Ý Nghĩa và Công Đức của Bồ-tát Giới Tại Gia
Giới (sīla) dịch là thanh lương, hay mát mẻ. Phiền não nơi ba nghiệp như lửa cháy hừng, thiêu đốt thân tâm. Giới có thể dập tắt ngọn lửa phiền não nóng bức này, đem lại sự an lạc mát mẻ, nên gọi là thanh lương. Giới còn được gọi là biệt giải thoát. Ý nói, thọ trì mỗi giới có thể giải thoát mỗi phần phiền não tương ưng riêng biệt. Kinh Di Giáo nói: “Giới chính là thuận với gốc giải thoát.”
Đệ tử Phật cần phải hiểu rõ, thọ giới không phải là trói buộc hay hạn chế, mà là hướng dẫn và bảo vệ việc tu hành của mình, giúp chúng ta có đủ chánh tri kiến, noi theo tiêu chuẩn pháp tắc đúng đắn để thật hành, nhằm tịnh hóa ba nghiệp, từng bước thăng hoa, để có thể tương ưng với Đạo. Do đó, giới là công cụ sinh thiện diệt ác, là kim chỉ nam siêu phàm nhập thánh, là thềm bậc thành Phật tác Tổ, là căn bản bước vào Chánh Đạo.
Đệ tử Bồ-tát giới
Bồ-tát giới chính là giới luật mà Bồ-tát Đại Thừa thọ trì. Bồ-tát giới còn gọi là Phật tánh giới, Phương Đẳng giới, Thiên Phật giới…. Phật tử thọ Bồ-tát giới lấy đức Phật Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni làm Hòa thượng đắc giới, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi làm Yết-ma A-xà-lê, Bồ-tát Di-lặc làm Giáo thọ A-xà-lê, tất cả chư Phật ba đời trong mười phương làm tôn chứng sư, tất cả Bồ-tát ba đời trong mười phương làm bạn đồng tu học. Vì vậy nên biết, Bồ-tát giới có sự thù thắng và trang nghiêm như thế nào!
Bài Viết


Việc hoằng truyền Bồ-tát giới ở Trung Quốc bắc đầu từ thời Nam Bắc Triều đời Ngụy Tấn. Trong những giới bản Bồ-tát hoằng truyền, có giới Bồ-tát mà người tại gia thọ trì gồm sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh được trích xuất từ Kinh Ưu-bà-tắc-giới do Ngài Đàm-vô-sấm (Dharmakṣema, 385-433) dịch. Đời Lương và đời Trần thời Nam Triều, phong khí Cư sĩ thọ Bồ-tát giới thịnh hành. Lương Vũ Đế và Trần Văn Đế đều là đệ tử Bồ-tát giới. Lương Vũ Đế từng lập giới đàn, có tất cả hơn bốn mươi tám ngàn người, gồm Thái tử, công khanh, xuất gia, tại gia, nam nữ cầu giới. Đến đời Tùy, Tùy Văn Đế từ Ngài Đàm Diên ( 曇延) thọ Bồ-tát giới, Tùy Dương Đế (煬帝) theo Ngài Trí Nghị (Trí Giả Đại Sư) thọ Bồ-tát giới. Đời Đường, có Tể tướng Phòng Dung, đến đời Thanh có Hoàng Đế Khang Hy, Ung Chánh v.v… cũng đều thọ giới Bồ-tát. Như Vậy, lịch triều Vương Công Khanh Tướng có nhiều người là đệ tử Bồ-tát giới tại gia, tôn kính Tam Bảo, hết lòng ra sức hộ trì Phật Pháp. Kinh Phạm Võng nói: “Lúc sắp lên ngôi quốc vương hay lên ngôi chuyển luân vương, lúc bách quan nhận quan vị, nên trước thọ Bồ-tát giới. Nhờ đó, tất cả quỷ thần sẽ cứu hộ thân vua và thân bách quan.”
