Ý Nghĩa và Lợi Ích của Hồi Hướng Công Đức
1. Hồi hướng là gì?
Hồi hướng công đức là pháp môn giúp hành giả giữ gìn chánh niệm vô ngã từ bi, nuôi dưỡng Bồ-đề tâm và Bồ-tát nguyện của mình. “Hồi” là “hồi chuyển”, tức “chuyển tặng lại”. Còn “Hướng” là “hướng về” hay “hướng đến”, tức hướng về chúng sinh và hướng đến quả vị giải thoát giác ngộ. Như vậy, hồi hướng công đức là đem công đức mình tu tập được thay vì hưởng riêng, chúng ta “hướng về” chúng sinh để “chuyển tặng lại” và cùng nhau “hướng đến” đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Ví dụ, chúng ta bố thí, cúng dường hay tụng kinh, niệm Phật v.v…, theo lý nhân quả ai ăn người nấy no, ai tu người đó được. Nhưng với một vị phát tâm Bồ-đề, lập hạnh Bồ-tát, vì lòng từ bi thương tưởng chúng sinh, vì hướng đến Phật đạo để giúp mọi người cùng thoát khổ, nên đem tất cả công đức bố thí, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật v.v…. đều hồi hướng về tất cả chúng sinh, cầu nguyện mình và người đều cứu cánh thành tựu quả Phật. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa hồi hướng công đức, chúng ta thử nghe lời giải thích của Bồ-tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm:
-Này thiện nam tử, nói “phổ giai hồi hướng” có nghĩa, từ lễ kính [chư Phật] ban đầu đến tùy tùy thuận [chúng sinh], tất cả công đức đều hồi hướng về tất cả chúng sinh trong mọi thế giới ở hư không cho đến tận cùng pháp giới. Cầu nguyện [công đức này] giúp chúng sinh thường được an lạc, không có bệnh khổ, muốn làm các việc ác đều không thành, tu tạo các nghiệp thiện mau được thành tựu, đóng kín mọi cánh cửa đi vào đường ác, khai thị cho trời người biết được con đường chánh yếu đến niết-bàn. Nếu các chúng sinh vì tích chứa các nghiệp ác mà chiêu cảm ra tất cả quả khổ nặng nề nhất con đều thay họ mà gánh chịu, khiến những chúng sinh này đều được giải thoát, cứu cánh thành tựu Bồ-đề vô thượng.”(Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng 10, trang 846a-b).
Qua lời giải thích trên, chúng ta thấy hồi hướng công đức chính là thực hiện tâm bồ-đề, đem tất cả công đức mình tu tập được làm tặng phẩm, tặng cho tất cả chúng sinh, cầu nguyện mọi người nhờ đó hết khổ được vui. Lại nguyện dấn thân vào cảnh khổ, thay chúng sinh gánh vác khổ nạn, đem Chánh Pháp giúp mọi người được thành tựu Phật đạo cứu cánh.
2. Ba nghĩa hồi hướng
Cổ đức quy kết hồi hướng có ba nghĩa: (1) Hồi sự hướng lý, (2) hồi tự hướng tha, (3) hồi nhân hướng quả. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa hồi hướng, chúng ta thử tìm hiểu ba nghĩa này.
a. Hồi sự hướng lý
Sự là sự tướng, tức các hạnh hữu vi, sinh diệt. Lý là lý tánh, chỉ lý thể bất sinh bất diệt. Nói khác đi, sự là duyên khởi, lý là tánh không; sự là giả tướng duyên khởi, lý là thật tướng không tướng. Là phàm phu, chúng ta tu tập các hạnh như bố thí, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật v.v… là hạnh hữu vi. Chúng ta cần phải “hồi chuyển” sự tu, tức hạnh hữu vi này “hướng về” lý tánh vô vi, không tu, không chứng, không ta, không người mới có thể giải thoát, giác ngộ. Nếu không hồi sự hướng lý, phàm phu sẽ rơi vào kiến chấp có tu, có chứng, do đó sẽ khởi tâm ngã mạn, làm chướng ngại Bồ-đề đạo. Cho nên, mục đích của hồi sự hướng lý là để “lý sự viên dung”, khai triển tuệ giác bát-nhã. Tổ Quy Sơn dạy: “Trên đất thật tế không nhận một mảy trần, trong cửa vạn hạnh không lìa một pháp.” Đây chính là ý này.
