuốc trừ sâu, dùng cá thịt nhiễm độc vì nước thải nhà máy và thức ăn tăng trọng v.v…. Đây là điều hoàn toàn trái với thái độ đạt quan của Phật giáo.
V. Đạo Phong Người Xưa
Như vậy, người sống đạt quan là người biết cống hiến cuộc sống của mình cho việc tìm cầu chân lý, tìm ra hạnh phúc chân thật của nhân sinh. Vì mục đích này, họ đã từ bỏ vinh hoa phú quý, sống đời thiểu dục tri túc để dành năng lượng và thời gian cho sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Cho nên, trong Kinh Tám Điều Giác Ngộ đức Phật dạy:
Bậc Bồ-tát vô cầu biết đủ
Vui phận nghèo quy cũ tu hành
Trau giồi tuệ nghiệp lợi sanh
Vung gươm trí tuệ, dứt mành vô minh!
(Sakya Minh-Quang dịch)
Đây cũng là điều mà Thiền sư Huyền Giác bảo:
Điệu xưa, phong thái tự thanh cao
Mặt gầy, xương cứng chẳng ai chào
…
Thân nghèo: Con Phật manh áo vá
Lòng giàu: Đạo sáng tợ trăng sao!
(Điệu cổ thần thanh phong tự cao,
Mạo tụy cốt cương nhân bất cố.
…
Bần tắc thân thường phi lũ hạt,
Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.)
(Chứng Đạo Ca-Sakya Minh-Quang dịch)
Xét ra, trong lịch sử Phật Giáo, những vị Cao tăng Thạc đức đều là những người có Đạo phong, Đạo hạnh và Đạo nghiệp như vậy.
Khi bút giả còn nhỏ, mỗi buổi sáng thức dậy công phu khuya, đều được nghe Hòa Thượng ân sư Thích Thiện Tường (1917-1984), người khai sáng Tổ Đình Giác Nguyên Sài Gòn, thỉnh đại hồng chung và ngâm kệ cảnh tỉnh đại chúng. Trong đó có bài:
Cũng vì mang lấy chữ nghèo
Chữ nghèo đằng cuối có vần eo
Vần eo thúc đẩy mau thành Đạo
Thành Đạo vì nghèo ít kẻ theo!
(HT. Thích Thiện Tường)
Bài kệ này một phần nói lên nếp sống thanh đạm, nghiêm trì tịnh giới và cần lao phụng sự đại chúng của Ngài. Được cúng dường tiền bạc, vải vóc bao nhiêu, Hòa Thượng đều chia lại cho đại chúng, còn mình chỉ ba y một bát, áo rách vá vai, suốt ngày cuốc đất trồng rau. Cuộc sống tu viện Phật giáo sau 1975 dù biết bao khó khăn vất vả, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, Hòa Thượng vẫn rắn rỏi lập trường, ung dung tự tại, như cội tùng già vững chãi giữa tuyết sương, để che chỡ và nuôi dưỡng những mầm non Phật Pháp như bút giả và huynh đệ.
Một bậc Cao tăng Thạc đức khác của Việt Nam là Hòa thượng Thích Tuệ Đăng (1873-1953), dịch giả Kinh Vu Lan và Kinh Báo Hiếu ở Việt Nam. Ngài chẳng những có công đức lớn dịch kinh, còn là một vị Đạo phong và Đạo hạnh khả kính. Ngài từng có hai câu đối ghi trước hang đá ở Bà Rịa, nơi Ngài ẩn tu:
Tá thạch vi tường, thục thức lão tăng cùng đáo để
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương!
Nghĩa:
Mượn đá làm tường, ai biết lão tăng nghèo hết mức?
Lấy gió làm quạt, đâu ngờ Đạo lớn vui vô cùng!
(Sakya Minh-Quang dịch)
Lại nữa, Thiền sư Lương Khoan良寬(1758~1831)người Nhật Bản là một người sống rất đạm bạc, hòa quang đồng trần cùng dân chúng trong đời thường. Ngài có bài thơ nói lên Đạo phong và Đạo hạnh của mình:
Trong túi vài cân gạo
Bên lò bó củi khô
Ai hỏi dấu mê ngộ
Lợi danh bụi sạch chưa?
Đêm mưa trong am cỏ
Duỗi hai chân ngủ khò!
(Thiền sư Lương Khoan-Sakya Minh-Quang dịch)
Ý Ngài bảo: Nếu có ai hỏi làm việc mê ngộ, làm sao để khai ngộ, kiến tánh. Xin thưa, hãy tự hỏi mình đã quét sạch bụi trần danh lợi trong đời sống hằng ngày chưa? Nếu miệng chỉ bàn chuyện chánh niệm tỉnh giác, vãng sinh Tịnh Độ, tham thiền kiến tánh v.v…, nhưng danh lợi chẳng buông thì tất cả chỉ là hý luận!
VI. Thay Lời Kết
Sau đây, xin mượn một giai thoại trong cuộc đời của Thiền sư Lương Khoan để thay cho lời kết luận. Một hôm, có một tên ăn trộm đến viếng am cỏ của Ngài. Lục mãi nhưng chẳng thấy gì, ngài thức dậy, thấy vậy mới cởi chiếc áo khoác bên ngoài đưa cho nó. Tên ăn trộm nhận áo định đi. Ngài bảo: sao không cám ơn? Nó cám ơn rồi bỏ đi. Ngài quên bẵng việc này. Ba hôm sau trời trở lạnh, giữa đêm giật mình thức dậy. Cảm thấy lạnh, Ngài mới nhớ lại chuyện ăn trộm hôm trước. Ngài thầm thương cho tên trộm, tự nói: “không biết hắn có đủ ấm không?” Nhìn ra cửa sổ sáng trăng, Ngài lại bảo: “Ước chi ta có thể tặng cho hắn ánh trăng sáng này!”
Bút giả bình: Tưởng rằng Lương Khoan rất nghèo, ai ngờ lại rất giàu! Cả một kho báu vô tận của trời đất, mặc tình tiêu dao. Chẳng những vậy, Ngài còn sẵn lòng chia sẻ cho người. Nhưng ai là người chịu tin nhận đây? Tên trộm gặp thiền sư mà chỉ có được một chiếc áo khoác, thực đáng tiếc thay! Đúng là cùng tử phụ Cha!
Sakya Minh-Quang
Viết tại Tu Viện Thiện Tường, ngày 11 tháng 12, 2018