Giữ gìn tịnh giới, thần vương bảo hộ
Xưa có người Cư sĩ nam giữ gìn tịnh giới. Một hôm, anh ta đi đường ngang qua một nơi thâm sơn, nhìn quanh không thấy dân cư, làng mạc. Màn đêm sắp xuống, anh tìm gấp một nơi đặt chân để nghỉ qua đêm. Anh chợt trông thấy một nơi không xa có một căn nhà nhỏ, đèn dầu leo lét sáng. Anh mới đến đó gõ cửa xin ngủ nhờ. Đâu ngờ, trong nhà chỉ có một người phụ nữ. Nghe anh tỏ bày ý định ngủ nhờ, người phụ nữ đáp: “Chồng tôi là một tên yêu núi, quỷ la-sát. Mỗi đêm hắn ta đều trở về nhà. Anh nếu ở đây, chắc chắn sẽ bị chồng tôi ăn thịt.” Vị Cư sĩ nói: “Tôi là đệ tử Phật thọ trì giới thanh tịnh, ắt có thần vương hộ giới bảo hộ. Cô cứ yên tâm.”Do đó, người phụ nữ mới sắp đặt cho anh ở căn phòng sát vách. Vị Cư sĩ đêm đó một lòng thanh tịnh, chánh niệm giới pháp, cho đến trời sáng vẫn an nhiên vô sự.
Sáng ra, anh cáo từ tiếp tục lên đường. Tuy nhiên, vị Cư sĩ này vừa đi vừa nghĩ: Có lẽ người phụ nữ này nói dối có chồng là la-sát để gạt mình, chắc không có việc quái dị như vậy đâu. Anh vừa đi vừa nghĩ như vậy, rốt cuộc khởi lên ý niệm muốn xâm hại người phụ nữ đó. Cho nên anh liền quay trở lại, xin ngủ thêm một đêm. Vị phụ nữ này vốn bị la-sát cưỡng ép bắt làm vợ. Vì đêm qua la-sát không có về nhà, nên cô nghĩ: “Vị Cư sĩ này là người trì giới, lương thiện. Đêm qua ở đây nên không thấy la-sát trở về. Có lẽ chánh có thể khắc chế tà.” Nghĩ vậy nên cô liền cho vị Cư sĩ này ở lại thêm một đêm. Không may, vị Cư sĩ này đêm đó tồn tâm bất lương, động lòng dâm, đang muốn xâm phạm người phụ nữ, thì bỗng cảm thấy một trận gió lạnh nổi lên, la-sát đạp cửa xông vào, lửa giận bừng bừng. Lúc đó, người phụ nữ kinh sợ hỏi ông chồng la-sát: “Tôi qua ông đi đâu, vì sao không về nhà?” Vị la-sát này đáp: “Tối qua tôi trở về, trông thấy trước cửa có thần vương vây quanh bảo vệ, cả nhà bao phủ một vầng hào quang. Bất đắc dĩ tôi phải ở tạm chỗ khác. Đêm nay về nhà chẳng thấy có hào quang, và cũng không thấy có thần vương, nên mới an nhiên vào nhà.”
Giới là gốc của Vô thượng Bồ-đề. Đức Phật chế ra giới pháp, gần thì bảo hộ đệ tử Phật, tiêu trừ tai ách, gặp hung hóa kiết; xa thì làm nền tảng để thanh tịnh ba nghiệp, chứng đắc đạo quả. Thọ trì giới luật phải có thái độ tôn kính phụng trì, chân thật kính tin Tam Bảo, thì công đức, quả báo sẽ thù thắng không thể nghĩ bàn. Nghi Thức Thọ Bồ-tát Giới nói: “Có phạm giới, vẫn được gọi là Bồ-tát vì có giới có thể phá; Không phạm giới lại bị gọi là ngoại đạo vì không có giới có thể phá.” Bồ-tát tu nhân, chúng sinh chạy theo quả. Thọ trì Bồ-tát giới có thể phát tâm, thành tựu nhân địa của Bồ-tát, y giới tu hành, đến viên mãn Vô thượng Bồ-đề, thành tựu quả Phật. Cho nên, trì giới là nhân duyên trợ đạo, là căn bản tu hành.