b. Hồi tự hướng tha
Tự là chính mình, tha là người khác. Đây là nói đem công đức mình tu tập hồi hướng về tất cả chúng sinh. Người chưa thông tỏ lý chẳng những chấp sự tu, mà còn chấp ngã. Cho nên, họ làm phước nghiệp gì đều vì mình (ngã) hoặc người thân của mình (ngã sở hữu). Nếu hiểu được lý trùng trùng duyên khởi (interdependent arising), tương tức tương nhập (inter-beings and inter-penetration) mình và người không khác, nếu chúng sinh an lạc mình sẽ an lạc; nếu chúng sinh còn khổ, mình không thể nào hoàn toàn được an vui. Cho nên, hồi tự hướng tha chính là phá trừ ngã chấp, nuôi dưỡng tâm đại bi cứu khổ chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói:
Tất cả công đức mình tu được
Không vì riêng mình hay ai khác
Dùng tâm giải thoát không trói buộc
Hồi hướng lợi ích mọi chúng sinh.
(Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng 09, trang 532c)
c. Hồi nhân hướng quả
Nhân là nhân tu, quả là quả chứng. Hồi nhân hướng quả là chỉ đem công đức huân tu của ba nghiệp thân miệng ý hướng về quả Vô thượng Bồ-đề, rốt ráo thành Phật, mà không phải cầu phước quả trong cõi trời người, hay quả vị nhị thừa Thanh văn, Duyên giác, cho đến quyền thừa Bồ-tát. Pháp sư Thư Ngọc đời Thanh dẫn Kinh Diệu Tý Bồ-tát nói: “Có người hiến hương, hoa, đèn, khen ngợi, cúng dường…, cho đến trì giới, tinh tấn lễ tụng, tu hành tất cả thiện pháp đều hồi hướng về Phật quả Vô thượng Bồ-đề. Nếu hồi hướng về nhân thiên thì vẫn không tránh khỏi các khổ; nếu hồi hướng về nhị thừa chỉ có thể tự độ; nếu hồi hướng về Bồ-tát vẫn chưa cứu cánh. Chỉ có Phật quả Bồ-đề mới thực sự là chỗ quy thú, là bảo sở. Ví như cá dòng chảy đều đổ về biển cả. Đã vào biển cả rồi tất cả đều đồng một vị.” (Di Sơn Lễ Phật Phát Nguyện Văn Lược Thích-Sakya Minh-Quang dịch; J 30, trang 915c-916a).
Cùng một ý này, trong Văn Đại Sám Hối (Hồng Danh Bảo Sám) cũng nói: “Con nay phát tâm không phải vì cầu phước báo trời người, quả vị thanh văn, duyên giác, hay Bồ-tát quyền thừa cho mình, mà chỉ y nơi tối thượng thừa phát tâm Bồ-đề, nguyện cùng với chúng sinh trong pháp giới đồng một lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Phật)”. (J 30, trang 917c)
3. Hồi hướng và Bồ-đề tâm
Như trên đã nói, hồi hướng công đức là pháp môn giúp hành giả giữ gìn chánh niệm vô ngã từ bi, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề bất thoái. Tâm Bồ-đề có ba yếu tố: (1) đại bi, (2) đại trí, (3) đại nguyện. Để phát khởi và nuôi dưỡng tâm đại bi, hành giả “hồi tự hướng tha”, đem công đức hồi hướng cho chúng sinh hết khổ. Để phát khởi và nuôi dưỡng đại trí, tức thâm bát-nhã ba-la-mật, hành giả “hồi sự hướng lý”, thâm nhập thật tướng không. Để phát khởi và nuôi dưỡng đại nguyện, tức nguyện thành Phật cứu độ chúng sinh, hành giả “hồi nhân hướng quả”. Cho nên, hồi hướng công đức chính là phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề khiến không thoái chuyển.
Vậy tâm Bồ-đề là gì? Tâm Bồ-đề nói đủ là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, tức tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hay Vô thượng Bồ-đề. Đây là nói, vì lòng đại bi nên phát nguyện thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để độ thoát tất cả chúng sinh. Cho nên, Bồ-đề tâm lấy tâm đại bi thương tưởng, cứu khổ chúng sinh làm căn bản. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chư Phật Như Lai lấy tâm đại bi làm thể, vì chúng sinh mà khởi tâm đại bi, vì đại bi mà sinh tâm Bồ-đề, vì tâm Bồ-đề mà thành Chánh giác.” (Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng 10, trang 846a).
Tâm Bồ-đề chính là tâm yếu của Phật Pháp Đại Thừa, là nền tảng của Bồ-tát hạnh, là kim chỉ nam hướng đển quả Phật tối thượng, là lý tưởng độ sinh của Bồ-tát. Cho nên, Kinh Hoa Nghiêm đã tán thán: “Tâm Bồ-đề chính là chủng tử của tất cả chư Phật vì có thể sinh ra tất cả Phật Pháp. Tâm Bồ-đề là ruộng tốt vì có thể nuôi lớn các pháp bạch tịnh (pháp lành vô lậu) cho tất cả chúng sinh. Tâm Bồ-đề là đại địa vì có thể giữ gìn tất cả thế gian. Tâm Bồ-đề là nước sạch vì rửa sạch tất cả dơ bẩn phiền não. Tâm Bồ-đề là gió lớn vì không có chướng ngại trong thế gian. Tâm Bồ-đề là lửa mạnh vì có thể thiêu cháy tất cả tà kiến, ái nhiễm. Tâm Bồ-đề là mặt trời sáng vì chiếu soi khắp tất cả chúng sinh loại. Tâm Bồ-đề là ánh trăng rằm vì tất cả pháp bạch tịnh đều tròn đủ. (,,,) Tâm Bồ-đề là cỗ xe lớn (đại thừa) vì chuyên chở tất cả Bồ-tát. Tâm Bồ-đề là cửa nẻo vì khiến đi vào tất cả hạnh Bồ-tát.” (Sakya Minh-Quang dịch. Đại Chánh Tạng 09, trang 775b).
Tóm lại, chúng ta tu tạo công đức, nếu không giữ vững chánh niệm từ bi và tâm Bồ-đề rất có thể lạc lối, đi vào đường rẽ. Ví dụ, người bố thí cúng dường ban đầu có thể xuất phát từ tâm tốt. Sau đó, nếu thất niệm có thể sinh khởi tâm ngã mạn, cầu danh, cầu lợi…. Như vậy, bố thí càng nhiều thì bản ngã càng lớn, hiện đời rước lấy phiền não bất an, thoái thất đạo tâm, khởi hoặc tạo nghiệp, đời sau phải đọa lạc trong ba đường ác! Cho dù đời sau có hưởng được phước hữu lậu trong cõi trời người, người thiếu chánh niệm và nguyện lực của Bồ-đề tâm định hướng, cũng lại tạo nghiệp thọ khổ, loay hoay mãi trong vòng sinh tử. Cho nên, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quên mất tâm Bồ-đề mà tu các căn lành đây gọi là nghiệp ma.” (Đại Chánh Tạng 09, trang 663a).
4. Lợi ích của hồi hướng công đức
Như trên đã trình bày, chúng ta thấy hồi hướng công đức có lợi ích rất to lớn. Đó chính là giúp hành giả giữ gìn chánh niệm từ bi vô ngã, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề không để quên mất hay thoái thất. Vì vậy, người xưa nói, hồi hướng công đức có thể biến công đức ít thành nhiều, nhỏ thành lớn, tất cả đều do tâm lượng lớn nhỏ của người phát tâm tu tạo! Về điểm này, Pháp sư Thư Ngọc dẫn Đại Trí Độ Luận nói: “Dùng phước đức này hồi hướng về quả Phật Bồ-đề là vì cứu độ chúng sinh, là vì được vô lượng Phật Pháp. Như người dùng chút ít đồ vật dâng lên vua sẽ được vua ban thưởng lại rất nhiều [vàng bạc], lại như nói vào ống loa, âm thanh nhỏ trở nên rất lớn. Vì vậy, hồi hướng có lợi ích rất to lớn.” (Di Sơn Lễ Phật Phát Nguyện Văn Lược Thích. Sakya Minh-Quang dịch. J 30, trang 915c).