Biết khinh trọng, rõ trì phạm
Bồ-tát giới, giới luật mà Bồ-tát phát Đại Thừa tâm thọ trì, chia làm hai loại: Giới Bồ-tát xuất gia và giới Bồ-tát tại gia. Giới Bồ-tát xuất gia trích xuất từ “Phẩm Bồ-tát Tâm Địa Giới” trong Kinh Phạm Võng, có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Giới Bồ-tát tại gia trích xuất từ “Phẩm Thọ Giới” trong Kinh Ưu-bà-tắc Giới, có sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh.
Thế nào là giới trọng? Thế nào là giới khinh? Giới trọng là phạm tội trọng, căn bản, có tất cả sáu điều. Đó là không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không tà dâm, không vọng ngữ, không bán rượu, và không nói lỗi bốn chúng. Tội khinh chỉ tội thất ý. Đây là nói đánh mất ý niệm chân chính hướng đến (Vô thượng Bồ-đề), cũng đánh mất ý niệm thiện của thế gian. Tội thất ý này có hai mươi tám điều, là tội khinh.
Không luận là giới trọng hay giới khinh, mỗi giới đều có khai giá trì phạm. Sau khi thọ giới, trong giới kỳ, Hòa thượng sẽ giảng giới cho giới tử. Ngoài việc giúp giới tử hiểu rõ nội dung của giới văn, cũng cần giúp họ minh bạch việc khai, giá, trì, phạm của mỗi giới. HIểu rõ khai, giá mới có thể nắm được tiêu chuẩn, pháp tắc của việc trì, phạm.
Từ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký ghi: “Giá chính là luật lệ dùng để chế ngự, ngăn chặn. (…) Còn ngoài ra đều là không chế, ý tức là khai. Nên nói ‘chẳng phải chế.’” Khai tức là khai duyên, cho phép. Giá là ý cấm làm. Trì là giữ gìn; phạm là hủy phạm. Trì và phạm mỗi thứ có hai. Chỉ có chỉ trì và chỉ phạm. Chỉ trì là dừng làm các việc ác, gọi là trì giới; chỉ phạm có nghĩ dừng lại, không làm các việc lành là phạm giới. Tác có tác trì và chỉ trì. Tác trì là làm các việc thiện là trì giới, còn tác phạm có nghĩa làm các điều ác là phạm giới.
Biết quả đức, hiểu nhân hạnh
Nghi Thọ Bồ-tát Giới nói: “Trang nghiêm pháp thân, lấy giới làm chuỗi ngọc anh lạc. Phá trừ phiền não, lấy giới làm nước mát thanh lương. Nhưng giới có nhiều loại. Trì Tam Quy, ngũ giới được thân người, tu thập thiện, bát quan trai được quả báo sinh thiên, trì mười giới sa di và cụ túc giới tỳ-kheo ra khỏi ái hà, được Thánh quả A-la-hán, còn người thọ giới Bồ-tát được Phật quả.” Cho nên, Kinh Phạm Võng nói Bồ-tát giới là “bản nguyên của chư Phật, gốc rễ của Bồ-tát.” Trong giới kỳ truyền thọ Bồ-tát giới của bản tự, bắt đầu từ Tam Quy, ngũ giới, kế thọ Bát Quan Trai Giới, Bồ-tát giới. Giới tử thọ giới đúng như pháp nhận lãnh giới pháp tại gia, công đức thù thắng, thật khó có gì sánh bằng.
Nghi Thọ Bồ-tát Giới cũng nói đến tám loại thù thắng của Bồ-tát giới.