Kế đây, bút giả xin dẫn một đoạn Kinh Địa Tạng mà Phật tử Việt Nam quen thuộc để chứng minh thêm công đức và lợi ích lớn của việc hồi hướng. Trong Phẩm thứ mười: So Sánh Nhân Duyên Công Đức của Sự Bố Thí, đức Phật bảo với Ngài Địa Tạng Bồ-tát:
-Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có các vị Quốc Vương, hàng Tể Phụ quan chức lớn, hàng đại Trưởng Giả, hàng đại Sát Ðế Lợi, hàng đại Bà La Môn v.v... Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế. Lúc các vị Quốc Vương đó v.v... muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo ngƣời khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi. Các vị Quốc Vương, Ðại Thần đó v.v... đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy. (…)
Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dƣờng bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.
(Kinh Địa Tạng-Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch).
5. Kết luận
Tóm lại, qua những trình bày trên, chúng ta thấy hồi hướng công đức có ba nghĩa là “hồi sự hướng lý”, “hồi tự hướng tha”, và “hồi nhân hướng quả”. Hồi hướng về lý tánh giúp thành tựu tuệ giác bát-nhã ba-la-mật, hồi hướng về tha nhân giúp thành tựu tâm đại bi, và hồi hướng về quả Phật giúp thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Trí tuệ, từ bi, và thệ nguyện là yếu tố hình thành nên Bồ-đề tâm. Cho nên, hồi hướng công đức chính là phát tâm Bồ-đề, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, và thực hành tâm Bồ-đề! Có tâm Bồ-đề làm nền tảng tu tập, lại nhờ luôn phát nguyện hồi hướng, chúng ta tu ít được công đức nhiều, làm việc nhỏ được phước đức lớn, không bị đi vào ngả rẽ phước báo nhân thiên hay tự độ của nhị thừa, mà có thể không quên mất tâm Bồ-đề, thành tựu hạnh Bồ-tát, cuối cùng viên thành quả Phật. Đó là lý do, sau khi tu tạo bất cứ công đức nào, chúng ta thường đọc bài kệ hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
Bài kệ trên đã thể hiện đầy đủ tâm Bồ-đề: “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh.” Cho nên, tuy tùy theo pháp môn tu tập và hạnh nguyện của hành giả, trong thiền môn có những bài kệ hồi hướng khác nhau. Nhưng tựu trung, không ngoài ý nghĩa của bài kệ hồi hướng công đức nói trên. Trong bài viết tiếp theo, bút giả sẽ giới thiệu đại chúng ý nghĩa và xuất xứ bài kệ hồi hướng này và những bài kệ hồi hướng có liên quan khác.
Nam-mô Khai Bảo Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
Sa-môn Sakya Minh-Quang viết ngày 22 tháng 03, 2021
Tại Tu Viện Thiện Tường, Champaign, Illinois.
+Bút giả note: Vì đền ơn Phật Tổ đã khai mở con đường sáng, cũng như đền ơn Phật tử đàn-na tín thí đã hộ trì, giúp đỡ mình tu học và hoằng Pháp từ trước đến nay, bút giả cố gắng biên soạn những tài liệu tu học với thái độ thận trọng, dựa trên lời dạy của chư Phật, chư Tổ. Những điều bút giả viết đều trải qua duyệt đọc kinh điển rộng rãi, tư duy gạn lọc, và cố gắng trình bày mạch lạc, rõ ràng. Kính mong đại chúng trân trọng Pháp bảo, chịu khó bỏ thời giờ và công phu để đọc kỹ, tư duy sâu, và phát tâm tinh tấn tu tập. Như vậy mới không phụ tấm lòng của chư Phật, chư Tổ và của người biên soạn.
Pháp bảo cần lưu thông, nên bút giả rất hoan nghênh việc chia sẻ bài viết, nhưng xin tôn trọng tác quyền, ghi rõ xuất xứ, và không được sửa đổi nếu không có sự đồng ý của tác giả.
Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát.
Sa-môn Sakya Minh-Quang kính ghi.