1. Cực đạo thù thắng: Thọ giới Bồ-tát như chim đại bàng tung cánh bay cao, có thể đến mười chín ngàn dặm. Đây là vì thọ trì Bồ-tát giới vừa phát tâm liền siêu việt sáu nẻo luân hồi; Hành giả Tiểu Thừa nếu thọ giới Bồ-tát thì hồi Tiểu hướng Đại, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề.
2. Phát tâm thù thắng: Một niệm phát tâm đại bi trí, liều siêu vượt cảnh giới nhị thừa. Như quá khứ có một sa-di, do phát Bồ-đề tâm rộng lớn mà sư phụ là một vị đã chứng A-la-hán trở lại có thái độ cung kính, tự mình mang y vật, nhường đệ tử đi trước.
3. Phước điền thù thắng: Giả sử cúng dường các bậc A-la-hán đầy khắp cõi Diêm-phù-đề cũng không bằng công đức thọ giới Bồ-tát.
4. Công đức thù thắng: Công đức thọ giới Thanh văn như ánh sáng đom đóm so với ánh sáng mặt trời, không chỗ nào không soi đến của công đức thọ trì giới Bồ-tát.
5. Thọ tội khinh vi thắng: Thọ trì Bồ-tát giới, giả sử phá giới cũng hơn ngoại đạo không thọ giới. Ngoại đạo tà kiến chìm đắm trong đường ác, không có ngày ra khỏi. Người phá giới, nhờ uy lực của giới, cho dù rơi vào trong đường ác, cũng thọ tội nhẹ nhàng. Nếu đọa vào địa ngục, sẽ làm vua trong ngục; Nếu đọa súc sinh, sẽ làm vua súc sinh; nếu đọa loài quỷ, sẽ làm quỷ vương; Nếu sinh làm người, sẽ làm vua chúa, nếu sinh cõi trời, sẽ làm vua trời; dù sinh chỗ nào cũng không mất địa vị làm vua.
6. Xử thai thắng: Lúc Bồ-tát ở trong thai được thiên long bát bộ, vua các thiện thần thủ hộ.
7. Thần thông thắng: Bồ-tát có thể biến đại địa thành vàng ròng, thất bảo, quậy nước sông làm tô lạc, đề hồ; có thể một niệm vượt qua trăm ngàn thế giới; có thể một ngày hóa độ trăm ngàn chúng sinh.
8. Quả báo thắng: Sinh trong thế giới Liên Hoa hải tạng, chứng thân pháp tánh. Một khi chứng được chân thường, sẽ mãi mãi không còn thoái chuyển.
Kinh Phạm Võng cũng ghi người thọ trì Bồ-tát giới có năm lợi ích:
Một, là mười phương Phật
Thương nhớ, thường thủ hộ.
Hai, là khi mạng chung
Chánh kiến, tâm hoan hỷ.
Ba, dù sinh chỗ nào
Đều bạn cùng Bồ-tát.
Bốn, là tụ công đức
Nhờ giới độ thành tựu.
Năm, đời này, đời sau
Tánh giới, phước tuệ đầy.
Theo Linh Nguyên Trưởng lão soạn Phật Thuyết Phạm Võng Kinh Tập Nghĩa Cú Giải, năm lợi ích này được giảng như sau:
1. Lợi ích Phật gia hộ: “Một là mười phương Phật, thương nghĩ thường thủ hộ.” Giới là tâm địa mà mười phương chư Phật đã chứng đắc và nói ra. Cho nên người trì giới sẽ được chư Phật thường thủ hộ. Phật còn thủ hộ, huống chi là tất cả quỷ thần trong trời đất sao lại không quy hướng, bảo hộ người này? Nhờ vậy, người thọ giới này sẽ tu tiến tự nhiên, không gặp ma chướng, tiếp nối hạt giống Phật.
2. Lợi ích lâm chung an lành: “Hai là khi mạng chung, chánh kiến tâm hoan hỷ.” Giới là huệ mạng của chư Phật. Cho nên người trì giới, khi sinh mang sắp hết, trong huệ mạng chánh kiến này, một chút cũng không có lòng tư dục, thuần chánh như thiên lý đồng thể, nên tâm sinh hoan hỷ, xa lìa điên đảo mộng tưởng, không có ác cảnh hiện tiền. Cho nên nói: chánh kiến tâm hoan hỷ.
3. Lợi ích có bạn tốt: “Ba là sinh chỗ nào, đều bạn cùng Bồ-tát.” Giới là người bạn tốt có mặt bên ta nhiều đời, dù ở bất cứ nơi nào. Cho nên, người trì giới luôn là người bạn của các vị Đại Bồ-tát vì không có chung chạ cùng bọn ác.
4. Lợi ích công đức đầy đủ: “Bốn là tụ công đức, nhờ giới độ thành tựu.” Giới là chỗ hội tụ của tất cả công đức xuất thế. Cho nên, người đầy đủ giới sẽ vượt sinh tử, được giải thoát, từ đây thành tựu sáu độ đến bờ kia, không pháp nào là không đầy đủ. Bốn lợi ích nói trên là nhân, lợi ích thứ năm “thành tựu Đạo” sau đây là quả.
5. Lợi ích thành tựu Đạo: “Năm đời này, đời sau, tánh giới phước huệ đầy” vì được thành Phật, bậc “lưỡng túc tôn”, phước và tuệ đầy đủ. Toàn tánh khởi tu nên phước nhờ huệ được viên mãn. Toàn tu hiển tánh nên huệ nhờ phước được viên mãn. Vì giới là lưỡng túc tôn trong đồng thể giữa Phật và chúng sinh, cho nên người mà giới đầy đủ thì đời này và đời sau đều dễ giác ngộ nơi Đạo, phước huệ tự viên mãn.
Kinh Đại Bát-niết-bàn nói: “Tất cả chúng sinh tuy có Phật tính, cần phải do trì giới, rồi sau mới thấy được. Vì thấy Phật tánh mới đắc A-nâu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề.” Không luận là Bồ-tát xuất gia hay tại gia, muốn tu hành có chỗ tăng tiến và lợi ích, cần phải nương nơi giới để sinh ra các pháp lành. Trước dùng thiện xả ác; tiến thêm bước nữa dùng xả để xả thiện. Lục Tổ Đại Sư nói: “Tâm địa chẳng lỗi là tự tánh giới.” Mục đích của giới chính là chánh tâm, thành ý. Bắt đầu tu tập từ tâm, liền giúp có thể lợi mình, lợi người, tinh cần trên con đường lớn Bồ-đề.
Thọ trì năm giới, đoan chánh nhân cách, được thân người. Thọ trì “bát quan trai giới” gieo trồng hạt giống xuất thế. Còn thọ trì “tại gia Bồ-tát giới” là tiến thêm bước nữa, phát tâm Bồ-tát cho đến tận cùng đời vị lai. Giới pháp Đại Thừa Bồ-tát là nguồn gốc của chư Phật, là căn bản của Bồ-tát, là nền tảng của con chư Phật. Cho nên, là đệ tử Phật chúng ta nên thọ trì, nên đọc tụng, khéo léo học hỏi. Bồ-tát tại gia thọ tâm địa giới vi diệu này rồi, y nơi căn bản tâm Bồ-đề tối thắng này để thật hành sáu độ muôn hạnh, thì có thể lợi mình lợi người, đạo nghiệp viên mãn.
Tài liệu biên soạn của Trung Đài Thiền Tự, Đài Loan
Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch
+PS. Hình ảnh Giới Đàn Bồ-tát Giới tại Tổ Đình Thiện Tường, Khóa An Cư Sứ Giả Như Lai lần III, ngày 24 tháng 09, 2024
